Nông sản lại ùn ứ tại các cửa khẩu:

Cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 24/01/2011, 12:00
Lại một lần nữa cảnh nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu tái diễn. Theo thông tin từ 2 cửa khẩu lớn của miền Bắc Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh), từ ngày 17/1 đến nay, hàng trăm xe tải, container chở nông sản mà chủ yếu là dưa hấu đang nằm chờ thông quan để đưa hàng sang Trung Quốc.

Hàng ùn ứ, thương nhân đã tốn chi phí nhiều còn bị ép giá

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết: Do thời điểm này đang là chính vụ dưa hấu, cộng với nắm được nhu cầu phía Trung Quốc đang mua nhiều loại quả này để cúng Tết, nên dưa hấu đổ về Tân Thanh ùn ùn. Mỗi ngày lại có thêm hàng trăm xe tải và container nối vào hàng chờ đợi  hiện đã dài hàng cây số.

Ngoài 70% lượng hàng là dưa hấu, thì còn hàng chục loại nông sản, hoa quả tươi chuối, hạt điều… Lượng hàng bị ách tắc ở đây ước đến khoảng 6.000-7.000 tấn. "Tôi sốt ruột lắm, chỉ mong làm cho nhanh nhanh còn về. Trái cây thì đang thối rồi. Càng đợi lâu, càng thối nhiều thì chúng tôi càng thiệt.

Xe phải đưa vào bãi lưu kho ở cửa khẩu, hàng phải thuê kho lạnh để chưa, tiền xăng dầu phát điện, rồi còn chi phí ăn uống, tốn kém lắm. Mệt nhất là giờ miền Bắc đang lạnh quá, anh em ai cũng oải" - một lái xe hàng từ tận Vĩnh Long ra cho biết.

Tương tự, ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) suốt 1 tháng nay, hàng đông lạnh, thịt ngoại tạm nhập tái xuất cũng bị ùn ứ, ách tắc nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải kéo xe trở lại cảng Hải Phòng để bảo quản đông lạnh.

Hàng dài xe đang chờ thông quan sang Trung Quốc.

Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, đang có một nghịch lý diễn ra đã lâu, mà chưa giải quyết được ấy là hàng Trung Quốc vào Việt Nam thì dễ, mà hàng Việt Nam sang Trung Quốc thì gặp đủ khó khăn, lại còn bị ép giá. Đơn cửa, cùng là dưa hấu, nhưng cách đây 3-4 tháng, chúng ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trung bình là 160 USD/tấn (tức khoảng 3.000 đồng/kg). Mỗi ngày, họ chỉ đưa sang khoảng 20 - 30 xe, khối lượng khoảng 600 tấn, nên không bao giờ xảy ra ùn tắc và ép giá.

Trong khi đó, vào thời điểm này, số dưa hấu Việt Nam chờ xuất sang Trung Quốc nhiều hơn hàng chục lần, hải quan có bơi ra làm việc cũng không thông quan kịp hết toàn bộ số xe hàng. Đưa sang được tới Pò Chài thì dưa đã nát, hỏng lại thêm tư thương ép giá nên mỗi quả dưa chỉ còn giá 1.000-2.000 đồng, tính ra chỉ có vài trăm đồng/kg, mà vẫn bị ế la liệt.

Cần có một biện pháp điều tiết xuất khẩu

Tình trạng này không phải bây giờ mới diễn ra, và bài học cũng là đã cũ. Ai cũng biết nguyên nhân ùn ứ hàng hóa là do doanh nghiệp, thương nhân không có thông tin, cứ có hàng là ùn ùn chuyển lên. Thế mới có nghịch lý, trái vụ thì chúng ta phải nhập dưa hấu từ Trung Quốc với giá cao. Chính vụ thì kéo lên nằm dài chờ xuất, bị o ép đủ bề.

Những DN làm ăn có kinh nghiệm, ký hợp đồng rồi mới đưa hàng lên đã đành một nhẽ. Thậm chí, một số chủ hàng còn cho biết họ cứ đưa hàng sang đến Pò Chài (Trung Quốc) rồi mới bày ra mời mọc, đi tìm người mua. Thương nhân Trung Quốc cũng không chịu sang Tân Thanh để mua. Vì thế, bao nhiêu rủi ro là người bán hàng Việt Nam gánh đủ. Hàng càng lên nhiều, thì càng bị ép giá mạnh, mà còn khổ sở mới bán được. Nhiều khi lỗ vốn cũng phải bán, bởi chẳng lẽ hàng mang sang biên giới rồi lại mang về?

Lại thêm chuyện "Hiện Việt Nam và Trung Quốc đã áp dụng chính sách kiểm soát nguồn gốc 5 loại trái cây gồm chuối, thanh long, vải thiều, nhãn và dưa hấu. Theo đó, hàng sang Trung Quốc bắt buộc phải có bao bì, xuất xứ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tư thương của ta thường không chịu đóng bao bì, có khi chỉ đóng sọt, lót rơm khô, nên sang đến Trung Quốc lại mất thời gian bao gói lại. Đã ùn ứ lại càng ùn ứ" - ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (Bộ NN-PTNT) cho biết.

Được biết, một trong những nguyên nhân ùn ứ hàng là ở cơ sở hạ tầng, khi hiện khu vực kho bãi của Tân Thanh chỉ đủ sức chứa khoảng 200 xe các loại. Hệ thống kho lạnh, nguồn điện lưới cũng chưa hiện đại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có quyết định thu hồi hơn 4.000m2 đất ở quanh khu vực cửa khẩu Tân Thanh để mở rộng mặt bằng kho bãi, đảm bảo đủ sức chứa khoảng 500 xe/ngày. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài còn nằm ở việc gia tăng hiểu biết thị trường cho các DN và thương nhân Việt Nam.

"Doanh nghiệp cần biết thông tin về thị trường, cần có một người nhạc trưởng để điều tiết lượng hàng xuất khẩu" - ông Hoàng Khánh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn kết luận

Nhóm PVKTXH
.
.
.