Chuyển tiền qua tài khoản bị "ngâm" tiền: Một kiểu chiếm dụng vốn của khách giao dịch

Thứ Hai, 30/08/2010, 15:33
Sáng 23/8, bà H. tới một phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn quận để chuyển khoản tiền 300 triệu đồng tới một người có tài khoản tại Ngân hàng Đông Á. Do 2 ngân hàng đều đặt tại TP HCM nên bà H. cứ đinh ninh khoản tiền sẽ được chuyển vào tài khoản người nhận trong ngày. Chỉ tới sáng 25/8, khi người được thụ hưởng khoản tiền này thông báo vẫn chưa nhận được tiền, bà H. mới tá hỏa.

Việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP HCM ồ ạt "với tay" sang lĩnh vực bán lẻ thời gian gần đây đã dẫn tới thực trạng: Chỉ trong vòng một năm, nhiều ngân hàng đã kịp "đẻ" thêm đến vài chục chi nhánh hoặc phòng giao dịch. Chỉ trên một đoạn đường chừng hơn cây số trên đường Nguyễn Ảnh Thủ ở quận 12, chúng tôi đã đếm được tới hơn 10 địa điểm giao dịch của các ngân hàng.

Đằng sau hiện tượng này, cạnh tranh để lôi kéo khách hàng của các ngân hàng cũng ngày càng diễn ra quyết liệt. Ngoài những chiến lược cạnh tranh lành mạnh về lãi suất; đa dạng hóa các hình thức gửi tiết kiệm hoặc cho vay; tặng kèm dịch vụ cộng thêm như tặng quà, tặng phiếu tham dự quay số dự thưởng trúng ôtô, xe máy… cho khách hàng đến giao dịch. Áp lực phải kinh doanh có lãi đã khiến một số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tỏ rõ dấu hiệu chiếm dụng vốn từ số tiền chuyển khoản của khách hàng. 

Mất "mối" vì bị ngân hàng "ngâm" tiền

Ông T., giám đốc một doanh nghiệp ở quận 12 bức xúc phản ánh, rằng gần đây ông liên tiếp bị khách hàng ở các tỉnh miền Tây "mắng vốn" vì khoản tiền họ đã chuyển trả nhưng tài khoản của ông ở một chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP HCM lại không hề báo có.

Gần đây nhất, ngày 16/8 vừa qua, một khách hàng chuyển trả hơn 40 triệu đồng  cho ông T., từ một chi nhánh Ngân hàng Vietcombank ở Tiền Giang, nhưng vài ngày sau vẫn không thấy tài khoản thông báo về số tiền này trong khi khách hàng cứ một mực khẳng định đã chuyển trả tiền. Ngân hàng không thông báo nhận được khoản nợ cũ do khách chuyển trả, ông T. cũng yêu cầu nhân viên công ty không chuyển hàng cho khách. Quá quê độ, khách hàng mối của ông T. fax chứng từ chứng minh việc đã chuyển trả tiền trước đó cả tuần rồi bỏ luôn, không thèm gọi hàng của doanh nghiệp ông nữa.

Bức xúc không kém khi xem xong chứng từ chuyển tiền khách hàng fax lên, sáng 23/8, ông T. hỏi dò số điện thoại và liên hệ với chi nhánh ngân hàng nhận chuyển tiền là Vietcombank ở Tiền Giang để truy vấn. Ông T. được một cán bộ tín dụng ở đây khẳng định chắc nịch rằng, khoản tiền do khách hàng của ông T. nộp vào đã được chuyển ngay lên chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở TP HCM theo yêu cầu. Tiếp tục truy vấn chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi ông T. đang mở tài khoản, loay hoay một hồi cuối cùng nhân viên ngân hàng cũng phải xác nhận ông T. đã có tiền trong tài khoản.

Sự việc đến nước này ông T. chỉ còn biết than vãn: Ngoài chuyện bị chiếm dụng khoản tiền trên trong vòng cả tuần lễ, tôi còn bị phía ngân hàng gây thiệt hại không nhỏ trong việc để mất khách hàng "ruột" vì chuyện mắc mứu tiền bạc này. Dù tính khiếu nại với ngân hàng cấp trên nhưng cũng chẳng để làm gì khi khách hàng đã "một đi không trở lại". Còn khởi kiện ra tòa ư, thiệt hại trong việc để mất khách hàng dù rất lớn nhưng doanh nghiệp cũng khó có thể quy ra… thành tiền để đưa ra yêu cầu đòi bồi thường, đành cam chịu rồi tính đường từ bỏ giao dịch với nơi này mà thôi...

Khách giao dịch chỉ biết thực hiện các thủ tục chuyển tiền, còn tiền bao giờ tới thì chỉ có ngân hàng mới biết. (Ảnh có tính chất minh họa).

Trường hợp bà H. ở quận 4 cũng vậy. Sáng 23/8 vừa qua, bà tới một phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn quận để chuyển khoản tiền 300 triệu đồng tới một người có tài khoản tại Ngân hàng Đông Á. Do 2 ngân hàng đều đặt tại TP HCM nên bà H. cứ đinh ninh khoản tiền sẽ được chuyển vào tài khoản người nhận trong ngày. Chỉ tới sáng 25/8, khi người được thụ hưởng khoản tiền này thông báo vẫn chưa nhận được tiền, bà H. mới tá hỏa.

Mang chứng từ chạy ra ngân hàng nhận chuyển tiền để kiểm tra lại thì được nhân viên ở đây trả lời một câu hết sức vô trách nhiệm, rằng đã chuyển nhầm… sang Ngân hàng ACB và hứa hẹn sẽ chuyển lại ngay. Giải thích này của cán bộ tín dụng xem ra khó thuyết phục khi trên mẫu "ủy nhiệm chi" chỉ có vài dòng của ngân hàng, bà H. đã ghi rất rõ ràng nơi nhận là một tài khoản tại Ngân hàng Đông Á. Sự việc này theo khẳng định của một cán bộ tín dụng thì các dãy số tài khoản của các ngân hàng này hoàn toàn khác biệt nhau, không thể có chuyện nhầm lẫn vào đâu được!

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với một cán bộ tín dụng có thâm niên vừa "giải nghệ", chuyển sang làm quản lý tài chính cho một doanh nghiệp, chúng tôi được người này cho biết, nếu như với các ngân hàng có uy tín, việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch chủ yếu nhằm mục đích quảng bá, khuếch trương thanh thế và chấp nhận lỗ trong thời gian đầu. Thì ngược lại, việc một số ngân hàng quá dễ dãi, chỉ cần giao cho người đứng đầu chi nhánh, phòng giao dịch từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng làm vốn ban đầu. Sau đó giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch phải tự tính toán kinh doanh, tìm kiếm khách hàng để làm sao có lãi đủ lo cho hoạt động của chi nhánh, từ chi trả lương nhân viên đến trả tiền thuê mặt bằng rồi nộp về cho hội sở…

Trước áp lực phải làm ra lợi nhuận chí ít là cũng phải đủ chi phí nếu không sẽ bị dẹp tiệm, việc người đứng đầu chi nhánh, phòng giao dịch của một số ngân hàng chiếm dụng vốn của khách hàng rồi "thò" tay sang hình thức tín dụng "đen" như dịch vụ "đáo hạn, giải chấp" đang nở rộ tại thành phố hiện nay là khó tránh khỏi. Ngoài ra, áp lực về chuyện thiếu tiền mặt để chi trả trong ngày cũng khiến các chi nhánh, phòng giao dịch của một số ngân hàng phải "treo" các khoản chuyển tiền nhỏ lại. Cũng do chưa được nối mạng, phải áp dụng cách chuyển tiền thủ công; áp dụng hình thức thanh toán bù trừ thay vì giao dịch điện tử để giảm phí giao dịch… cũng là những nguyên nhân khiến việc chuyển tiền cho khách bị chậm trễ.

Dù quy định về thời gian chuyển tiền được các ngân hàng áp dụng khác nhau, song theo thông lệ hiện nay, khách hàng chuyển tiền khác hệ thống ngân hàng nhưng cùng một tỉnh, thành phố thì "sáng chuyển, chiều nhận ngay"; chuyển tiền khác hệ thống, khác tỉnh cũng chỉ "hôm trước chuyển, ngày sau nhận". Với một số ngân hàng lớn, khách chuyển tiền cùng hệ thống, dù có khác tỉnh cũng chỉ trong vòng 15-30 phút là đã có thể nhận được. Tuy đây là một hình thức dịch vụ có thu phí, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại hầu hết các điểm giao dịch của ngân hàng trên địa bàn thành phố đều không thông báo công khai thời gian chuyển, nhận tiền. Chỉ khi nào khách hàng thắc mắc mới được cán bộ tín dụng giải thích trong khoảng thời gian này, khoảng ngày giờ nọ bên kia sẽ nhận được. Chế tài để khách hàng biết mà giám sát việc thực hiện tại các điểm giao dịch ngân hàng đã không có, cam kết thời gian thực hiện dịch vụ, chất lượng dịch vụ với khách hàng trên chứng từ chuyển tiền cũng không có nốt. Đây chính là kẽ hở để khoản tiền của khách hàng có thể bị lợi dụng.

Như ông T. từng phải chua chát nhận xét, chuyển tiền qua ngân hàng cũng giống như gửi chuyển phát nhanh. Nhưng gửi chuyển phát nhanh dù chỉ là một lá thư khách hàng cũng còn được bưu điện ghi giờ nhận, giờ phát và được cam kết chuyển trong vòng 48 giờ. Còn khi người dân phải trả phí gấp nhiều lần một lá thư để chuyển cả khoản tiền lớn qua ngân hàng thì ngược lại, khi đó chính ngân hàng mới là "thượng đế" chứ không phải khách hàng

Đức Thắng
.
.
.