Xung quanh việc Tập đoàn Samsung từ chối về Khu công nghệ cao Hoà Lạc:

Cơ chế ưu đãi chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Thứ Tư, 06/04/2016, 09:45
Việc tập đoàn Samsung từ chối về khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc để xây dựng khu nghiên cứu triển khai trị giá 300 triệu USD đã cho thấy những cơ chế ưu đãi hiện tại ở Hoà Lạc chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Để đưa khu CNC Hoà Lạc thực sự trở thành một "thành phố khoa học", mới đây, Bộ Khoa học – Công nghệ lại đề xuất Chính phủ xin thêm cơ chế đặc thù.

Xung quanh việc Tập đoàn Samsung từ chối về khu CNC Hoà Lạc, ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết: "Bộ đã trao đổi với Samsung, muốn họ đầu tư về Hoà Lạc nhưng Samsung không lựa chọn. Họ muốn tìm một địa điểm thuận lợi hơn về địa lí, giao thông. Trong khi đó, khu CNC Hoà Lạc cách trung tâm Hà Nội 30km, hạ tầng kĩ thuật bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản phải đến năm 2018 mới hoàn thiện, cơ chế thu hút cũng chưa hấp dẫn". 

Khu CNC Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 12-10-1998 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.586ha. Khu CNC Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình “thành phố khoa học” với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng chính như khu phần mềm, khu trung tâm, khu giáo dục đào tạo, khu nghiên cứu triển khai, khu công nghiệp công nghệ cao… 

Đây được coi là dự án trọng điểm quốc gia nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sau 18 năm, hình hài của một “thành phố khoa học” vẫn chưa rõ nét, các mục tiêu đề ra thực hiện còn chậm. Suốt một thời gian dài, công tác giải phóng mặt bằng rơi vào bế tắc. Đến nay vẫn còn 383 ha (chiếm 24%) diện tích toàn khu chưa giải phóng xong mặt bằng.

Ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó trưởng Ban Quản lý khu CNC Hoà Lạc cho biết, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do cơ chế đất đai thay đổi khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Trong khi đó, do là dự án rất quy mô nên diện tích thu hồi đất lớn, công tác quản lí đất đai của địa phương lại chưa theo kịp các quy định chung, một số vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết. 

Việc triển khai thực hiện các khu tái định cư, khu đất dịch vụ còn chậm, không đáp ứng tiến độ. Người dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa được bố trí tái định cư để di chuyển, hiện vẫn đang sinh sống trong khu CNC Hòa Lạc.

Trong một thời gian dài, Ban Quản lý khu CNC Hoà Lạc chưa chú trọng việc thu hút đầu tư và chỉ chính thức đẩy mạnh vào năm 2015 khi dự án xây dựng hạ tầng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản được khởi động với tổng kinh phí 450 triệu USD. 

Phối cảnh toàn khu CNC Hòa Lạc.

Tính đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định giao đất cho 69 dự án đầu tư (còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư đăng ký 55.395 tỷ đồng trên diện tích đất 329ha, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh học, y học, điện tử, tự động hoá, sản xuất thiết bị viễn thông, giáo dục,… Trong số này, hiện chỉ có 32 đơn vị đang hoạt động.

Theo ông Quỳnh, cơ chế ưu đãi cho khu CNC Hòa Lạc đã có nhưng chưa đủ. Nhà đầu tư cần môi trường đầu tư thuận lợi, có đầy đủ chuỗi cung ứng đi kèm chứ không đơn giản chỉ là giá thuê đất rẻ. "Nếu chỉ so sánh với khu CNC TP Hồ Chí Minh và khu CNC Đà Nẵng thì nhà đầu tư tại khu CNC Hòa Lạc đã phải chịu thiệt thòi. 

Tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, ngoài các cơ chế ưu đãi đầu tư chung theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư còn được hưởng cơ chế khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ theo các Quyết định riêng của UBND thành phố với mức cao hơn các quy định chung. Ngay cả với một số khu công nghiệp trên cùng địa bàn Hà Nội, ưu đãi ở khu CNC Hoà Lạc cũng chưa bằng” – ông Quỳnh nhấn mạnh.

Trong bản dự thảo lấy ý kiến các Bộ liên quan về cơ chế đặc thù vượt trội cho khu CNC Hoà Lạc, Bộ Khoa học – Công nghệ đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động làm việc tại khu CNC, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở cho chuyên gia, người lao động. 

Các nhà đầu tư sử dụng đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các cơ sở nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ươm tạo; xây dựng nhà ở cho chuyên gia, người lao động; các dự án có thời gian sử dụng đất nhỏ hơn hoặc bằng 20 năm... sẽ được miễn toàn bộ tiền thuê đất. Các nhà đầu tư còn lại được đề xuất miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 3 năm và được miễn tiền thuê đất trong 11 năm tiếp theo.

Dự thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi để chuyên gia, người lao động làm việc tại khu CNC được mua, thuê nhà ở với giá ưu đãi hơn so với nhà ở cùng loại và cùng chất lượng tại các khu vực lân cận, thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Khoa học-Công nghệ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Nếu được thông qua cơ chế đặc thù với những ưu đãi vượt trội, cộng với việc năm 2018 hạ tầng kỹ thuật sẽ hoàn chỉnh, khu CNC Hoà Lạc sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, thực sự trở thành một “thành phố khoa học” thông minh và năng động, hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Khánh Vy
.
.
.