Chưa hiểu biết, cẩn trọng khi sử dụng sữa dê dành cho trẻ em

Thứ Ba, 19/03/2013, 07:53
Đến tận tháng 10 năm ngoái, sữa dê cho trẻ dưới 1 tuổi mới được thừa nhận bởi Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, vậy tại sao thị trường Việt Nam lại tràn ngập các sản phẩm sữa dê cho trẻ em, cả xách tay và nhập khẩu, phần nhiều có xuất xứ từ EU (như Pháp, Hà Lan)?
>> “Biến” thực phẩm bổ sung thành sữa cho trẻ em

Mặc dù vụ sữa dê Danlait đến nay chưa có kết luận cuối cùng, nhưng những lùm xùm xung quanh vụ việc đã mang đến cho các phụ huynh những bài học lớn về việc lựa chọn sữa cho con. Từ trước đến nay, nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận móc túi số tiền gấp đôi để chi cho sữa dê thay vì sữa bò, bởi những thông tin truyền miệng về việc sữa dê mát hơn, dễ tiêu hóa và đặc biệt không khiến trẻ em bị dị ứng như sữa bò? Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là một sai lầm về nhận thức, bởi tại châu Âu, sữa dê thậm chí không được thừa nhận là một nguồn protein để sản xuất các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 1 tuổi.

Hiện trên thị trường sữa Việt Nam, sữa dê chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu, xách tay với mức giá rất cao, gấp đôi, thậm chí gấp 3 sữa bò. Có thể dễ dàng tìm được những nhãn sữa quen thuộc ở thị trường Việt Nam như Karicare được bán khoảng 850.000/lon 900 gr, Nannycare khoảng 400.000 đồng/lon 400gr; Vitacare 515.000 đồng/lon... và hàng loạt thương hiệu khác Kabrita (Hà Lan), Babynat (Pháp).

Nếu so mức giá này với giá sữa bò như Frisolac chỉ khoảng 200.000 đồng/lon (400 gr) sẽ thấy sữa dê hiện giá “cắt cổ” như thế nào. Nếu so với giá sữa nội như Vinamilk, thì các sản phẩm này đắt gấp 3, 4 lần. Tuy nhiên, mặc mức giá trên trời đó, nhiều phụ huynh vẫn đua nhau mua, thậm chí phải mua gom vì các loại hàng dạng này không thường xuyên có sẵn và rất dễ lên giá.

Vụ sữa dê Danlait đã tác động khác nhau đến nhận thức của các phụ huynh về sữa.

Sau khi tiếp cận được những nguồn thông tin này, chúng tôi đã liên hệ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để tìm hiểu về việc cho phép các loại sữa dê nhập vào thị trường Việt Nam. Cơ quan này đã gửi lại một nguồn thông tin cho biết: Tháng 10 năm 2012, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu có công bố trên website của họ một đánh giá khoa học  thừa nhận sự phù hợp của protein trong sữa dê như là một nguồn protein cho sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng sữa dê cũng có thể gây ra dị ứng. Hiện tại, vẫn chưa có đầy đủ các dữ liệu về việc gây dị ứng của protein trong sữa dê và không thể dự đoán những sự cố và mức độ nghiêm trọng của phản ứng phụ này, cũng chưa có những dữ liệu tin cậy để nói rằng khả năng xảy ra dị ứng của các sản phẩm từ sữa dê sẽ thấp hơn các sản phẩm từ sữa bò.

Như vậy, đến tận tháng 10 năm ngoái, sữa dê cho trẻ dưới 1 tuổi mới được thừa nhận bởi Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu, vậy tại sao thị trường Việt Nam lại tràn ngập các sản phẩm sữa dê cho trẻ em, cả xách tay và nhập khẩu, phần nhiều có xuất xứ từ EU (như Pháp, Hà Lan)? Liên hệ với Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi được biết để được phép nhập khẩu, các DN phải có giấy phép lưu hành rộng rãi tại nước bản địa, được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền tại nước đó. Làm sao để các DN nhập khẩu Việt Nam có được giấy chứng nhận này, có sự nhập nhèm giữa sữa cho trẻ em chung chung và sữa cho trẻ dưới 12 tháng tuổi không, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc.

Đã có kết quả kiểm định sữa dê Danlait

Theo một nguồn tin riêng của Báo Công an nhân dân, sau gần 1 tháng kiểm nghiệm, đã có kết quả cuối cùng về thành phần của sữa dê Danlait. Trao đổi với PV chiều 18/3, ông Vương Trí Dũng – Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xác định tin này, tuy nhiên, từ chối cung cấp thêm thông tin cụ thể. Ông Vương Trí Dũng cho biết, về vụ việc này, Chi cục Quản lý thị trường sẽ có họp báo để thông báo cụ thể, cả về kết quả kiểm định chất lượng và các hình thức xử lý hành chính (nếu có). Theo một nguồn thông tin khác, chúng tôi được biết các phụ huynh có con sử dụng sữa dê Danlait cũng đã có kết quả kiểm định độc lập sản phẩm này tại Viện Pasteur.

Vũ Hân

Vũ Hân
.
.
.