Chuyện một làng thoát nghèo từ du lịch

Thứ Bảy, 26/07/2014, 16:20
Trong những ngày trung tuần tháng 7, trong lúc cả miền bắc đang đón cơn bão số 2 “Thần Sấm”, trời Ninh Bình bắt đầu đổ mưa nhưng không làm chùn chân những du khách muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hấp dẫn của hệ thống hang động, đi thuyền trong núi trong quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình).

Từ Hà Nội đi hơn 2 tiếng, với gần 100 km đến khu du lịch sinh thái Tràng An, nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, chúng tôi rất bất ngờ trước việc phát triển du lịch gắn với môi trường, một môi trường không rác thải, trong lành sẽ ghi điểm cho du lịch Ninh Bình phát triển một cách bền vững trước du khách trong  nước và quốc tế. Bên cạnh đó, có một điểm khá ấn tượng với chúng tôi là sự chuyển mình của cuộc sống người dân nơi đây từ thiếu ăn trở nên no ấm nhờ tham gia làm du lịch.

Xuôi thuyền đi dọc theo con nước, du khách đắm mình trong làn nước trong xanh, mây trắng và núi non hùng vĩ. Chị Hoàng Thị Khuyến- nhân viên chèo đò của KDL danh thắng Tràng An cho biết, nhà chị ở Khê Thượng- Ninh Xuân – Hoa Lư (Ninh Bình), cách bến đò 3km, trước đây chưa chèo đò gia đình chị làm nông nghiệp, bữa đói bữa no bởi ở vùng đồng chiêm chũng chỉ canh tác được một mùa, ngoài đồng áng chỉ đi mò cua, bắt ốc nên thu nhập khá bấp bênh. Nhưng có một bước ngoặt lớn đối với gia đình chị và nhiều người dân trong vùng là từ khi có du lịch, người dân trong vùng đã có việc làm ổn định, thu nhập khá có thể nuôi được con cái đi học đại học. Trong câu chuyện của mình, chị Khuyến cho biết, chị chèo đò đã 5 năm, con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và đang theo học cao học ở Hà Nội, 1 cháu đã đi làm. Có được ngày hôm nay cũng đều nhờ có du lịch đấy. Cả làng tôi đều đi chèo đò, và làm các công việc khách trong KDL Tràng An đem lại thu nhập từ 3- 5triệu đồng/ tháng”.

Hiện nay, người dân làng Khê Thượng  có 4 tổ đò ở KDL Tràng An, mỗi tổ có gần 40 thuyền và hơn 100 lái đò. Đến Tràng An đi thuyền du khách sẽ có một cảm nhận chung là sự gần gũi, an toàn, trật tự bởi chính sự niềm nở, chân tình của người dân nơi đây. Làm du lịch một cách chuyên nghiệp từ bến đò đến suốt dọc hành trình, du khách yên tâm với sự phục vụ chu đáo, không chèo kéo, chặt chém du khách mà theo trật tự từ khâu xếp đò. Cộng thêm đó, là môi trường sạch, không rác thải, một điểm khá ấn tượng đối với đoàn chúng tôi và du khách quốc tế khi đến với Tràng An.

Để cho chúng tôi hiểu hơn về công việc và vùng đất này, chị Khuyến bên cạnh là người lái đò còn là 1 hướng dẫn viên không chuyên với những câu chuyện giới thiệu về vùng đất Tràng An khá hấp dẫn và hóm hỉnh, giúp cho quãng đường dài hơn 10m, vượt qua 9 hang động và 3 điểm thăm quan như gần hơn với chúng tôi và nhiều du khách khách khác. Ông  Maas Michel- Du khách Pháp thích thú cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình tôi đến với Ninh Bình đặc biệt là khu du lịch sinh thái Tràng An và Vân Long. Tại đây, cảnh quan của các bạn rất đẹp vừa được đi thuyền và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của tạo hóa, thưởng thức những nét đẹp về văn hóa và ẩm thực. Đặc biệt, môi trường ở đây rất sạch. Tôi về nước sẽ bảo bạn bè tôi đến với Việt Nam khám phá di sản thiên nhiên ở Tràng An, Ninh Bình.

Du khách thăm quan thắng cảnh Tràng An.

Tham gia vào công việc chèo đò, ban đầu tưởng đơn giản nhưng theo chị Khuyến mỗi người phải học từ 1-3 tháng và phải thi đỗ mới được trở đò. Nhớ lại ngày đầu mới chèo đò trở khách, chị cho biết, ở đây sợ nhất là trời mưa to từ đêm sẽ làm nước dâng cao, đi lại trên các hang động sẽ rất khó khăn, bởi chèo đò qua các hang thường tối, ngoắt ngéo, có chỗ nhỏ hẹp, mình không khéo chèo thì khách dễ bị “va đầu” vào núi. Và quả nhiên như lời chị nói, khi chúng tôi đi đến Hang tối, hang dài nhất trong hệ thống hang ở Tràng An đã đưa vào khai thác, hang có chiều dài hơn 320 m với những đường đi lượn sóng trong lòng động, đêm trước mưa to nên nước dâng nhiều, đi trên thuyền chúng tôi phải ngồi trên mặt sàn thuyền thì mới đi được. Qua mỗi một hang, du khách đi tự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khách với những sự kỳ bí của tạo hóa đã ban cho Tràng An và chính sự hoang sơ, hài hòa của đá, song nước, rừng cây và bầu trời trong xanh đã tạo nên một thiên nhiên sống động đầy quyến rũ. Đồng thời,  nơi đây văn hóa và bí ẩn của kỳ quan đã  tạo nên sự hấp dẫn thú vị đối với du khách khám phá di sản thế giới của Thế giới.

Theo ghi nhận của PV trong 2 ngày 17 &18/7 lượng khách quốc tế đến với Ninh Bình khá đông, khách du lịch đến từ Hàn Quốc, Malayxia, Thái Lan, Đài Loan, Úc, Mỹ, Pháp chiếm số lượng lớn.  Câu đầu tiên khi được hỏi về cảm nhận sau khi đi thuyền khám phá KDL sinh thái Tràng An, là “tốt” ,  du khách đều có ấn tượng tốt với du lịch Ninh Bình.

Trao đổi với PV CAND, bà Dương Thị Thanh- Phó giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình cho biết, thời gian qua, Ninh Bình đã tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong việc cùng đồng hành với chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát triển du lịch bền vững. Sự chuyển biến tích cực từ du lịch đã đổi thay cho vùng đất khó của 2 xã Ninh Xuân, Trường Yên, người dân đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và cách làm du lịch. Từ đó, mỗi người dân là một hướng dẫn viên tích cực bảo vệ, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, di sản của vùng đất mình tới du khách. Đây là một tự hào của người Tràng An với bạn bè quốc tế.

Hiện nay, tại KDL Tràng An đang tạo việc làm cho gần 3000 lao động, trong đó hơn 1500 lái đò, với mức thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/ tháng. Góp phần ổn định đời sống kinh tế xã hội trong vùng. Đưa du lịch trở thành 1 nghề chính ở đây.  Từ mô hình KDL Tràng An, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thúc đẩy người dân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch của địa phương để từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân tại những điểm di tích, thắng cảnh

Lưu Hiệp
.
.
.