Bất ngờ vì lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua:

Cơ hội đến cùng thách thức

Chủ Nhật, 28/12/2014, 09:12
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 dừng ở mức 1,84%- con số quá ấn tượng và gây bất ngờ cho hầu hết các dự báo trước đó. Đây thực sự là một thành công lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, thì các chuyên gia kinh tế vẫn còn nhiều nỗi lo lắng về tổng cầu thấp, khó khăn của doanh nghiệp, khi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tại Hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, vừa mới diễn ra, bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Đầu năm 2014, ít người có thể dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay kết thúc ở những con số thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây: CPI tháng 12/2014 so với tháng 12 năm trước tăng 1.84% (bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,14%). CPI  cả năm 2014 so cùng kỳ năm trước tăng 4,09%.

Lý giải về kết quả bất ngờ này, bà Dương cho rằng bắt nguồn từ nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 2,61% so với tháng 12 năm trước thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,08% của năm 2013. Bên cạnh đó, mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng dịch vụ công về giáo dục, y tế thấp hơn, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định.

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cuối năm giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1.95% và nhóm hàng giao thông giảm 5.57% so tháng 12 năm trước, ngược chiều so với mức tăng 5.49% và 2.6% của năm 2013.

Năm 2014, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất ít hơn, và tâm lý người tiêu dùng khi kinh tế còn khó khăn sẽ thắt chặt chi tiêu, cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây. Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia quyết liệt trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường của nhiều bộ, ngành như Ngân hàng, Tài chính, Công thương.

Đánh giá về tác động tích cực của lạm phát thấp, các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo cho rằng đây là hệ quả, đồng thời là điều kiện quan trọng cho phục hồi kinh tế, tăng trưởng đạt 5,93% năm nay. Điều này sẽ tạo tiền đề cơ bản để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2015 trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi với tốc độ khả quan hơn. Tuy nhiên, cùng với niềm vui, không ít các chuyên gia bày tỏ lo lắng về những tác động tiêu cực mà lạm phát thấp mang lại.

Ts. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, lạm phát thấp vừa là cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2015. Về cơ hội, đó là tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lạm phát thấp cũng sẽ đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế; thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ít biến động; giá cả thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng…

Tuy nhiên, lạm phát thấp cũng sẽ tạo ra thách thức là thu ngân sách khó khăn, Chính phủ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội; không khuyến khích đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao; lạm phát thấp kéo dài cộng thêm thâm hụt ngân sách tiếp diễn, như thực trạng hiện nay sẽ dễ dẫn tới suy thoái kinh tế.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, như đầu tư và tiêu dùng sụt giảm, tồn kho, doanh nghiệp phá sản nhiều vì lạm phát thấp mang lại, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng trong ngắn hạn, cần tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song đồng thời thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng.

Cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng… Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu không sớm muộn lại dẫn đến lạm phát và các bất ổn vĩ mô…

Lệ Thúy
.
.
.