Cơ hội cho ngành mía đường

Thứ Bảy, 28/05/2005, 07:14
Kết thúc niên vụ mía đường 2004 - 2005, hầu hết các nhà máy đều có lãi song, lãi cũng chưa đủ bù lỗ. Dù sao, đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành mía đường Việt Nam.

Kết thúc quá trình kiểm toán của Bộ NN&PTNT đối với các doanh nghiệp mía đường, đã có 22 nhà máy đường báo cáo bị thua lỗ. Với kết quả kiểm toán này, 18 đơn vị sẽ được sắp xếp lại.

Hiện nay, các nhà máy đang lập báo cáo kinh doanh vụ mía đường 2004 - 2005 gửi về Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Cục CBNLS&NM). Trong báo cáo của Công ty Đường Lam SơnCông ty Đường Trà Vinh - hai đơn vị làm báo cáo sớm nhất, cả hai doanh nghiệp này đều có lãi. Công ty Đường Lam Sơn chia lãi cổ tức 20% đảm bảo mức lương công nhân trung bình đạt 2,6 triệu đồng, nộp ngân sách 38 tỷ. Công ty Đường Trà Vinh trong quý I-2005 cũng đã lãi trên 4 tỷ đồng.

Mặc dù vụ mía năm nay là một vụ mùa không suôn sẻ, diện tích mía trên cả nước chỉ đạt 300.000 ha, giảm 5.000ha so với vụ trước, nhưng với các nhà máy đường lại là một vụ mùa khởi sắc. "Hầu hết các nhà máy năm nay đều có lãi, chỉ cần chạy hết 70% công suất cũng vẫn có lãi. Chỉ có ít nhà máy hòa vốn" - ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, nói.

Trước những thông tin về việc có thể sẽ phải giải thể một số nhà máy đường làm ăn thua lỗ, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng này.

Giải thích vì sao lãi chưa đủ bù lỗ, ông Khang cho biết, chuyện thua lỗ của các nhà máy là do gần chục năm trở lại đây, hàng loạt các nhà máy đường được cấp vốn ồ ạt cho xây dựng. Hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào xây dựng nhà máy nhưng khâu cốt yếu nhất lại bị bỏ quên. Đó là việc xây dựng vùng nguyên liệu. Nhà máy đường xây xong nhưng không có mía để ép. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà máy đường phải "đắp chiếu".

Thêm nữa, năm 2003, hầu hết các nhà máy đường đều bị lỗ. Chỉ tính riêng 14 nhà máy đường do Trung ương quản lý đã có số lỗ là 257.764 triệu đồng. Vì vậy, lỗ lũy kế của các nhà máy tích lại từ nhiều năm nên chỉ một vụ khả quan cũng khó lòng giúp vực dậy cả ngành mía đường bị mang tiếng trì trệ, dù đây là ngành được quan tâm, đầu tư rất nhiều.

Mặc dù vậy, không phải ngành mía đường không còn cơ hội để vươn lên. Trước mắt, ngoài vụ lãi năm nay thì giá đường hiện đang diễn biến rất có lợi cho các nhà máy và cho người trồng mía. Tại miền Bắc, giá đường đứng ở mức 6.500 - 6.700 đồng/kg.

Do thiếu đường (thiếu nguyên liệu mía cây để ép), giá đường trong một vài tháng tới sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt trong mùa nắng nóng nhưng sẽ không tạo thành "cơn sốt giá". Giá đường cao nhưng không bất hợp lý, đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.

Giá đường tăng cao còn do nguyên nhân từ đầu năm, giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, thuốc trừ sâu, phân bón đều tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành đường thành phẩm.

Dù sao, qua việc thiếu đường, ngành mía đường cần rút ra bài học và tiết kiệm nguyên liệu, hỗ trợ nông dân để tăng diện tích mía. Với các nhà máy đường đang có lỗ, Nhà nước sẽ không đầu tư tiếp cho các nhà máy này mà sẽ tiến hành cổ phần hoá để lấy lại vốn. Thực tế, các nhà máy đường đã cổ phần hoá đều năng động hơn trong sản xuất, kinh doanh và đạt được hiệu quả doanh thu cao

Ngọc Yến
.
.
.