Cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư phát triển kỹ thuật thông minh

Thứ Ba, 23/08/2016, 16:57
Đó là chủ đề của Hội nghị đầu tư vào ĐBSCL thường niên lần 4 (MekongInvest 2016) sẽ được tổ chức trong hai ngày 11 và 12-11 tới đây tại TP Cần Thơ...

Giới thiệu về sự kiện trên, tại buổi họp báo được tổ chức chiều nay 23-8 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Lam – Phó giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, cho biết MekongInvest là sự kiện kinh tế lớn trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đầu tư được thực hiện bởi VCCI Cần Thơ và Trung tâm xúc tiến Thương mại - Đầu tư và Du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL. 

Qua 3 năm tổ chức, sự kiện này thu hút sự quan tâm của các tổ chức thương mại, xúc tiến quốc tế và các DN trong vùng. MekongInvest 2016 với chủ đề trên, nhằm kêu gọi hợp tác về thương mại và đầu tư ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL - vùng kinh tế có diện tích nuôi trồng lớn nhất cả nước.

Quang cảnh buổi họp báo

Hội nghị tập trung giới thiệu cơ hội mới trong ngành nông nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL, giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và thảo luận phát triển thương mại, hợp tác đầu tư giữa các quốc gia có sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao với DN Việt Nam. MekongInvest 2016 sẽ dành riêng một chương trình để thảo luận các chính sách tài chính nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn thông qua đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất được điều hành bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

Riêng Nhật Bản sẽ có một nội dung tham gia tại Hội nghị để thảo luận cơ hội đầu tư hợp tác công nghệ, phát triển nông nghiệp giữa DN hai nước.

MekongInvest lần 4 sẽ dành không gian để DN quốc tế và DN nông nghiệp Việt Nam tìm cơ hội giao thương để tìm hiểu và hợp tác cụ thể. Dự kiến chuỗi sự kiện thu hút 1.000 khách tham dự, trong đó hơn 100 khách mời quốc tế đến từ Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, các hiệp hội DN, các tổ chức xúc tiến và DN các nước tham dự.

Đặc biệt, Hội nghị có khu vực triển lãm để các DN quốc tế trưng bày giới thiệu máy móc thiết bị, công nghệ ứng dụng mới trong ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến nông thủy sản; phía Việt Nam có sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các cơ quan quản lý địa phương, 150 HTX sản xuất và 300 DN chế biến hàng đầu Việt Nam trong ngành nông thủy sản và các DN ngành có liên quan.

Là vùng sản xuất lương thực lớn nhất nước nhưng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa của ĐBSCL mới chỉ đạt 65%.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo VCCI Cần Thơ cũng thông tin ĐBSCL được đánh giá là điểm đến đầu tư, kinh doanh mới của cả nước, tạo ra một hấp lực thu hút nhà đầu tư. Nhiều dự án lớn về giao thông, nhiệt điện, cảng biển trị giá hàng tỷ USD đang được triển khai tại ĐBSCL. 

Chính phủ đang kiến tạo một chính sách phát triển mới và sớm đưa vào thực hiện. Cùng với đó, chính quyền các tỉnh đã tạo được quan tâm của các tổ chức quốc tế qua sự thể hiện trong kết quả đánh giá lượng điều hành kinh tế hàng năm (chỉ số PCI) luôn ở mức cao nhất trong cả nước. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thay đổi lớn trong những năm gần đây. 

“Nếu như nhiều thập niên trước, ĐBSCL chỉ đạt bình quân 5% về tổng số vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam thì từ năm 2015 đã tăng rất mạnh đạt 13% và 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt mức 1,4 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng vốn cả nước thu hút FDI. Điều này đang tạo ra một cơ hội lớn để ĐBSCL thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế trong những năm tới” – ông Nguyễn Phương Lam cho biết.

Với lợi thế tự nhiên, ĐBSCL là vùng có diện tích nuôi trồng lớn nhất cả nước, hàng năm cả vùng sản xuất 25 triệu tấn lúa (chiếm 56% cả nước), XK trên 6,5 triệu tấn gạo thành phẩm; sản lượng nuôi trồng chế biến thủy hải sản 3,62 triệu tấn (chiếm 57% cả nước), trong đó XK tôm gần 3 tỷ USD, cá tra 1,8 tỷ USD; diện tích sản xuất rau màu, trái cây chiếm hơn 300 nghìn ha đất, hàng năm cho sản lượng lớn cung ứng cho thị trường trong nước và XK.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, với diện tích đất canh tác nông nghiệp 2,6 triệu ha đất, chiếm 64% diện tích toàn vùng nhưng trình độ kỹ thuật chưa cao, phần lớn dựa vào kinh nghiệm và canh tác tự nhiên. Tỷ lệ cơ giới hóa hiện chỉ đạt 65% trong khâu thu hoạch lúa, các kỹ thuật nuôi trồng khác còn hạn chế. Trong khâu chế biến, tỷ lệ ứng dụng trang thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng sản phẩm chế biến đang nằm ở mức sản phẩm thô, chưa nhiều công nghệ kỹ thuật dây chuyền tiên tiến để tiến tới cho ra những chế phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiều thị trường trên thế giới.


THÁI BÌNH
.
.
.