Chủ tàu Việt Nam kêu cứu vì tàu ngoại "lấn sân"

Thứ Bảy, 26/11/2011, 10:30
Chuyện tàu treo cờ nước ngoài vận chuyển hàng nội địa tiếp tục là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi danh sách những tàu nước ngoài được cấp phép vận tải nội địa không hề giảm bớt sau rất nhiều lời kêu cứu của các chủ tàu trong nước.

Tàu ngoại ung dung chạy hàng nội

Thống kê mới nhất cho thấy hiện có khoảng 38 tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài tham gia vào các tuyến vận tải nội địa Việt Nam (gồm cả tàu container, tàu bách hóa, tàu LPG...) với tổng trọng tải lên tới hơn 640.000 DWT. Cần phải lưu ý rằng, con số 640.000 DWT tàu treo cờ nước ngoài đang vận tải nội địa này gây sửng sốt cả với chính những người đang kinh doanh vận tải biển.

Trên thực tế, con số này hiện bằng khoảng 1/10 tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia. Trong khi cung hàng nội địa luôn thiếu thì đội tàu vận tải nội địa Việt Nam lại luôn phải gồng mình cạnh tranh với những "ông lớn" như Mearsk Line, NYK... (vốn có tiềm lực tài chính hùng mạnh, giá thành thấp do lãi vay tài chính thấp và tuyến hoạt động dài với các tàu lớn nên chi phí cho các đơn vị sản phẩm thấp) ngay trên chính sân nhà mình.

Luật sư Võ Nhật Thăng, người có kinh nghiệm nhiều năm về lĩnh vực vận tải biển thẳng thắn nhận định: "Chúng ta đang quá dễ dãi trong việc cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa". Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh: "Với tàu hàng rời và tàu container vận tải nội địa, chúng tôi thừa khả năng đáp ứng"… Nghịch lý này đã và đang tồn tại, làm cho đội tàu vận tải nội địa của chúng ta bị "bắt nạt" ngay trên sân nhà!?

Chủ tàu nội địa gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các hãng tàu ngoại vốn có tiềm lực mạnh về tài chính.

Cấp phép cho tàu hàng rời treo cờ nước ngoài chạy hàng nội địa - Bộ GTVT làm sai luật?

Điều 7, Bộ luật Hàng hải Việt Nam cũng quy định rõ: Tàu biển Việt Nam được ưu tiên vận tải nội địa đối với hàng hóa, hành khách và hành lý. Khi tàu biển Việt Nam không có đủ khả năng vận chuyển thì tàu biển nước ngoài được tham gia vận tải nội địa trong các trường hợp sau đây: Vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hoặc các loại hàng hóa khác bằng tàu biển chuyên dụng; để phòng chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp (những trường hợp này do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định).

Khi được hỏi về quyền vận tải nội địa, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể là lĩnh vực vận tải biển đều khẳng định: Không chỉ có Việt Nam mới đang áp dụng quyền vận tải nội địa "Cabotage Rights", nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) cũng đều có quy định bảo hộ thị trường vận tải nội địa của mình, bằng nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến là bằng những hàng rào kỹ thuật.

Quy định là vậy nhưng thực tế trong thời gian qua, trong số những tàu biển treo cờ nước ngoài đã được Bộ GTVT cấp phép vận tải hàng nội địa, có tới hàng chục tàu hàng rời, tàu hàng tổng hợp được Bộ này cấp phép. Câu hỏi đặt ra là việc bảo hộ quyền vận tải nội địa ở đâu, trong khi một lượng lớn những tàu cùng chủng loại của chủ tàu Việt Nam đang nằm "đắp chiếu" chờ hàng thì tàu treo cờ nước ngoài lại ung dung tung hoành trên thị trường vận tải nội địa?

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Minh Hiền khẳng định: "Thị trường vận tải nội địa phải dành cho tàu biển Việt Nam, luật pháp đã quy định rõ".

Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết thêm: Trong thực tế có nhiều mặt hàng như khí hóa lỏng, xi măng rời là Việt Nam chưa có tàu để vận chuyển, nên phải cho phép tàu nước ngoài có đủ điều kiện vào, để tránh ách tắc hàng tại cảng. Còn một số mặt hàng khác như vận chuyển container đội tàu biển của ta lúc có khả năng, lúc không có khả năng nên đành phải cho phép tàu nước ngoài vào tiếp sức. Chứ không lẽ gì, tàu Việt Nam đủ khả năng vận tải rồi, mà Bộ GTVT vẫn cấp phép cho tàu ngoại vận chuyển hàng nội địa.  Song, bà Hiền cũng đưa ý kiến chỉ nên xem xét cấp cho tàu treo cờ nước ngoài vận chuyển hàng nội địa trong những trường hợp như Bộ luật Hàng hải Việt Nam đã quy định.

Phía chủ tàu Việt Nam, theo bà Hiền cần có sự cam kết. "Nếu anh bảo mình có khả năng đảm nhận vận chuyển hàng tổng hợp, hàng container nội địa, phải làm cam kết. Nhà nước sẽ bảo hộ cho anh. Khi đó, nếu không đảm nhận được, anh phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Chính phủ".

Hiện tại dự thảo Thông tư quy định về việc cấp giấy phép vận tải nội địa cho tàu biển nước ngoài đang được Vụ Vận tải xây dựng, dự kiến trong tháng 12 sẽ trình Bộ trưởng ký ban hành. Thông tư này ra đời, hy vọng sẽ tạo sự minh bạch, công khai, rõ ràng hơn trong việc cho phép hay không cho phép tàu ngoại vận tải hàng nội địa.

Tại một cuộc họp gần đây giữa các chủ tàu, hiệp hội và Cục Hàng hải Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng chỉ đạo, đối với một số tàu nước ngoài mà ta đã cấp phép cho vận chuyển hàng nội địa đến năm 2013, nhưng tại thời điểm này, nếu tàu nội có đủ khả năng, thì Cục Hàng hải cũng phải xem xét lại việc rút thời hạn, tạo điều kiện cho tàu nội phát huy năng lực

Cho đến thời điểm này, dự thảo Thông tư quy định về việc cấp giấy phép vận tải nội địa cho tàu biển nước ngoài đang được xây dựng theo hướng, Bộ Giao thông vận tải giao cho Cục Hàng hải Việt Nam đứng ra giải quyết những vấn đề liên quan đến việc cấp phép vận tải cho tàu biển nước ngoài. Theo đó, trước khi quyết định cấp phép cho một tàu nước ngoài nào vận chuyển hàng nội địa, thì Cục Hàng hải Việt Nam phải có trách nhiệm làm công văn gửi đến Hiệp hội Chủ tàu, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam... xem họ có khả năng vận chuyển không. Nếu họ đủ khả năng thì phải có công văn cam kết trả lời ngược lại phía Cục Hàng hải, còn nếu không ai đủ năng lực thì Cục Hàng hải sẽ xem xét việc cấp phép cho tàu nước ngoài.

Thanh Huyền
.
.
.