Cơ hội cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Nga

Chủ Nhật, 23/08/2015, 08:45
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu với hàng loạt ưu đãi về thuế đã mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam vào thị trường này.

Vào ngày 12/11 tới, tại thủ đô Moskva (Liên bang Nga), Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, BIDV và Công ty Incenta sẽ tổ chức hội chợ - bán hàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao Moskva 2015” để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đến doanh nghiệp và người dân Nga.

Theo Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, Liên minh sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như: dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực…

Thị trường Nga thiếu nguồn cung cấp hàng hóa là cơ hội cho doanh nghiệp và hàng Việt Nam.

Vì vậy, hội chợ - bán hàng "Hàng Việt Nam chất lượng cao Moskva 2015" sẽ tập trung giới thiệu các sản phẩm nông sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày… chất lượng cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, cho biết, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu đã mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thuế suất về 0%, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nhu cầu thị trường lớn, Nga đang cấm vận hàng hóa từ phương Tây, chính sách hướng Đông của Tổng thống Putin… là điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho doanh nghiệp Việt. Theo ông Nikolai Kapustkin, Phó trưởng Đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, các sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân Nga, đặc biệt là nông sản, đồ gỗ và hàng công nghiệp nhẹ.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một cơ hội to lớn và cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Điều quan trọng là những sản phẩm từ Việt Nam trong tương lai sẽ đóng vai trò tích cực trong việc ổn định tại thị trường Nga, và đây cũng là điều mà Nga mong muốn. Việc giảm thuế nhập khẩu đến 0% các mặt hàng áo khoác, váy, đồ thể thao, giày thể thao và một số loại giày dép cũng sẽ tạo lợi thế cho Việt Nam”, ông Nikolai khẳng định.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Thế giới nông sản (Moskva) Julieta Mironova cho biết, doanh nghiệp của bà chuyên nhập các mặt hàng nông sản. Hiện tập đoàn này đang nhập pho mát, các loại thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Quốc và rất quan tâm đến mở rộng việc nhập nguyên liệu, thuỷ hải sản với những hợp đồng dài hạn và số lượng lớn. Theo bà Julieta Mironova, nếu có chế độ ưu đãi cho hàng nhập khẩu vào Nga thì hàng Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao.

“Chúng tôi thiếu rất nhiều chủng loại hàng hoá có chất lượng cao, trong đó có các mặt hàng thực phẩm. Bởi vậy, chúng tôi cũng như nhiều công ty nhập khẩu khác của Nga rất quan tâm và đang tìm kiếm các hợp đồng mới”. Ông Anton Ilyushin, Tổng Giám đốc Công ty “Bếp cho con người” cho biết, hiện ở Nga khách hàng ưa thích các loại đồ gỗ đơn giản, công năng cao sao cho mỗi centimet đều có ích. Trên thị trường Nga hiện nay thịnh hành các loại tủ chế tạo từ gỗ ép, nhựa tổng hợp hoặc gỗ thịt. Hiện loại tủ bếp làm từ gỗ khối được bán chạy hơn cả vì người Nga bắt đầu ưa dùng các loại vật liệu gần với thiên nhiên để trang bị trong căn hộ. Đồ dùng từ gỗ đang dần chiếm lĩnh thị trường. Điểm thuận lợi là thị trường Nga và Việt Nam không “đụng độ” nhau về đồ gỗ nên “nếu đồ gỗ Việt Nam sang được Nga sẽ tạo ra một làn sóng mới mẻ”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nga, BIDV đã có chương trình tài trợ vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 1-1,5%. BIDV cũng đang tài trợ cho doanh nghiệp Việt Nam mua, thuê văn phòng đại diện tại Trung tâm Thương mại Hà Nội – Moskva. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, ngày 13/9, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp của thành phố đi xúc tiến thương mại, du lịch tại thị trường Nga. Đây là bước đi nhằm tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường để các doanh nghiệp chuẩn bị một kế hoạch xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào Nga.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Cá sấu Việt Phong, lâu nay khách hàng Nga vẫn là đối tượng khách hàng chủ yếu của Việt Phong. Công ty Việt Phong đã xúc tiến mở cửa hàng tại Moskva để không chỉ bán hàng mà tìm cơ hội tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm  thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu, giới thiệu năng lực và khả năng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó trưởng Đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Nikolai Kapustkin cũng cảnh báo, khi Hiệp định FTA có hiệu lực, hàng hóa sản xuất từ những quốc gia cận kề Việt Nam cũng có thể sẽ "núp bóng" hàng Việt Nam để hưởng các ưu đãi thuế. Bên cạnh các nguyên tắc chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa để kiểm soát liệu đây là sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam hay không thì các doanh nghiệp Việt luôn cần có những biện pháp bảo vệ thương hiệu của mình.

Nguyễn Thiêm
.
.
.