Chống “thay tên đổi họ” cá tầm

Thứ Tư, 31/07/2013, 17:35
Không chỉ với gà lậu, cá tầm nhập lậu cũng được các đối tượng thay đổi nguồn gốc xuất xứ bằng cách “đổ” vào một số cơ sở nuôi trong nước để hợp thức hóa. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Môi trường (CS Môi trường) đã chỉ ra, 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng 70 tấn cá tầm, vượt quá “sức” sản xuất trong nước nhiều lần.

Trước tháng 4 năm nay, trung bình mỗi ngày có 5 - 7 tấn cá tầm nhập lậu có mặt tại thị trường Hà Nội.

Cá tầm ở chợ, đặc biệt là chợ đầu mối Yên Sở, Hà Nội đa số có nguồn gốc nhập lậu. Vậy, với cá tầm nằm trong tủ kính ở siêu thị, trung tâm thương mại thì sao? Khi lực lượng chức năng kiểm tra, Metro trưng ra hồ sơ cho thấy, cá bán ở siêu thị được nhập từ nhà sản xuất trong nước.

Báo CAND từng thông tin, sau khi Metro cung cấp giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc, Quản lý thị trường Hà Nội đã truy nguyên từ nhà sản xuất. Điều bất ngờ là nhà sản xuất này phủ nhận việc cung cấp cá tầm cho Metro trong thời điểm mà cơ quan chức năng kiểm tra. Đến lúc này, người tiêu dùng thực sự hoang mang.

Là người trực tiếp tham gia, thực hiện kế hoạch kiểm tra trên tuyến của Cục CS Môi trường, từng kinh qua những trận “đánh” gia cầm nhập lậu, Đại tá Phạm Văn Bình, Trưởng phòng 6, CS Môi trường cho chúng tôi biết, với lượng cá tầm rất lớn tiêu thụ trên thị trường, sản xuất trong nước không thể cung ứng đủ. Ngoài ra, còn phải kể đến thực tế là có sự chênh lệch về giá rất lớn giữa cá tầm nuôi trong nước và cá nhập lậu. Tại đường biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, cá tầm nhập lậu chỉ có giá 70.000đ/kg. Khi về các chợ đầu mối trong nội địa, được đẩy lên 130.000 – 150.000đ/kg. Còn khi bán lẻ tại các chợ, cá tầm có giá khoảng 200.000đ/kg. Với giá bán này, cá tầm nuôi trong nước khó mà cạnh tranh nổi.

Đại tá Phạm Văn Bình cho biết, có 4 tuyến vận chuyển thủy, hải sản nhập lậu: Quảng Ninh – Hải Dương – Bắc Ninh – Hưng Yên – Hà Nội; Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội; Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội;  Lào Cai – Yên Bái – Tuyên Quang – Phú Thọ - Vĩnh Yên – Hà Nội. Mặc dù vận chuyển từ các tuyến khác nhau nhưng cá tầm nhập lậu đều tập kết đến Hà Nội bởi đây là thị trường tiêu thụ lớn.

Làm thế nào để cá tầm nhập lậu khi vào nội địa không có “cơ hội” để hô biến thành cá tầm nuôi trong nước? Để làm được điều này, cơ quan quản lý ở cấp địa phương (nơi có cơ sở nuôi cá tầm) phải kiểm soát lượng cá tầm giống khi được nhập về nuôi trên địa bàn; thời gian nuôi; diện tích nuôi. Nếu theo dõi tốt việc này, chủ cơ sở khi cố tình khai gian số lượng cá thương phẩm để xuất bán sẽ bị phát hiện. Đến khi đó, cơ hội “hô biến” cá tầm nhập lậu thành cá tầm Việt Nam và để chúng có cơ hội vào siêu thị, trung tâm thương mại lớn là không thể.

Nếu các địa phương làm tốt việc này, cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp cao hơn không chỉ nắm vững việc chăn nuôi, sản xuất loại thủy sản này trong nước mà còn ngăn chặn được tiêu cực trong việc cấp giấy tờ nhằm hợp thức hóa cá tầm nhập lậu cho kẻ gian

Cao Hồng
.
.
.