Chưa có biện pháp căn cơ chấm dứt ùn ứ nông sản ở cửa khẩu

Thứ Ba, 08/04/2014, 10:06
Đã hết tình trạng ùn ứ dưa hấu tại các cửa khẩu do dưa đã chuẩn bị hết mùa, nhưng chưa có điều gì đảm bảo tình trạng ùn ứ sẽ không tiếp tục diễn ra, không chỉ đối với dưa, mà còn với nhiều loại nông sản khác. Đây là thông tin vừa được Bộ Công Thương cho biết trong cuộc họp báo chiều 7/4.

Cùng với thông tin này, nhiều chủ đề nóng liên quan đến giá điện, xăng dầu và cơ chế tạm trữ lúa gạo cũng được đề cập, trong đó Bộ Công Thương cho biết chưa có phương án tăng giá điện và sẽ xem xét đến giá xăng dầu trong vài ngày tới.

Trở lại chủ đề gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua và khiến hàng nghìn người nông dân khốn đốn: việc ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh và giá dưa xuống thảm hại tại ruộng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết đã xác định được những nguyên nhân của tình trạng này. Về nguyên nhân khách quan, do dưa hấu là mặt hàng mới được đưa vào xuất khẩu. Người nông dân khu vực miền Trung và miền Nam thấy đây là một loại cây trồng dễ tính, thu hoạch tốt và giá xuất khẩu sang Trung Quốc khá tốt nên đã đổ xô vào trồng, khiến diện tích tăng ồ ạt.

Thêm vào đó, vài năm nay khí hậu thuận lợi cho thu hoạch dưa, nên sản lượng tăng nhanh. Các hộ nông dân sản xuất cá thể, không có điều tiết nên lượng dưa tăng đột biến, trong khi tiêu thụ trong nước lại hạn chế, dẫn đến thừa hàng và người nông dân đổ xô vào chở lên biên giới bán vì “nghe nói” được giá. Rất nhiều người dân đưa hàng lên trong khi chưa tìm được bạn hàng, chưa có hợp đồng xuất khẩu, mà tập kết hàng lên rồi mới tìm người mua, dẫn đến ùn ứ và bị dìm giá. Cùng với đó, việc chế biến, bảo quản, phân loại hàng hóa cũng chưa làm tốt, thu hoạch lại gấp rút dẫn đến thừa. Trước đây cũng đã từng xảy ra tình trạng này đối với nhiều mặt hàng nông sản khác như vải.

Về nguyên nhân chủ quan, ngoài xuất phát từ việc sản xuất không có định hướng thì chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc cũng gây khó khăn cho chúng ta không ít, vì họ chỉ cho thương nhân nhận hàng tại cửa khẩu Tân Thanh. Điều này gây sức ép lên việc giải phóng hàng. Cộng với việc người dân không nắm rõ thông tin, thu hoạch được quả dưa nào trên ruộng đều đưa hết lên, trong khi thương nhân Trung Quốc chỉ nhận dưa loại 1, loại 2, dẫn đến việc phải mất thời gian phân loại và đóng gói hàng, càng khiến thời gian giải tỏa hàng bị chậm lại.

Xác định được những nguyên nhân này, ông Trần Thanh Hải cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành trong nước thông báo đến Đại sứ quán Trung Quốc để phối hợp với các cơ quan chức năng của Bằng Tường và khu tự trị Quảng Tây kéo dài thời gian làm thủ tục hải quan đến 9 – 10h tối. Các cơ quan chức năng trong nước cũng đã cử người lên để cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho người dân, tạo điều kiện giải phóng hàng.

Cho đến nay, hiện tượng ùn ứ dưa không còn, một phần do cũng đã gần hết vụ. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những chính sách khuyến khích, tuyên truyền cho người dân để điều tiết được lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu. Đồng thời, cần triển khai đầu tư kho bãi ở cửa khẩu để làm nơi trung chuyển và bảo quản hàng hóa; xây dựng trung tâm thu mua và phân phối nông sản ở miền Bắc cũng như tăng trường dự báo về thị trường. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa biết bao giờ mới triển khai được và về trước mắt, chưa có gì đảm bảo tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu sẽ chấm dứt.

Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện vốn đang được người dân nóng lòng chờ đợi, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết hiện vẫn chưa nhận được phương án tính toán giá và đề xuất của EVN, nên trước mắt giá chưa có thay đổi. Về việc cấp điện cho mùa khô, ông Phúc cũng khẳng định Bộ Công Thương đã nhiều lần làm việc với EVN, PVN, TKV, 3 đơn vị chịu trách nhiệm chính về cấp điện, tình hình cho thấy có thể đảm bảo đủ điện cho nhu cầu trong nước, không phải tiết giảm hay cắt điện luân phiên, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng

Vũ Hân
.
.
.