Hội Cựu chiến binh huyện Đắk Song (Đắk Nông):

Chung tay xóa đói giảm nghèo

Thứ Ba, 17/03/2009, 14:49
Thời điểm thành lập huyện (tháng 9/2001), tỷ lệ hộ nghèo trong CCB còn tới 23,6%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 37%. Từ thực tế đó, Hội CCB Đắk Song đã xây dựng thí điểm các mô hình hội viên giúp nhau xoá đói giảm nghèo, như "Câu lạc bộ cựu quân nhân" ở xã Đắk Môl, "Tổ ba cộng một" ở xã Đắk Rung.

Rút kinh nghiệm từ những mô hình trên, đầu năm 2008, Hội CCB Đắk Song đã triển khai nhân rộng mô hình cựu chiến binh giúp nhau xoá nghèo ra toàn huyện với tên gọi "Tổ ba người"- cứ 3 hội viên người Kinh và người dân tộc thiểu số phía Bắc có kinh tế khá giả nhận hỗ trợ 1 hội viên nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển kinh tế, xoá nghèo và vươn lên làm giàu.

Mô hình "Tổ ba người" được lãnh đạo Huyện ủy đánh giá rất cao, bởi thực sự khơi dậy và phát huy phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ khi về với đời thường. Hiện tại, toàn huyện đã xây dựng được 140 "Tổ ba người", có nghĩa là 140 gia đình CCB nghèo đang được đồng đội giúp đỡ mọi mặt để thoát nghèo.

Xuất phát từ thực trạng, phần lớn gia đình CCB người dân tộc thiểu số tại chỗ nghèo là do thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, tập quán canh tác lạc hậu, một số còn sa đà vào nạn rượu chè, thiếu ý chí vươn lên. Chính vì thế "Tổ ba người" không chỉ hỗ trợ về vốn, giống mà còn thường xuyên tới hướng dẫn kỹ thuật, bày vẽ cách làm ăn theo hình thức "cầm tay chỉ việc".

Chúng tôi tới gia đình CCB Điểu Bót ở bon Bu N'Jar (xã Đắk Rung) để tìm hiểu thực tế mô hình "Tổ ba người". Điểu Bót chỉ có hai vợ chồng, trong khi đất canh tác có tới 1,2 ha vậy mà vẫn nghèo. Nghèo là vì Điểu Bót không biết chăm sóc cà phê và hồ tiêu sao cho năng suất cao; không biết cải tạo đàn bò để có hiệu quả kinh tế, lại thường xuyên rượu chè say xỉn.

Khi chưa được "Tổ ba người" hỗ trợ, thì mỗi năm từ 800 trụ tiêu (4 sào) gia đình Điểu Bót chỉ thu được 80kg hạt, rẫy cà phê rộng 8 sào để cỏ mọc lấn lướt nên chẳng có thu, đàn bò lèo tèo vài con, tổng thu nhập chỉ được vài ba triệu đồng/năm nên chỉ có hai miệng ăn mà vẫn cứ đói.

Từ năm 2004, khi được CCB Phan Ngọc Chu, Trần Đức Ngọc và Đặng Văn Chính là các thành viên trong "Tổ ba người" hỗ trợ, được Hội CCB xã tín chấp vay vốn Ngân hàng chính sách và cho vay từ "Quỹ đồng đội", Điểu Bót biết cải tạo rẫy cà phê, chuyển đổi giống tiêu sẻ sang trồng giống mới cho năng suất cao và kháng được bệnh, đàn bò được lai giống mới và thực hiện chăn nuôi có chuồng trại, biết cách vỗ béo trước khi bán...

Theo nhẩm tính trong năm 2008, gia đình Điểu Bót thu hoạch được hơn 1 tấn hạt tiêu, 8 sào cà phê bắt đầu cho thu hoạch, đàn bò phát triển lên 18 con, tổng mức thu nhập cả năm sẽ lên đến gần 100 triệu đồng. Vậy là Điểu Bót không những thoát nghèo mà đã vươn lên mức khá giả, mua được xe máy, tivi cùng các tiện nghi sinh hoạt khác...

Theo bác Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch huyện hội cho biết: Từ mô hình "Tổ ba người", nhiều hội viên CCB dân tộc thiểu số ở Đắk Song đã xoá được nghèo. Có hội viên sau khi được đồng đội tiếp sức làm ăn khá giả đã không ngần ngại giúp đỡ lại những hộ nghèo khác trên địa bàn vươn lên như CCB Lâm Thiện Lý ở xã Trường Xuân; Nguyễn Hữu Thuận ở xã Đắk Rung.

Trong tổng số 1.430 hội viên sinh hoạt tại 100 chi hội ở 9 xã và thị trấn, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay đã giảm xuống còn 8,4% (thấp hơn gần 1% so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện), có 31 chi hội không còn hội viên nghèo, mục tiêu của CCB Đắk Song đến cuối năm 2008 sẽ giảm hội viên nghèo xuống dưới 5%.

Như vậy, CCB Đắk Song đã xung kích, đi đầu trên lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, tìm ra mô hình cho tỉnh Đắk Nông nhân rộng. Ngoài xây dựng thành công "Tổ ba người", CCB Đắk Song còn mạnh dạn thành lập "Đội vận động quần chúng" và "Đội dự bị xung kích", vận động hội viên tham gia tích cực vào xoá điểm nóng về an ninh chính trị, xây dựng và củng cố tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em

Gia Bảo
.
.
.