Xử phạt vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả tăng đến 100 triệu đồng:

Chưa xử lý được trường hợp hàng giả nào ở Hà Nội

Thứ Hai, 18/03/2013, 17:20
Buôn bán, sản xuất hàng giả bị phạt mức cao nhất từ 70 đến 100 triệu đồng, đây là chế tài xử phạt tăng nặng bắt đầu có hiệu lực từ 1/3/2013 theo Nghị định 08/2013/CP. Gần 20 ngày Nghị định 08 đi vào cuộc sống, nhiều người kinh doanh ở Hà Nội vẫn chưa nắm được quy định, thậm chí hàng giả thương hiệu, nhãn mác không rõ ràng vẫn bán trên thị trường. Đến nay, Hà Nội cũng chưa xử phạt được trường hợp nào theo Nghị định 08.

Lương Văn Can lâu nay là phố kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em lớn ở Hà Nội. Ngoài đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ thì còn hàng trăm mặt hàng ở đây nhãn mác không rõ ràng hoặc không có nhãn mác. Nhắc đến Nghị định 08, trong đó việc buôn bán hàng giả bị phạt từ 200 nghìn đồng đến 70 triệu đồng bắt đầu có hiệu lực từ 1/3, người bán hàng ở đây đều lắc đầu “không biết”. Tuy đã nhiều lần bị xử phạt và thu hồi hàng hóa vì bán đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng có quá nhiều “lý do” để họ vẫn tiếp tục kinh doanh.

Nghị định 08/2013/CP quy định xử phạt: Đối với hành vi buôn bán hàng giả: từ 100.000 đồng đến 70.000.000; đối với hành vi sản xuất hàng giả: từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp buôn bán tem, nhãn, bao bì giả có số lượng trên 10.000 đơn vị ( phạt tiền gấp 2 lần với tem, nhãn, bao bì giả của hàng hóa là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm…).

Xem một con quay gần giống với thương hiệu Tosy, chúng tôi không thấy tem, dấu hợp quy đâu liền thắc mắc. “Hàng này cũng tốt đấy, chơi vài ngày là chán, mua loại này cho rẻ” – người bán hàng trả lời.

Nhắc đến mức phạt tăng nặng, một người bán túi xách thời trang giả các thương hiệu lớn như Chanel, Hermes, Gucci…trên phố Hàng Bông cho rằng chưa biết đến mức phạt mới này. Không lo sợ bị kiểm tra, “sờ gáy”, nhiều người bán hàng ở ngay trên 4 tuyến phố thí điểm “nói không với hàng giả, hàng nhái” là Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông vẫn kinh doanh hàng giả, hàng nhái như thường ngày. Nhiều thương hiệu thời trang, túi xách, dày dép bị làm giả bán ở đây.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, trên thị trường Hà Nội, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu, sản phẩm, mẫu mã vẫn diễn ra bình thường như thời điểm Nghị định 08 chưa có hiệu lực. Mặc dù các công ty tốn rất nhiều chi phí xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã…nhưng ngay sau khi ra đời một sản phẩm nào đó mà bán chạy thì vài tuần sau trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm na ná như vậy. Lợi nhuận cao chính là nguyên nhân đẩy người kinh doanh và sản xuất bất chấp pháp luật khi bán hàng giả, hàng nhái…Còn người tiêu dùng thì lại thích mua hàng giá rẻ nên hàng giả, hàng nhái vẫn có đất để tiêu thụ.

Kiểm tra việc buôn bán kinh doanh mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng bị làm giả và nhái ở chợ Đồng Xuân.

Theo ông Hoàng Hùng Thiệp, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì đến thời điểm này, Hà Nội chưa xử lý được trường hợp nào ở mức phạt 70 và 100 triệu đồng theo Nghị định 08. Việc kiểm tra hàng giả, hàng nhái và sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra thường xuyên. Trả lời về việc tăng mức xử phạt hàng giả liệu có làm trong sạch thị trường?

Ông Thiệp cho rằng, mức xử phạt tăng nặng sẽ tạo được tính răn đe cao. Đặc biệt là với những hộ kinh doanh hàng giả, tùy vào trị giá hàng hóa nhiều hay ít để xử phạt ở mức độ cao hay thấp. “Theo tôi, Nghị định 08 là rất khoa học học và thống nhất. Ví dụ Nghị định 93 có quy định xử phạt việc kinh doanh mỹ phẩm và thuốc tân dược giả. Khi ban hành Nghị định 08 thì không còn điều này trong Nghị định 93 nữa”. Sở dĩ Hà Nội chưa xử phạt được mức 70 và 100 triệu đồng với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cũng còn một lý do đưa ra là việc xác định thế nào là hàng giả hiện nay rất khó khăn.

Theo Đội Quản lý thị trường số 2 thì việc xác định hàng thật hay giả buộc phải đi trưng cầu giám định; phải liên hệ với hãng sản xuất. Hiện nay còn rất ít hãng, nhãn hiệu có Công ty Luật đứng ra xác nhận hàng đúng hãng. Khi không những Công ty Luật này không được ủy quyền thì không ai xác nhận hàng giả hay thật để xử lý.

Mỹ phẩm Olay nhái bán đầy trên thị trường.

“Do vậy mà chúng tôi chỉ kiểm tra và xử lý được hàng không có hóa đơn, chứng từ. Muốn xử lý hàng giả thì phải có chủ sở hữu hoặc đại diện xác nhận. Không có đơn vị xác nhận làm sao xử lý được hàng giả” - ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết. Đây là một tồn tại lớn đang gây khó khăn, cản trở cho lực lượng chống hàng giả ở Việt Nam. Và dù việc tăng chế tài xử phạt nhưng nếu không có sự hợp tác từ các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp trực tiếp làm ra sản phẩm để vạch mặt hàng giả thì có lẽ trong thời gian tới, việc đấu tranh với nạn buôn bán hàng giả vẫn còn trở ngại.

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng chế tài xử phạt về sản xuất, buôn bán hàng giả như hiện nay thôi chưa đủ, mà muốn làm trong sạch thị trường thì các nhà quản lý, cơ quan chức năng phải quản lý được 3 khâu là: nhập khẩu, phân phối và lưu thông. Nếu chỉ xử phạt không thôi thì có khi mức phạt đó vẫn chưa thấm với lợi nhuận kếch xù từ việc sản xuất và buôn bán hàng giả mang lại. Để làm trong sạch thị trường, loại bỏ hàng giả đang có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của con người, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tìm ngay giải pháp giúp cho việc trưng cầu giám định, xác nhận hàng thật, hàng giả nhanh chóng để mang lại hiệu quả cao trong việc áp dụng chế tài xử phạt tăng nặng

Nhật Minh
.
.
.