Cơ quan điều tra vào cuộc trước sai phạm nghiêm trọng tại trường cao đẳng Kinh tế - Sài Gòn:

Chuyện "đốt" vốn cổ đông của ông hiệu trưởng

Thứ Tư, 22/06/2011, 10:50
Báo CAND đã liên tiếp phản ánh về những sai phạm xảy ra tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn (CĐKTKT), trong đó trách nhiệm chính thuộc về ông Phạm Phố, Hiệu trưởng trường.

>> Học giả, chứng chỉ thật

Trao đổi với chúng tôi, Hiệu phó Phạm Ngọc Dưỡng cho biết, Công an quận Phú Nhuận đã chính thức vào cuộc và mời các cán bộ có liên quan của trường lên làm việc. Về phía các thành viên HĐQT nhà trường, một cuộc họp đại hội cổ đông bất thường cũng đã được ấn định vào ngày 25/6 để làm rõ việc ông Phạm Phố tự ý chi tiêu 6 tỷ đồng từ nguồn vốn góp cổ đông.

Được biết, để có thể xin được chỉ tiêu tuyển sinh lên tới con số hàng ngàn sinh viên những năm học gần đây, Hiệu trưởng Phạm Phố còn "vẽ" ra một loạt các con số ảo về cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ giảng dạy của trường. Cụ thể, trong báo cáo với Bộ GD&ĐT về xây dựng kế hoạch về đào tạo năm 2010, ông Phạm Phố đã "tự xướng" lên rằng Trường CĐKTKT Sài Gòn có tới 150 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; 160 giáo viên thỉnh giảng; 40 phòng học với diện tích 5.199m2; 9 phòng thí nghiệm với diện tích 5.000m2… rồi đưa ra con số dự kiến tuyển sinh tới 2.500 chỉ tiêu để xin với Bộ GD&ĐT.

Những con số được ông Phạm Phố tự "vẽ" nhằm xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh và ngôi trường "ảo" với sinh viên.

Từ những con số ảo này của ông Phạm Phố, Bộ GD&ĐT đã cho Trường CĐKTKT Sài Gòn được tuyển sinh tới 1.900 chỉ tiêu cao đẳng, trong đó có tới 1.400 chỉ tiêu chính quy và 1.150 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp chính quy vào năm 2010. Sang năm học 2011 cũng vậy, Bộ GD&ĐT tiếp tục cho trường được tuyển sinh tới 1.900 chỉ tiêu cao đẳng, 1.200 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp…

Song thực tế không đúng với những gì ông Phạm Phố đã báo cáo, đến thời điểm này, tính cả lái xe lẫn tạp vụ hưởng lương hằng tháng, Trường CĐKTKT Sài Gòn cũng mới chỉ có tổng cộng chừng 92 người. Về diện tích, dù có cộng tất tần tật sàn xây dựng các cơ sở mà trường đang thuê cũng chỉ có chừng 5.000 - 6.000m2, đạt 1m2/sinh viên trong khi quy định phải là 3m2/sinh viên.

Chưa hết, theo phản ánh của một số cán bộ nhà trường, vào năm 2006, trước khi được phép nâng cấp từ trung cấp nghề lên thành trường cao đẳng, ông Phạm Phố đã cho tuyển sinh hơn 40 học sinh và thành lập một lớp gọi là "dự bị đại học". Số sinh viên này học kiến thức dự bị đại học được khoảng 1 năm thì trường được chính thức trở thành bậc cao đẳng. Lập tức toàn bộ lớp dự bị đại học này được ông Phạm Phố cho theo học cao đẳng mà không cần trải qua kỳ thi tuyển sinh chung của cả nước.

Về chuyện "đốt" vốn của ông Phạm Phố, báo cáo tình hình tài chính 2010 của Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Võ Đức Toàn cho thấy, đến ngày 31/12/2010, vốn bằng tiền của trường còn tới trên 16,34 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm này của trường cũng đạt hơn 11,86 tỷ đồng trong khi tổng chi chỉ có trên 9,75 tỷ đồng.

Như vậy, vốn bằng tiền mặt của cổ đông nhà trường còn khá nhiều. Tuy nhiên, theo một số thành viên HĐQT thì hiện quỹ tiền mặt của trường đã cạn. Về lý do dẫn đến tình trạng này, ông Toàn đã liệt kê ra tới 5 khoản tiền, tổng cộng lên tới trên 8,81 tỷ đồng chưa được thu hồi về trả cho quỹ trường.

Đó là chưa kể khoản tiền 4 tỷ đồng ông Phạm Phố bị tổ chức tài chính "ma" Tân Thiên Bảo Ước Nguyện lừa, được trá hình bằng cách cho ông Vũ Xuân Bảy vay, thế chấp bằng 348m2 đất ở tận ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước.

Và với trách nhiệm là Chủ tịch HĐQT và chủ tài khoản, ít nhiều những khoản chi đầy rủi ro, đã trở thành nợ khó đòi và thậm chí có nguy cơ mất trắng này đều liên quan đến trách nhiệm của người quyết định chi tiền là ông Phạm Phố.

Đầu tiên là khoản chi 2 tỷ đồng tiền mua đất ở đường D2, Văn Thánh, quận Bình Thạnh đã bị chiếm dụng khoảng 2 năm, Trường CĐKTKT Sài Gòn đã khởi kiện ra tòa nhưng chưa có kết quả; khoản tiền mua đất của ông V.P. ở quận Tân Phú, trường cũng đã phải trả tới 4,45 tỷ cách đây hàng năm trời chưa được thu hồi. Và cuối cùng là khoản bị "công ty ma" Tân Thiên Bảo Ước Nguyện lừa lấy 2 tỷ đồng qua việc chi mua đất không giấy tờ của bà Hồ Mỹ Lệ tại Bình Thạnh vào ngày 31/12/2010 đến nay đang có nguy cơ mất trắng.

Ngay cả việc đi thuê nhà, ông Phạm Phố cũng để đối tác chiếm dụng tiền nhà trường khi cho đặt cọc 18 ngàn USD với chủ nhà số 217 N.Đ.C, quận 3, việc thuê mướn không thành, đến nay tiền cũng chẳng thu hồi được. Cứ cho là các con nợ của trường sẽ trả, thì với mức lãi suất ngân hàng hiện nay, từ số tiền khổng lồ trên mỗi tháng Trường CĐKTKT Sài Gòn đã mất đứt cả trăm triệu đồng tiền lãi.

Có hay không việc ông Phạm Phố "ngây thơ" đến mức phóng tay chi tiền tập thể rồi để bị chiếm dụng hay chính ông Phạm Phố liên quan đến những phi vụ chiếm dụng vốn qua việc chi sai nguyên tắc này? Đây là việc các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương làm rõ

Đ.T.
.
.
.