Cơ hội lên ngôi cho du lịch nông nghiệp

Chủ Nhật, 04/10/2020, 07:40
Trong điều kiện dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, ngành du lịch cả nước đang tập trung thực hiện kịch bản kích cầu lần hai, các khu du lịch, điểm tham quan, cơ sở cung cấp dịch vụ lữ hành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động tận dụng tiềm năng dồi dào, ra mắt nhiều sản phẩm mới, thu hút du khách nhưng vẫn đảm bảo an toàn, đó chính là du lịch sinh thái – nông nghiệp.


Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP World Travel, Đồng Tháp chia sẻ, để cứu vớt số tour bị sụt giảm đến 80% do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện  công ty tập trung tổ chức các tour gắn với điểm đến an toàn, như: Các khu sinh thái vùng sông nước, tour tham quan biển, đảo.

“Những khu vực này ít người, hoang sơ. Công ty đang tổ chức các tour lẻ, chọn các điểm đến đảm bảo an toàn cho du khách. Các khu du lịch, điểm tham quan cho du khách đều rất thoáng, rộng rãi và không tập trung đông người. Các cơ sở cung cấp dịch vụ đều ý thức rất tốt việc phòng, chống dịch và đảm bảo an toàn cho du khách”, ông Giang nói. Miền Tây đang vào mùa nước nổi, đây cũng lợi thế cho du lịch trải nghiệm, tham quan.

Du khách thích thú khi tham quan điểm du lịch “cá lóc bay” ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Anh Trần Thanh Xuyên, thành viên Tổ tư vấn du lịch cộng đồng cồn Sơn (Cần Thơ) cho biết, lượng khách tham quan cồn mỗi ngày chỉ khoảng hơn 100 khách, giảm mạnh so với trước. Mấy ngày qua, khách đến cồn có tăng lên và rất thú vị với hình ảnh gần cả ngàn con cá lóc bú bình tại điểm của nhà vườn anh Nguyễn Thành Tâm – được đặt biệt danh “vua xiếc cá lóc”.

Đây được xem là “phiên bản” khác của cá lóc bay để tìm mồi. Chị Huỳnh Thị Hồng Sen, chủ cơ sở Căn nhà màu tím ở quận Cái Răng cho biết vào cuối tuần, lượng khách từ các tỉnh lân cận có tăng lên, rất đáng mừng. “Du khách đến đây khá hài lòng và chủ yếu là chụp ảnh lưu niệm tông màu tím của nhiều vật dụng. Hiện nay, có khoảng 10 cơ sở lữ hành đã liên hệ và chọn nơi này làm điểm check-in, chụp ảnh”, chủ cơ sở này nói.

Anh Hà Tuấn Anh, du khách ngụ tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ những ngày đầu tháng 9 vừa qua, anh có kỳ nghỉ khá vui vẻ cùng với nhóm bạn tại sông nước miền Tây. Thay vì chọn các điểm du lịch đông người, nhóm của anh Tuấn đã lên lịch trình sẵn khi tham quan các điểm sinh thái và chọn các món ăn dân dã.

“Đây là lần thứ hai đến miền Tây, tôi vẫn rất ấn tượng vì nét đặc trưng của vùng quê sông nước. Đôi khi, đến những nơi khách không quá nhộn nhịp, ồn ào cũng thấy hay hay”, anh Hà Anh Tuấn nói. Mùa nước nổi đang về, cùng với nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn, Khu du lịch tại Vườn quốc gia Tràm Chim đang thu hút du khách. “Hiện khách đến tham quan tăng dần. Ngày cuối tuần gần 500 khách”, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim nói.

Cho tới thời điểm này có thể khẳng định, một trong những điểm mạnh về du lịch của ĐBSCL là du lịch nông nghiệp (DLNN). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hạnh, Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), nông dân làm DLNN và mở cửa cho khách tham quan vườn sẽ làm gia tăng giá trị sản phẩm. Nông dân ngoài tiêu thụ sản phẩm qua kênh truyền thống, còn bán sản phẩm trực tiếp cho khách đến tham quan vườn.

DLNN sẽ giúp  du khách có thêm lựa chọn sản phẩm du lịch mới, gắn với những miền quê trù phú. “Nông dân thông qua DLNN có thể bảo tồn, phát triển nền sản xuất vốn có, tránh tình trạng bỏ quê lên thành thị làm thuê”, bà Hạnh chia sẻ và cho rằng, DLNN là hướng đi mới cho đầu ra và tăng giá trị sản phẩm của nông dân.

Phong Điền là huyện có diện tích cây ăn trái lớn của Cần Thơ với khoảng 8.500 hécta. Những trái ngon đặc sản nơi đây như: Vú sữa, dâu hạ châu, măng cụt, sầu riêng, nhãn Idol… đều được chứng nhận VietGAP. Nhiều nhà vườn nơi đây đã tận dụng tiềm năng này để làm DLNN. Tham quan chợ nổi Cái Răng xong, hầu hết du khách đều rất thích bước lên bờ tham quan vườn cây ăn trái trĩu quả. Nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích cây ăn trái để phục vụ khách tham quan.

Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Điền cho biết, tháng nào trong năm nơi đây cũng có trái cây cho du khách thưởng thức. Đến đây, khách còn có thêm nhiều thông tin, kỹ năng rất thú vị gắn với “miệt vườn”. Được tập huấn nhiều, bà con nhà vườn giờ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Ngày đầu tháng 10-2020, PV Báo CAND bước vào điểm DLNN mới toanh ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), đó là Nông trại Ông Bà Tư. Do giữ vẻ hoang sơ vùng Đồng Tháp Mười, với ruộng sen bát ngát. những cánh đồng lúa ngút ngàn và cả những chiếc áo bà ba, khăn rằn Nam bộ làm bức tranh quê thêm thoáng đãng, trữ tình, điểm này đã thu hút rất nhiều khách, nhất là các bạn trẻ đến check-in. Ông Nguyễn Văn Tư, chủ trang trại say sưa nói cả ngày với khách về vẻ đẹp thuần khiết của sen Tháp Mười. Cách làm này đã làm say đắm lòng biết bao du khách, kể cả những người xa quê.

Đến đây, du khách còn có những trải nghiệm hái măng tây sạch, chèo xuồng, câu cá; các món ẩm thực tại đây mặc nhiên là những món đồng quê. “Măng tây, rau sạch đều được hái tươi ngoài vườn; cá tôm thì được chính tay du khách bắt từ dưới mương lên, không ngon mới lạ”, ông Tư chia sẻ. Mà phải chỉ ăn, mua mang về thôi đâu, khách còn rất thích thú khi chụp ảnh bên vườn măng tây xanh mướt. Đây cũng cách bán hàng, giới thiệu sản phẩm hữu hiệu nông dân mô hình canh tác bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Du khách không chỉ ngắm nhìn nông dân sản xuất mà còn tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến ra sản phẩm.

TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng ĐBSCL có những sản phẩm du lịch trùng lắp nhưng nếu biết làm mới sẽ không giống nhau.

“Chẳng hạn, đờn ca tài tử ở Tiền Giang sẽ khác ở Bạc Liêu hay các địa phương khác. Canh chua cá lóc ở Vĩnh Long sẽ có vị khác với An Giang. Chúng ta cần phải biết làm mới sản phẩm từ cái cũ, từ nhu cầu của du khách mà tạo ra sự khác biệt. Vừa trải qua khoảng thời gian rất đặc biệt do dịch bệnh, ngành du lịch các tỉnh miền Tây nên nghĩ nhiều để phát triển theo hướng bền vững đó”, ông Hiệp nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ĐBSCL có cù lao, rừng ngập mặn làm say lòng du khách nên cần nghiên cứu sản phẩm mới từ những cái sẵn có. Các khu, điểm du lịch tự làm mới thì các công ty lữ hành cần thiết kế nhiều tour mới, các gói sản phẩm sao cho khách đi qua từng địa phương tham quan và thưởng thức những món đặc trưng. Những gói sản phẩm không chỉ hấp dẫn về giá mà ý tưởng sản phẩm mới, ý tưởng kết nối, tạo ra nhiều trải nghiệm, nhiều kỳ nghỉ thú vị, tạo ra ấn tượng lưu lại trong lòng du khách.

Tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc chăm chút cho việc phát triển du lịch đường thủy đang khá hấp dẫn du khách, Sở Du lịch cho biết đang phối hợp với chính quyền quận 9, các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung quảng bá, đẩy mạnh khai thác và phát triển các chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp trên địa bàn. Sở đang phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát và triển khai các nội dung xây dựng chương trình du lịch mới trên địa bàn huyện Củ Chi với lịch trình dự kiến: Trung tâm Thành phố - Bến xe Củ Chi - Cung đường ven sông Sài Gòn - Các điểm đến làng nghề, khu sinh thái, nhà vườn - Địa đạo Bến Dược - Địa đạo Bến Đình – Trung tâm thành phố; đồng thời tiếp tục phối hợp triển khai các nội dung hình thành và khai thác tuyến bus vận chuyển từ trung tâm thành phố đến huyện Củ Chi gắn với các điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp trên địa bàn huyện. (Th. Bình)
Văn Vĩnh
.
.
.