Chất cấm trong mỹ phẩm:

Có độc, cấm vẫn cần lộ trình?

Thứ Bảy, 23/05/2015, 09:52
Những ngày qua, thông tin một số loại khăn ướt, sữa tắm trẻ em chứa chất bị cấm là Paraben và Methylisothiazolinone khiến người dân lo ngại. Vì những chất này có trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm được sử dụng phổ biến như kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trắng, kem cạo râu, khăn ướt, sữa tắm cho trẻ em...

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn quy định cấm 5 dẫn chất Paraben và cấm Methylisothiazolinone dùng trong mỹ phẩm. Hiện các dẫn chất Paraben được sử dụng trong mỹ phẩm rất phổ biến với trên 22.000 sản phẩm. Paraben là biến thể của dầu hỏa, làm chất bảo quản trong mỹ phẩm và thức ăn để ngăn ngừa oxy hoá. Các Paraben có hoạt tính giống như nội tiết tố estrogen của phụ nữ, có thể làm rối loạn cân bằng nội tiết tố, có thể gây chứng viêm biểu bì da.

Còn chất bảo quản Methylisothiazolinone trong khăn ướt có thể gây dị ứng ở trẻ. Một số nước ở châu Âu và Mỹ đã có những báo cáo về việc viêm da tiếp xúc khi dùng các sản phẩm có chứa Methylisothiazolinone. Tuy nhiên, theo văn bản này của Cục Quản lý dược thì các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần có chất Paraben được phép lưu hành đến hết ngày 30/7/2015, còn sản phẩm có chứa Methylisothiazolinone được phép lưu hành đến ngày 30/4/2016.

Một trong các sản phẩm có chứa chất khuyến cáo bị cấm.

Việc những chất gây nguy hại lại được Cục Quản lý dược “giãn” thời gian lưu hành, đã gây không ít băn khoăn cho người dân, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ. Vì thế, ngày 22/5, đại diện Cục Quản lý dược đã chính thức cho biết ý kiến về vấn đề này.

Theo Cục Quản lý dược, các dẫn chất Paraben phải ngưng sử dụng, vì ngày 18/9/2014, Ủy ban mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất Isoparaben, là dẫn chất của Paraben, có thể gây ung thư vú cho người sử dụng, nên đã đưa ra qui định cập nhật 5 dẫn chất Paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào danh mục các chất cấm trong mỹ phẩm.

Tuy nhiên, Hội đồng khoa học châu Âu lại tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm đó không an toàn, nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép. Hơn nữa, cũng chưa có báo cáo, hoặc cảnh báo về tác dụng không an toàn với các sản phẩm có chứa các thành phần nêu trên.

Mặc dù vậy, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, nên vẫn đưa ra quy định thay thế và bổ sung vào các phụ lục trong Hiệp định của EU. Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã tiến hành rà soát và thống nhất cập nhật các quy định mới về các chất nêu trên từ Cộng đồng châu Âu và khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này để thay thế các chất tối ưu hơn.

Lý giải về việc đến năm 2016 mới cấm hoàn toàn việc sử dụng các chất này, Cục Quản lý dược cho rằng, vì các dẫn chất Paraben được sử dụng trong mỹ phẩm rất phổ biến với trên 22.000 sản phẩm, trong khi lại chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm, cũng như cần thời gian để tìm kiếm các hợp chất thay thế an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu đã đưa ra lộ trình này và Hội đồng mỹ phẩm ASEAN cập nhật danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm và thực hiện lộ trình như Cộng đồng châu Âu. Đó là lý do để Cục Quản lý dược ban hành công văn khuyến cáo ngưng sử dụng các chất trên theo lộ trình của Cộng đồng châu Âu và Cộng đồng ASEAN.

Riêng với chất Methylisothiazolinone (MIT), Cục Quản lý dược cho rằng, nếu chất này dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong mỹ phẩm thì không bị cấm. Còn hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone theo tỷ lệ 3:1 được dùng trong các sản phẩm rửa sạch với nồng độ tối đa 0,0015%. Với hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone theo tỷ lệ 3:1 không được phép dùng chung với Methylisothiazolinone trong cùng một sản phẩm.

Tuy nhiên, Cục Quản lý dược nhấn mạnh rằng “đến nay, Cộng đồng châu Âu và ASEAN chưa nhận được bằng chứng nào về việc các sản phẩm có chứa 5 dẫn chất Paraben nói trên với hàm lượng quy định không an toàn cho người sử dụng, nên các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường cho đến khi áp dụng lộ trình mới”, khiến công chúng không khỏi băn khoăn: Không có bằng chứng có hại, thì tại sao lại cấm, khi điều này sẽ tác động rất mạnh đến các đơn vị sản xuất mỹ phẩm có sử dụng các chất cấm trên. Nhưng nếu thực sự có hại, thì sao lại không cấm ngay, mà ”cần lộ trình” bởi ai cũng biết, các chất này tác động trực tiếp đến sức khỏe con người ra sao.

Thanh Hằng
.
.
.