Chương trình WB2 do PMU18 làm chủ đầu tư: Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng

Thứ Năm, 06/04/2006, 13:32

Chương trình giao thông nông thôn II (WB2) nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa đã bị bòn rút nghiêm trọng. Trong khi các công ty "sân sau" của PMU18 thì thả sức kiếm lời, thì ngân sách Nhà nước và quyền lợi của người dân ở nông thôn lại bị xâm phạm nghiêm trọng.

Nhằm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế - xã hội của người dân nông thôn, Chính phủ đã phê duyệt dự án này. Mục đích của dự án là cải tạo và nâng cấp cho 13.000km đường, xây dựng, cải tạo và nâng cấp 5.000m cầu ở 40 tỉnh, thành trong cả nước. Chính vì khối lượng công trình khổng lồ như thế nên tổng vốn đầu tư là 145,3 triệu USD.

Với sự ưu ái của lãnh đạo Bộ GTVT nên PMU18 được giao làm chủ đầu tư. Đơn vị này có nhiệm vụ lập kế hoạch tổng thể và giải quyết các thủ tục cho việc triển khai dự án, ký hợp đồng, thanh toán... Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, các địa phương liên quan đều thành lập BQL dự án giao thông nông thôn II (PMUs) thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ và tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng, giám sát thực hiện dự án...

Tiến hành thanh tra 700 dự án, các cơ quan chức năng đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới gần 15 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thất thoát do tính sai về khối lượng đã lên tới hơn 2 tỷ đồng; nghiệm thu quyết toán không đúng gần 700 triệu đồng; hóa đơn thanh toán sai gần 1 tỷ đồng, thiết kế không đúng thất thoát 973 triệu đồng. Chỉ riêng tiền lãng phí trong chi tiêu một cách "vung tay áo xô đốt nhà táng giấy" đã lên tới hơn 2 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, hàng loạt những sai phạm liên quan đã "ném" của Nhà nước hơn 3 tỷ đồng xuống sông, xuống biển.

Tại Thanh Hóa, 6 tuyến đường với 13 gói thầu đã phát hiện thiếu sót sai phạm lên tới hơn 1 tỷ đồng, chiếm 7,12% giá trị xây lắp. Tại Ninh Thuận cũng phát hiện nhiều dự án sai phạm và lãng phí. Đặc biệt là dự án QL1A - Phước Chiến sau khi đưa vào sử dụng 18 tháng đã có một đoạn đường dài 2,65km với tổng mức đầu tư 37.100 USD hoàn thành không sử dụng được do ngập sâu trong lòng hồ Sống Trâu. Việc xây đường dưới đáy hồ như thế hoàn toàn không thể chấp nhận được, gây lãng phí toàn bộ số tiền đầu tư. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư, cơ quan thẩm định dự án, đơn vị khảo sát, thiết kế.

Hội chứng domino sai phạm

Khi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc, thì nhiều sai phạm nghiêm trọng cũng bị lộ sáng. Tuyến đường đến hai xã Vầy Nưa và Tiền Phong, huyện Đà Bắc được đầu tư trên 34,9 tỷ đồng đã phát hiện sai phạm trên 320 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu của sai phạm là do tình trạng khai khống khối lượng công trình và đền bù cả những diện tích không trong chỉ giới quy hoạch. Cũng tại tỉnh này, tuyến đường Hữu Lợi - Phú Lai - Đoàn Kết bên thi công đã khai khống khối lượng lên gần 60 triệu đồng.

Sang tới Lào Cai, khi xây dựng con đường Phố Mới đi Phong Hải cũng phát hiện sai phạm. Số tiền thất thoát lên tới trên 1,39 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, triệu chứng domino bê bối này còn xảy ra tại Khánh Hòa. Hàng loạt các công trình sai phạm liên tiếp xảy ra. Trong đó, 1 công trình sai khâu lập dự toán, 4 công trình phê duyệt đầu tư vượt thẩm quyền, 5 công trình không lập báo cáo đầu tư; 55 công trình sai về khảo sát thiết kế, 15 công trình sai nghiệm thu quyết toán khống.

Tại các công trình giao thông thuộc huyện Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh đã phát hiện sai phạm lên tới gần 600 triệu đồng. Những sai phạm tiếp tục nối dài khi tại Quảng Ninh phát hiện sáu dự án giao thông nông thôn tại huyện Tiên Yên, các cơ quan chức năng cũng đã phải kiến nghị thu hồi hơn 200 triệu đồng. Tại Hải Dương, qua kiểm tra hơn 10 xã có dự án đã phát hiện hàng loạt những sai phạm hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, người ta đã quyết toán tăng khối lượng, thiết kế sai kỹ thuật, khiến chất lượng công trình xuống cấp nhanh chóng.

Vậy mà, cho đến thời điểm này, khi thời hạn chương trình đang đến cận kề kết thúc mà người ta vẫn chưa biết được là PMU18 đã quyết toán được bao nhiêu? Bao nhiêu nhà thầu đang bị họ... nợ tiền thi công?

Ngọc Lâm
.
.
.