Cơ hội lớn cho hàng Việt

Thứ Hai, 26/05/2014, 11:06
Sau gần 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, hàng Việt đã xác lập được một chỗ đứng khá chắc chắn đối với người tiêu dùng trong nước bởi những ưu thế nhất định như chất lượng tốt và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, “chỗ đứng” của hàng Việt vẫn còn khá khiêm tốn trước sự lấn át của hàng nhập ngoại, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, trước tâm lý tiêu dùng “nói không với hàng Trung Quốc” trong những ngày qua, các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng, đây thực sự là thời cơ tốt để hàng Việt có thể đột phá vươn lên, chiếm lĩnh thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia và chính người tiêu dùng, điểm mạnh lớn nhất của hàng Việt Nam chính là chất lượng và sự an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc tuy có giá bán rẻ, mẫu mã phong phú, đa dạng song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng khi mà liên tục những năm qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện không ít mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đáng chú ý là các loại đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em; quần áo trẻ em sử dụng phẩm nhuộm gây hại; dư chất bảo quản, hóa chất trong hoa quả, rau xanh của Trung Quốc…

Bên cạnh vấn đề chất lượng, sự an toàn thì lòng yêu nước của người dân Việt đang được khơi dậy rất cao trong những ngày qua chính là cơ hội để người dân sẽ lựa chọn, ưu tiên hàng Việt Nam. Và trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước tận dụng được thời cơ này. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa, đơn vị này đã tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian gần đây, bằng việc tăng mạnh sản lượng bán ra mặc dù ngành Đường đang là một trong những ngành gặp khốn khó với tồn kho và ngoại nhập. Hay một số DN may mặc, ngành nhựa… trong nước cũng đã vươn lên chiếm thị phần, từng bước “đánh bật” được hàng Trung Quốc ở nhiều phân khúc, từ cao cấp cho đến bình dân…

Bên cạnh đó, các nhà phân phối trong nước như Coopmart, Ocean mart cũng đã chung sức với hàng Việt bằng những cam kết đẩy mạnh tiêu thụ các hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trong hệ thống siêu thị song song với các kênh phân phối truyền thống như chợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng, dù đang có những lợi thế nhất định, song các DN không được chủ quan, mà cần phải xem đây là cuộc chiến lâu dài để từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng và mẫu mã thì chiến dịch tuyên truyền cần được xem là một mắt xích quan trọng. Theo đó, hai đối tượng chính mà DN cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi ý thức, đó là người tiêu dùng và bà con tiểu thương. Nếu không có người dùng, không có nhu cầu, tất yếu người bán sẽ không nhập hàng nước ngoài về, vì nhập về bán cho ai? Ngược lại, chừng nào người đi buôn còn bị hấp dẫn vì giá rẻ, vẫn nhập hàng về ồ ạt để kiếm lời, thì chừng đó thị trường còn chỗ tiêu thụ hàng nước ngoài.

“Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" bằng cách xây dựng chương trình truyền thông mạnh mẽ về hàng Việt chất lượng tốt, không độc hại, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời nêu tác hại của hàng ngoại nhập kém chất lượng trên các kênh truyền thông và “phát” vào một giờ nhất định… thì tôi nghĩ, chẳng một người dân Việt Nam nào lại không chọn hàng trong nước nếu đó là sản phẩm tốt cho mình, cho gia đình mình cả” - TS. Nguyễn Minh Phong gợi ý.

Ngoài ra, để hàng hóa Việt có hiệu ứng lan tỏa, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, trong tiến trình hội nhập, chẳng hạn theo đúng cam kết của tiến trình tự do hoá thương mại khu vực ASEAN/AFTA vào năm 2018 thì các DN cũng phải có những cam kết nhất định về quá trình phát triển, hay nói cách khác là cam kết về bảo hộ tỉ lệ nội địa hoá trong mỗi sản phẩm của DN mình. Điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nội địa sử dụng hàng lẫn nhau. Và đó chính là cơ hội tuyệt vời cho hàng Việt

Huyền Thanh
.
.
.