Chuyển nợ thành góp vốn: Nhiều ưu điểm nhưng không phải “chìa khóa vạn năng”

Thứ Năm, 27/06/2013, 21:49
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu theo báo cáo của tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5, nhóm có khả năng mất vốn tăng mạnh khoảng 36,5% so với cuối năm 2012.

Trong hàng loạt các giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết bài toán nợ xấu, cứu cả doanh nghiệp (DN) lẫn ngân hàng (NH) thoát hiểm, có một giải pháp được đề cập đến nhiều nhất trong những ngày vừa qua là chuyển nợ thành góp vốn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây được xem là một hướng đi mới trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tại Việt Nam mới chỉ có Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng DN (DATC) thực hiện thành công hoạt động này.

Thực tế là sau khi mua nợ từ các chủ nợ, DATC đàm phán với chủ sở hữu, cổ đông khác của DN để chuyển nợ thành vốn góp (riêng đối với DNNN thực hiện cổ phần hoá thì DATC phải tham gia đấu giá cổ phần theo quy định). Sau khi trở thành cổ đông, DATC thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DN như xoá một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi từ DN kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán thành DN hoạt động kinh doanh có lãi, chính hiệu quả hoạt động của DN sẽ tạo nguồn trả nợ cho DATC. Các DN đã được DATC tái cấu trúc thông qua việc chuyển nợ thành góp vốn thành công đến nay đều hoạt động kinh doanh có lãi, đã trả hết nợ ngân sách, nợ bảo hiểm xã hội, trả gần hết nợ cho DATC, đặc biệt một số đơn vị đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.

Trong số này, có thể kể đến một số DN tiêu biểu như Sadico Cần Thơ, một DN từng là doanh nghiệp mạnh về sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng tại Cần Thơ; Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum - là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum và gần đây nhất là Công ty Thủy sản Bình An (Cần Thơ) - từng là DN chế biến và xuất khẩu thủy sản hàng đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Từ câu chuyện chuyển nợ thành góp vốn thành công của DATC, các chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp này có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều chủ nợ (thường là các NH) đối với các con nợ (DN có tiềm lực nhưng rơi vào khó khăn do thiếu vốn và quản trị yếu). Bởi lẽ, với biện pháp này, chủ nợ thay vì thu hồi tiền nợ đã cho DN vay, họ sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần của DN với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

Khi đã là cổ đông, chủ nợ sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công tác quản lý, hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực giúp DN thoát khỏi tình trạng “lầy lội” trong đống nợ nần. Về phần DN, việc chuyển nợ thành vốn góp ngay lập tức giải phóng DN khỏi gánh nặng nợ nần, khả năng thanh toán được cải thiện.

Thêm nữa, với “lý lịch” sạch hơn, DN cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Như vậy, thông qua giải pháp chuyển nợ thành góp vốn, khó khăn của cả DN lẫn NH đều được giải quyết theo hướng nhanh chóng, kịp thời và đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo rằng, mỗi giải pháp tài chính đều có hai mặt là lợi và hại nên trước khi đưa ra quyết định cả chủ nợ (NH) và con nợ (DN) cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Hơn nữa, giải pháp chuyển nợ thành góp vốn tuy có nhiều ưu điểm song nó không phải là “chìa khóa vạn năng”, có thể áp dụng đối với tất cả chủ nợ và con nợ.

Do đó, trước khi tính toán phương án chuyển nợ thành vốn góp, DN có thể cân nhắc đến việc giới thiệu một đối tác khác cùng ngành với con nợ của mình để góp vốn. Mặt khác, DN vẫn không góp nhưng sẽ cùng với đối tác tập trung giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy bán hàng để thoát khỏi khó khăn. Cuối cùng, nếu các giải pháp trên không khả thi thì DN mới nên áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp

Huyền Thanh
.
.
.