Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015:

Chủ động vượt qua thách thức, giữ vững thị trường trên sân nhà

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:05
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tạp chí Tiền tệ châu Âu - Euromoney phối hợp tổ chức Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015, với sự tham gia của trên 500 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài, các quỹ đầu tư và giới truyền thông quốc tế.

Đây là cơ hội chuyển tải thông điệp của Chính phủ Việt Nam về môi trường đầu tư và thông tin cập nhập về cơ hội kinh doanh giữa lãnh đạo các tập đoàn, các DN trên thế giới và khu vực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu.

Việt Nam – thị trường mới nổi và hấp dẫn

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, diễn đàn là sự kiện rất quan trọng, mở ra sự hợp tác và thúc đẩy đầu tư từ DN khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, từ năm 2016-2020 với định hướng là tái cơ cấu kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ tập trung nâng cao sức cạnh tranh và chủ động hội nhập vào kinh tế toàn cầu thông qua việc chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU, FTA của ASEAN vào cuối năm nay.

Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015.

Ông Tony Shale – Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Euromoney cho biết, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực châu Á. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được những cơ hội phát triển. Trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,28%.

Nhấn mạnh đến sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, ngoại hối tăng cao, đồng tiền Việt Nam có giá trị, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt, từng bước phát triển vững chắc. Dự kiến GDP của cả năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,53%. Đây là những mục tiêu mà Việt Nam sẽ đạt được. Dự kiến năm 2016, GDP sẽ đặt ra ở mức 6,7%.

Nhìn nhận về thị trường Việt Nam, ông Jonathan Choi, Chủ tịch tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital cho biết, cơ hội các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. “Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ và có quan hệ tốt với các nước lân cận trong khu vực…  Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế thị trường, đảm bảo chính sách nhất quán. Đó sẽ là những tiền đề để cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn tại Việt Nam”, ông Jonathan Choi nhấn mạnh.

Doanh nghiệp FDI tốt, nhưng tỷ trọng quá lớn

Nhận định những cơ hội do FTA mang lại, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, đây là quyết định rất đúng đắn, mở ra cho Việt Nam cơ hội mang tính lịch sử, cân bằng mối quan hệ để phát triển. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cần phải được dẫn dắt bởi những Tập đoàn của Việt Nam thì kinh tế Việt Nam mới tự chủ trước mắt và lâu dài. Đối với những DN FDI, tốt cho nền kinh tế nhưng hiện nay, tỷ trọng quá lớn. Do đó, có thể làm mất đi cơ hội phát triển của DN Việt Nam.  

“Cộng đồng DN Việt Nam rất trăn trở. Trong khối ASEAN, Việt Nam là thị trường nội địa của khu vực, hiện nay, DN Việt Nam vừa nhỏ vừa yếu nên mong được hỗ trợ của Chính phủ”, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen kiến nghị.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, trước đây, hầu như các nước và Việt Nam đều dựa vào nguồn vốn ODA để phát triển. Tuy nhiên, tới đây, Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn mới, đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả hơn.

Giám đốc quốc gia, Cơ quan thường trú tại Việt Nam, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đồng ý là Việt Nam có nhiều cơ hội khi hội nhập quốc tế nhưng có nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông Eric Sidgwick cảm nhận, các DN FDI chuẩn bị sẵn sàng hơn để xử lý thách thức. Gia nhập thị trường quốc tế, sẽ mang cơ hội cho các DN. Tuy nhiên, các DN FDI đã đi trước trong cuộc chơi này, có tri thức, hiểu biết các điểm khác nhau trong khu vực, còn các DN của Việt Nam chưa được như vậy.

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập quốc tế. Ảnh GG.

Ông Jonathan Choi thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ tiếp cận đến khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời, cần lưu tâm tới vai trò của họ. Nhấn mạnh đến những giải pháp về tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đi theo nền kinh tế thị trường; Việt Nam sẽ hội nhập mạnh hơn vào kinh tế quốc tế. 

Trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, không nước nào không hội nhập, chỉ là sớm hay muộn, nên Việt Nam chấp nhận hội nhập sâu rộng nên kỳ vọng nhiều ở FTA. Khi Việt Nam tham gia vào các cam kết quốc tế, Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi với thế giới và Việt Nam có 2 điều cần phải làm là phải sửa đổi lại thể chế kinh tế, hệ thống luật pháp để tương thích với các cam kết, quan trọng, phù hợp với bạn bè quốc tế, đúng theo kinh tế thị trường. 

Bên cạnh đó, khi tham gia hội nhập quốc tế, các DN trong nước phải chấp nhận cạnh tranh, nếu DN không nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ thất bại. Không những thế, Việt Nam phải đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, sức ép cho DN Việt Nam.

Tuy nhiên, khi nhận thức được, chúng ta phải chuẩn bị kỹ, từ Chính phủ tới DN, nếu không chuẩn bị tốt thì lợi ích sẽ không được như kỳ vọng mà ngược lại, phải đối mặt thách thức. Nếu không đảm bảo được thì Việt Nam sẽ mất thị trường ngay trên sân nhà. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn, nếu DN trong nước không vượt qua được thì TPP sẽ là con dao 2 lưỡi, mất thị trường trong nước và không cạnh tranh được thì thậm chí còn tụt xuống. Giờ Việt Nam đang nói nhiều lợi thế, các DN cần chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị lợi thế để cạnh tranh được.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh các DN nước ngoài, nhất quán thực hiện chính sách mở cửa, tạo điều kiện tốt nhất để DN đầu tư, làm ăn lâu dài. Việt Nam quyết tâm cải cách thể chế kinh tế, bảo đảm vận hành theo quy luật thị trường để hội nhập thành công vào đời sống kinh tế thế giới. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung cải cách môi trường đầu tư-kinh doanh theo hướng thông thoáng, phù hợp thông lệ quốc tế trên cơ sở minh bạch, bình đẳng đối với DN nói chung. Tất cả nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động, cạnh tranh lành mạnh cũng như kết nối thành công với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng sẵn sàng đối thoại, chia sẻ cơ hội và hợp tác với đối tác quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tái đầu tư công, cổ phần hóa DN nhà nước để thu hút nguồn lực, trong đó có cả việc tiếp nhận DN nước ngoài mua cổ phần, tiến tới nới tăng tỷ lệ sở hữu DN đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng cho biết, mặc dù gặp khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong 5 năm qua và có thể đạt mức 6,5% trong năm nay. Việt Nam sẽ công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa hình thức đầu tư, trong đó ưu tiên hình thức hợp tác công-tư với DN tư nhân, chủ yếu thông qua dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, xử lý chất thải, năng lượng, cấp nước…

“Với nỗ lực của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, chúng tôi luôn hoan nghênh các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng nói.

Lưu Hiệp
.
.
.