Có nên nghe theo các chuyên gia chứng khoán?

Chủ Nhật, 06/05/2007, 20:49

Các chuyên gia có thể chỉ ra những rủi ro và cơ hội mà bạn không nghĩ đến và ngăn không cho bạn bị cuốn trôi theo dòng suy nghĩ một chiều kiểu “vàng là vật lưu trữ giá trị thực sự duy nhất” hay “đầu tư vào chứng khoán luôn có lãi”.

Mở báo chí có đăng tải về chứng khoán thường sẽ thấy những dự đoán của ông A, ông B, ở công ty chứng khoán X, Y, hay một nhân vật nào đó mà báo chí hay gọi là chuyên gia, về chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lên hay xuống đến một con số là bao nhiêu đó, chẳng hạn là 900 trong thời gian sắp tới đây.

Tất nhiên là bao giờ những dự đoán này cũng được hậu thuẫn bởi những cơ sở ít nhiều có tính thuyết phục. Thoáng qua thì việc này sẽ chẳng có gì đáng nói.Nhưng nếu nghĩ kỹ một chút thì người ta vẫn không thể nào hiểu được tại sao những người này lại có thể vạch ra một con số cụ thể nào đó là cái mức mà thị trường sẽ lên hay sẽ xuống.

Đành rằng chiều hướng lên hay xuống thì ít nhiều có thể dự đoán được, nhưng lên hay xuống đến đâu mà dự đoán được thì có họa chỉ là... nói mò!

Hẳn không cần phải chứng minh điều này vì thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam mấy năm qua và thời gian gần đây đã cho thấy rõ thị trường chứng khoán đã diễn biến vượt qua khuôn khổ dự đoán của hầu hết mọi người, chuyên gia hay không phải chuyên gia.

Vậy rốt cuộc lại người ta có nên nghe theo lời dự báo của các chuyên gia này không?

Câu trả lời là có, và là nên nghe theo bằng một cách thức khác. Như lời của giáo sư Philip Tetlock, đồng thời là một nhà tâm lý học thuộc Trường kinh doanh thuộc Đại học California-Berkeley và là một trong những chuyên gia tâm lý học hàng đầu của thế giới, thì: “Chắc chắn rằng các chuyên gia biết ít hơn mức mà họ tuyên bố là biết. Nhưng điều này không có nghĩa là họ chẳng biết gì cả”.

Ông phát hiện ra rằng, nói chung, các chuyên gia, kể cả những chuyên gia sừng sỏ nhất ở Wall Street (trung tâm tài chính Mỹ) có một bảng thành tích khá xám xịt về dự đoán.

Nhưng ông cũng phát hiện ra rằng, một số người có thể dự đoán chính xác hơn những người khác, bởi cái cách họ tư duy như thế nào chứ không phải bởi họ tư duy cái gì. Từ kinh nghiệm của những bộ óc tư duy tốt nhất, bạn cũng hoàn toàn có thể học cách suy đoán về tương lai của bản thân mình một cách rõ ràng hơn.

Kể từ những năm 1980, Tetlock đã tiến hành khảo sát những người được cho là biết tất cả (về lĩnh vực chuyên môn của mình), gồm những học giả, những người hoạch định chính sách, và các nhà báo, và yêu cầu họ dự đoán về những sự kiện tương lai xảy ra trên thế giới.

Kết quả của việc khảo sát này, được ông công bố trong một cuốn sách của mình hồi năm ngoái, cho thấy các dự đoán này có độ chính xác rất khiêm tốn.

Các chuyên gia này dự đoán không tốt hơn mấy những chuyên gia thuộc một lĩnh vực hoàn toàn khác, là những người chỉ có kiến thức chung chung về điều được yêu cầu dự đoán.

Thậm chí, một số chuyên gia trong ngành dự đoán còn không tốt bằng những chuyên gia ngoài ngành.

Tetlock đã phải kết luận rằng: “Một độc giả có mức độ quan tâm trung bình của một tờ báo có chất lượng có thể đưa ra dự đoán với chất lượng tương đương như của những người tiêu tốn nhiều năm nghiên cứu trong những sự kiện như liệu, ví dụ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có tiếp tục hay không, hoặc chỉ số Nikkei của Nhật sẽ lên hay xuống”.

Vậy tại sao các chuyên gia mắc sai lầm trong dự đoán? Có ít nhất 3 thách thức cho các chuyên gia khi dự đoán các sự kiện tài chính.

Thứ nhất, đó là sự thay đổi đột nhiên xuất hiện. Đã có tác giả chỉ ra rằng nền kinh tế đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện kiểu “thiên nga đen”, một hiện tượng tâm lý học, theo đó, bất kể có bao nhiêu con thiên nga trắng người ta nhìn thấy, người ta không thể chắc chắn rằng tất cả thiên nga đều là trắng.

Những “thiên nga đen” này - những sự kiện trật ra khỏi/làm đổ vỡ tất cả những gì ta có thể kỳ vọng dựa trên diễn biến trong quá khứ - luôn song hành với thị trường. Chúng không thể mô hình hóa hoặc không lặp lại, và quyết định diễn biến xảy ra.

Cơn sốt cổ phiếu ngành công nghệ thông tin là một ví dụ cho sự kiện kiểu này. Một số ít người phất to với sự kiện chỉ xảy đến một lần này, còn những người khác thì nướng toàn bộ tiền tiết kiệm vào thị trường khi quá chậm trong việc tham gia và rút lui.

Lưu ý rằng không phải chỉ có những sự kiện lớn mới làm thay đổi thị trường. Nhiều khi, chỉ cần một vết xước cũng có thể gây tử thương cho nền kinh tế. Điều này cũng có thể lý giải từ lý thuyết xác suất.

Hãy tưởng tượng có một hộp đựng một quả bóng đỏ và một quả bóng đen. Bạn rút một quả bóng từ trong hộp một cách ngẫu nhiên và đặt trở lại vào hộp với một quả bóng khác có cùng mầu với quả vừa rút ra. Lặp đi lặp lại cho đến khi hộp đầy bóng.

Nếu trong những lần rút đầu tiên, tình cờ bạn rút ra nhiều bóng đỏ hơn thì rất khó thay đổi chiều hướng là cuối cùng bạn sẽ có một hộp đa phần là bóng đỏ. Điều đáng nói là không thể dự đoán được từ trước kết cục của trò chơi này.

Liên hệ với thực tế, vào những năm 50, có rất nhiều thành phố đại học có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ cao ở Mỹ.

Nhưng tình cờ rằng William Hewlette, David Packard và một số người bạn lại sống gần Đại học Stanford. Họ lôi cuốn thêm những người khác. Kết cục là Thung lũng Santa Clara trở thành Thung lũng Silicon.

Thứ hai, sự cạnh tranh làm thay đổi kết cục của trò chơi. Khó có thể dự đoán, ví dụ, một công ty phần mềm sẽ thành công.

Nhưng khi bạn đầu tư vào công ty này, bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề hoàn toàn mới. Nếu những người khác có cùng suy nghĩ với bạn, họ cũng sẽ đồng thời mua cổ phiếu công ty này và đẩy giá lên cao, làm mất đi cơ hội kiếm lãi của bạn.

Nói cách khác, bạn phải không những là đúng trong phân tích triển vọng của công ty này, mà còn phải đúng khi thị trường sai.

Vào bất cứ thời điểm nào, thị trường hiển thị trên màn hình máy tính phản ánh tư duy của vô số các nhà phân tích và dự báo, là những người đánh cược với tương lai. Công việc của người dự báo tài chính là phải tìm ra được một lý do để chứng minh rằng quan niệm hiện tại trên thị trường sẽ sai trong tương lai.

Điều khó khăn là mọi người làm công việc này đều tiếp cận với những nguồn thông tin hầu như như nhau, giống như các chuyên gia làm việc ở trung tâm tài chính New York, London hay Frankfurt.

Thứ ba, chúng ta rất giỏi trong việc tự làm mê hoặc chúng ta. Kể từ những năm 70 đã có một ngành kinh tế học mới gọi là tài chính hành vi, mà theo đó thì các quan niệm của chúng ta thường xô đẩy chúng ta đến chỗ sai lầm trong nhận định về con số nói chung và tiền bạc nói riêng.

Ví dụ, bộ não chúng ta thích khám phá ra những chiều hướng kể cả khi chẳng có một chiều hướng nào tồn tại. Liên hệ với thực tế, ở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều công ty niêm yết làm ăn có lãi lớn, nhiều tin tức tốt lành cùng xảy đến, và giá chứng khoán không ngừng tăng.

Lý trí xui dại nhà đầu tư rằng chiều hướng tăng trưởng mạnh trong quá khứ này sẽ tiếp tục trong tương lai, khi trên thực tế giá chứng khoán liên tục sụt giảm suốt hơn tháng qua và cũng chẳng thể đoán được sẽ đi đến đâu (trong khi nhiều người vẫn cố tình đưa ra những dự đoán, với một con số cụ thể nào đó).

Đôi khi chúng ta vô tình lựa chọn một số sự kiện/diễn biến thực tế và bỏ qua những sự kiện/diễn biến khác để hình thành một câu chuyện đẹp hơn.

Điều này đặc biệt đúng với những chuyên gia tiếp cận với quá nhiều thông tin, và do đó có thể thêu dệt nên nhiều ảo giác.

Vào năm 1999, hãng máy tính Dell được các chuyên gia nhìn nhận như là một đột phá mang tính cách mạng trong ngành máy tính và được khuyến cáo đầu tư.

Nhưng cái mà các chuyên gia bỏ qua, còn bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải nghĩ ngay đến là việc cổ phiếu Dell có mức P/E hơn 100 lần. Thật khó mà thu lãi từ những loại cổ phiếu đắt như vậy, nếu đầu tư.

Tương tự như vậy, một số công ty niêm yết ở Việt Nam được cho là có triển vọng phát triển rất tốt và được nhiều người lùng mua.

Nhưng cái mà họ bỏ qua là giá của chúng đã trở nên quá đắt đỏ, kèm theo đó là khả năng sinh lời rất hạn chế.

Tuy vậy, như đã nói, những sai lầm của các chuyên gia không có nghĩa là chúng ta không nên nghe theo họ. Vậy nên nghe họ như thế nào để đạt hiệu quả nhất?

Giáo sư Tetlock chia các chuyên gia tài chính thành hai loại. Loại thứ nhất là những người không cố gắng gượng ép tất cả vào trong một lý thuyết tổng quát giải thích cách thức vận hành của thế giới.

Họ thu thập thông tin từ nhiều nguồn, kể cả những nguồn mà họ bất đồng, và đưa vào trong tư duy của mình.

Ngôn từ ưa dùng của loại chuyên gia này là “nhưng”, “tuy vậy”, và “mặt khác”. Loại thứ hai thì hay dùng những từ như “thêm vào đó”, “hơn nữa”. Loại chuyên gia này ấn tất cả vào trong một Ý tưởng lớn và đó là tất cả những gì họ muốn nói đến.

Xét khách quan thì loại chuyên gia thứ nhất thường có dự đoán chính xác hơn loại thứ hai. Nhưng câu trả lời không phải đơn giản là hãy lắng nghe loại chuyên gia thứ nhất, vì dự đoán của họ cũng thường xuyên sai.

Bởi vậy, điều nên làm là kết hợp dự đoán của cả hai. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Mỹ), đã có một theo dõi thống kê từ năm 1986 cho thấy rằng không một chuyên gia nào của họ có dự đoán đáng tin cậy hơn mức trung bình của tất cả các chuyên gia.

Tất nhiên là bạn không thể/cần phải tính toán mức dự đoán trung bình cho mọi thứ, nhưng bạn có thể phải đưa tất cả quan điểm khác nhau vào trong quyết định của mình.

Đối với người mới chơi, hãy đưa ra ít quyết định hơn - một danh mục đầu tư được đa dạng hóa tốt sẽ có khả năng sống còn nhiều hơn với các tình huống xảy ra trong tương lai.

Sau đó, nếu bạn quyết định một bước thay đổi thì khoan hãy làm cho đến tận khi bạn tìm thấy một ý kiến bất đồng.

Nói cách khác, một cách để thử một người làm dự báo là xem họ có mô tả được ý kiến đối nghịch không.

Điều tương tự cũng có thể áp dụng cho một nhà đầu tư tốt. Và cuối cùng, viết ra những ý nghĩ đằng sau mọi quyết định lớn để bạn có thể học hỏi từ những sai lầm. Giáo sư Tetlock lưu ý rằng chúng ta rất, rất giỏi trong việc quên lãng những sai lầm của chúng ta.

Cuối cùng, cái mà các chuyên gia có thể làm tốt là giúp bạn đa dạng hóa tư duy của mình.

Trong khi một chuyên gia có thể sai khi cảnh báo về, ví dụ, một cơn bong bóng bất động sản, người đó ít nhất đã giúp bạn nhìn ra điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận định sai.

Nói rộng hơn, các chuyên gia có thể chỉ ra những rủi ro và cơ hội mà bạn không nghĩ đến và ngăn không cho bạn bị cuốn trôi theo dòng suy nghĩ một chiều kiểu “vàng là vật lưu trữ giá trị thực sự duy nhất” hay “đầu tư vào chứng khoán luôn có lãi”

Theo TS Phan Minh Ngọc (VTC News)
.
.
.