Đồng bằng sông Cửu Long:

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái

Chủ Nhật, 26/05/2019, 07:52
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ đông xuân 2019, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển đổi hơn 30.990 hécta đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày hoặc cây ăn trái. Tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, diện tích chuyển đổi trồng cây ăn trái tăng mạnh, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Phan Văn Lịch (56 tuổi, ngụ xã Thạnh Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) than vãn, nhiều năm trước, gia đình ông trồng 10 công (1.000m2/công) lúa nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Mỗi công lúa thu hoạch bán được khoảng 3 triệu đồng nhưng chi phí giống, phân bón, nhân công thu hoạch hết 2 triệu đồng. 10 công chỉ lời được 10 triệu đồng mà canh tác trong 3 tháng thì số tiền này không đủ sinh hoạt.

Từ thực tế này, khoảng 2 năm nay, ông Lịch trồng thêm dừa và hơn 100 cây mít Thái “siêu sớm” dọc theo bờ ruộng, đất vườn. Mít Thái được thương lái thu mua có lúc lên đến hơn 50.000 đồng/kg, 1 trái có thể bán gần cả triệu đồng nên đã giúp ông cải thiện thu nhập.

Cùng chung thửa ruộng với gia đình ông Lịch là ông Lê Thành Vân (46 tuổi). Sau 10 năm trồng lúa, đầu năm 2018, nông dân này mạnh dạng chuyển 4 công đất lúa sang trồng thanh long. Chi phí đầu tư cây giống, trụ và hệ thống ống nước, đường điện…, tốn hết khoảng 300 triệu đồng. Sau hơn 10 tháng, vườn thanh long xanh tốt trên vùng đất chuyên canh trồng lúa và cho trái bói. Vụ đầu, gia đình ông Vân thu hoạch trái bói được gần 1 tấn và bán cho vựa trái cây với giá hơn 30.000 đồng/kg.

“Cứ 4 tháng, thu hoạch một lần. Các vụ sau, năng suất đạt khoảng  250kg/công, với giá bán trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, thu nhập khá hơn trồng lúa”, vợ ông Vân phấn khởi nói khi tỉa cành ngoài vườn thanh long. Theo lời ông Vân, trước đây, hai vợ chồng trồng lúa nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Ông Vân tranh thủ đi làm thuê bên ngoài và thấy nhiều nhà vườn trồng thanh long hiệu quả nên học hỏi kỹ thuật, vay mượn vốn và bỏ lúa sang trồng thanh long. Tuy mới thu hoạch được hai vụ nhưng bán có giá nên vợ chồng ông rất phấn khởi.

Nhiều nông dân cho rằng, cây lúa cho thu nhập thấp và khó có thể làm giàu nên cần thiết giảm mạnh diện tích sản xuất. Tại huyện Bình Tân, nhiều nông dân chuyển đổi khoảng 400 hécta đất lúa sang trồng mít Thái “siêu sớm”. Loại này đang có giá nên nhiều người bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng mít hoặc trồng xen canh cây mít trong ruộng lúa. Còn tại các xã Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Bình Phú (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), nông dân chuyển đổi tự phát hơn 500 hécta đất lúa sang trồng cây ăn trái và đào ao nuôi cá. Trong đó, đất trồng cây ăn trái (chủ yếu là mít) khoảng 400 hécta.

Vợ chồng ông Lê Thành Vân chuyển đổi 4 công đất trên vùng chuyên canh lúa sang trồng thanh long.

Đi trên tuyến quốc lộ 61C từ trung tâm TP Cần Thơ đi Vị Thanh (Hậu Giang), dễ dàng bắt gặp hình ảnh xen lẫn giữa cánh đồng lúa là những vườn cây ăn trái xanh mướt. Ông Trần Văn Tám (56 tuổi, ngụ xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: “Gia đình tôi trồng lúa cả mấy chục  năm nay nhưng vẫn không khá nổi. Vụ lúa rồi, gia đình xuống giống hơn 16 công nhưng sau 3 tháng thu hoạch vẫn không có lời. Trước khi xuống giống giá lúa hơn 5.000 đồng/kg nhưng khi thu hoạch, giá chỉ còn 4.300 đồng/kg”.

Nhiều nông dân tại xã Tân Hoà cho biết lúa trồng đạt năng suất nhưng mức giá bán thấp nên công sức bỏ ra suốt 3 tháng ròng cũng chẳng gỡ gạc gì. “Trong khi đó, giá phân bón tăng 20%, thuốc trừ sâu tăng 10%, giá công lao động cũng nhích lên 20%. Chi phí sản xuất năm nay tăng cao, lên khoảng 4.100 - 4.200 đồng mỗi kilogam”, anh Huỳnh Hồng Dương (41 tuổi, ngụ huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nói.

Quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa ở ĐBSCL là 1 hécta/hộ, với giá lúa khoảng 5.000 đồng/kg, thu nhập trung bình người trồng lúa còn rất thấp. Các hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ, không thể sống dựa vào trồng lúa mà phải nhờ vào thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác. Với 7 công đất của gia đình, anh Dương sử dụng 5 công trồng lúa và chuyển 2 công đất lúa sang trồng thanh long. “Thanh Long được công ty cam kết, hứa bao tiêu toàn bộ nên mình khá yên tâm”, anh Huỳnh Hồng Dương nói.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng trồng lúa tiêu tốn rất nhiều nước, để có 1kg lúa cần đến 3.000 lít nước nhưng giá bán 10 năm qua vẫn quanh quẩn mức 5.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá giảm. “Vùng ĐBSCL nên ngưng phát triển đê bao khép kín, những khu vực làm đê bao nhưng trồng lúa không hiệu quả, phải từng bước mở ra để trữ nước ngọt. Nông dân vùng khô hạn mạnh dạn thay lúa bằng các loại cây trồng, vật nuôi cần lượng nước ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Tuấn phân tích.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, giải pháp ổn định lâu dài là cần giảm bớt diện tích trồng lúa vì phần lớn nông dân lâu nay vẫn nghèo. Thay vào đó, nên đầu tư tổ chức sản xuất các loại cây, con thị trường cần nhưng phải có chất lượng để xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế, nông dân mới có điều kiện khấm khá hơn.

Văn Vĩnh
.
.
.