Chưa đến Rằm, bánh Trung thu đã đại hạ giá

Thứ Tư, 07/09/2011, 16:30
Thông thường, khi Trung thu "đi" được nửa mùa hoặc gần đến cuối mùa thì các đại lý bán bánh Trung thu mới giảm giá. Tuy nhiên, năm nay Trung thu chưa đến mà nhiều nơi đã lần lượt treo bảng "mua 1 tặng 1" và còn… nhiều hơn thế nữa.

Bánh Trung thu thương hiệu "mua 1 tặng 1"?

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện các điểm kinh doanh bánh Trung thu (BTT) có treo bảng "mua 1 tặng 1" trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TP HCM phần lớn là các điểm bán BTT mang hai thương hiệu lớn: Kinh Đô và Đồng Khánh.

Ghé vào một quầy BTT trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), tôi đặt vấn đề muốn mua BTT "1 tặng 1" như trong bảng trưng bày. Chị L. bán hàng mang cho tôi xem 4 loại bánh (2 trứng, 250g/cái) gồm: Đậu xanh, hạt sen (cùng giá 76.000đ/cái), thập cẩm (80.000đ/cái), gà quay (84.000đ/cái). Chị L. giải thích, hộp bánh 4 cái này sẽ có giá gốc 316.000đ, giảm phân nửa còn 158.000đ. Nếu mua vài chục hộp để làm quà biếu, tặng, thì chị sẽ tính giá "hữu nghị" chỉ còn 150.000đ/hộp và "khuyến mãi" thêm chi phí xăng xe. Nhìn kỹ những hộp bánh, chữ Đồng Khánh ghi thật to, còn phía trên chữ Đồng Khánh là chữ Như Hưng ghi nhỏ xíu, cơ sở sản xuất tại phường 8, quận 8.

Ghé tiếp một quầy BTT khác cũng trên đường Nguyễn Tất Thành, chủ kinh doanh đưa cho tôi một name card có ghi sản phẩm bánh Đồng Khánh của cơ sở T.X (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Cơ sở này không chỉ sản xuất BTT mà còn chuyên sản xuất bánh dẻo, đậu xanh hộp, bánh lột da, bánh in. Các sản phẩm khuyến mãi "1 tặng 1" trưng bày tại đây có giá gốc từ 50.000 - 78.000 đồng/cái tùy loại, tùy trọng lượng. Người bán hàng cũng giải thích thêm, BTT "1 tặng 1" là dành cho giá bán lẻ, còn nếu mua số lượng nhiều thì giá sẽ được thỏa thuận lại "mềm" hơn.

Tại quầy BTT ở đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), BTT khuyến mãi "1 tặng 1" là những nhãn hiệu Hữu Thành Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở quận 6), Thăng Long Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở Bình Chánh)…

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, BTT của các cơ sở có kèm thương hiệu Đồng Khánh không chỉ được bán trà trộn trong các điểm kinh doanh BTT của các thương hiệu lớn mà còn "đánh" sâu vào các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, chợ truyền thống, chợ tự phát, kể cả BTT chất đầy trên xe tải để chào bán ở ven đường.

Bánh Trung thu chất trên xe tải bán ở lề đường.

Trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), mấy tuần nay, ngày nào cũng có xe tải chở BTT đứng bán cho người đi đường. Bao bì của các loại BTT này ghi Song Long Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) giá bán chỉ 14.000đ/bánh đậu xanh, bánh dẻo; 20.000đ/cái bánh nướng 1 trứng và 30.000đ/cái bánh nướng 2 trứng. Thậm chí có xe tải bán BTT treo giá chỉ 10.000đ/cái.

Tại một số quầy bán hàng tạp hóa, BTT nhãn hiệu Thượng Hải Đồng Khánh (cơ sở sản xuất ở quận 3) cũng được bày bán khá nhiều, giá từ 30.000 - 60.000đ/cái…

Khi thấy các loại BTT của các cơ sở "kèm" thương hiệu Đồng Khánh có giá quá rẻ, chúng tôi nghi ngờ về chất lượng thì hầu hết các chủ kinh doanh đều trấn an: Năm nay do nhu cầu biếu BTT sớm hơn mọi năm nên các cơ sở giảm giá bán sớm. Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm có khuyến mãi, giá rẻ là của các cơ sở nhỏ, hộ gia đình sản xuất nên không tốn chi phí quảng bá cũng như ít tốn chi phí thuê công nhân, lao động, nhà xưởng nên giá cả khá cạnh tranh.

Cần tăng cường kiểm tra chất lượng VSATTP

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các quầy BTT có treo bảng Kinh Đô, Đồng Khánh "mua 1 tặng 1" đều gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (NTD). Có nơi trưng bày BTT Đồng Khánh Bông lúa vàng với nhiều loại như: Bánh nướng, bánh dẻo, bánh chay, bánh thiếu nhi, bánh heo đàn, có cả bánh hộp cao cấp… nhưng khi NTD hỏi mua thì chủ kinh doanh không đưa ra sản phẩm của thương hiệu này mà lại "trỏ" sang các loại bánh Đồng Khánh của các cơ sở khác.

Trước tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc đại diện của thương hiệu Đồng Khánh Bông lúa vàng cho biết: Bánh Đồng Khánh Bông lúa vàng không thực hiện "mua 1 tặng 1".

Ông Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc PTKD, Công ty Kinh Đô cũng khẳng định: “Sản phẩm BTT Kinh Đô bán đúng giá quy định và Kinh Đô hoàn toàn không có chủ trương "bán đại hạ giá" cũng như không có chính sách nào có thể tạo điều kiện cho người bán lẻ thực hiện "đại hạ giá" "giảm 50%" hay "mua 1 tặng 1" cho sản phẩm BTT Kinh Đô. Đặc biệt chúng tôi luôn theo sát diễn tiến nhu cầu thị trường từng ngày, từng giờ, nên luôn kiểm soát được lượng bánh cung ứng vừa đủ. Do đó tình trạng dư thừa hàng và phải bán đại hạ giá chưa bao giờ xảy ra”. ông Thịnh cho biết thêm: "Vào lúc cao điểm, Kinh Đô phải chạy hết công suất mới kịp đáp ứng các đơn hàng của khách hàng".

Thực tế cho thấy, nếu so sánh thì BTT của các cơ sở có "đuôi" Đồng Khánh có giá rẻ hơn rất nhiều. Quan sát trên bao bì của các loại sản phẩm này, chúng tôi nhận thấy có không ít sản phẩm bán ở chợ, cửa hàng tạp hoá, xe tải… không ghi đầy đủ các thông tin cần thiết. Như hạn sử dụng ghi 30 ngày, nhưng ngày sản xuất thì… để trống. Còn chất lượng sản phẩm, đây cũng là điều khiến không ít NTD băn khoăn nhưng trách nhiệm này là của cơ quan kiểm tra.

Tết Trung thu đang đến gần, thị trường BTT cũng đang vào mùa cao điểm, vì vậy việc kiểm tra chất lượng VSATTP đối với BTT hết sức cần thiết. Mong rằng, từ nay đến cuối mùa, thanh tra của các ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất BTT, nhất là những cơ sở nhỏ, hộ gia đình, để người NTD yên tâm về chất lượng sản phẩm, cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Tây Nguyên: Tràn lan bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng

Ngày 6/9, Công an TP Pleiku, Gia Lai cho biết vừa phát hiện tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Thảo Vy ở tổ 2, phường Trà Bá, TP Pleiku có nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 520 chiếc bánh Trung thu mang nhãn hiệu Thành Sang (7D/10 Hoàng Hoa Thám, TP Mỹ Tho, Tiền Giang); 15 hộp bánh thành phẩm loại lớn nhãn hiệu Minh Châu (Tiền Giang) và trong 55 vỏ thùng giấy lớn mang thương hiệu bánh Kinh Đô thì có 2 hộp đang chứa 43 bánh Trung thu do cơ sở Thảo Vy chế biến.

Đáng chú ý, nơi chế biến của cơ sở này không đảm bảo vệ sinh theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo lý giải của cơ sở bánh Thảo Vy: Việc có các loại bánh khác tại cơ sở là mua thêm về bỏ lại để ăn chênh lệch, còn với hộp bánh Kinh Đô được mua về từ các điểm bán bánh tại TP Pleiku để đặt bánh vào cho dễ di chuyển đến các huyện chứ không hề có ý định giả mạo.

Qua điều tra, xác minh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và Công an TP Pleiku thống nhất hình thức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh trái phép, kinh doanh bánh không đầy đủ nhãn mác theo quy định và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến và người làm trực tiếp chưa có giấy kiểm tra về sức khỏe.

Tại Đắk Lắk, qua kiểm tra 22 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Buôn Ma Thuột, đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sai phạm chủ yếu là nhãn mác không phù hợp, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm quá hạn sử dụng, điều kiện sản xuất không bảo đảm, thủ tục hành chính chưa đầy đủ… Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu kém chất lượng, không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không đúng như thông tin trên bao bì.

N.Như

Thúy Hà
.
.
.