Chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam: “Hàng rào người” không phải là giải pháp

Thứ Hai, 30/06/2014, 11:04
Với sự giúp đỡ của ông Đỗ Thanh Hòa - Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, Ban Quản lý cửa khẩu Mộc Bài và sự dẫn đường của một người Campuchia chính gốc, chúng tôi đã tiếp cận được khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài, nơi hàng lậu tập trung trước khi quay trở lại Việt Nam.

Biên giới Tây Nam với địa hình bằng phẳng và đường biên dài vốn là điểm “nóng” hàng đầu cả nước về buôn lậu, phổ biến là các mặt hàng bia, rượu, thuốc lá ngoại, xăng dầu, đường... Nhiều năm qua, lực lượng chức năng đã căng sức đối phó với tình trạng này, nhưng vẫn chưa tìm được liều thuốc đặc trị.

Trao đổi với PV dọc đường ra biên giới, ông Đỗ Thanh Hòa cho biết: Tây Ninh có đường biên giới dài đến 240km, địa hình thuận lợi, bằng phẳng, là một trong những tỉnh biên giới Tây Nam trọng điểm về buôn lậu. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, bia, rượu ngoại. Trong năm 2014, tình hình nhập lậu các mặt hàng này diễn biến phức tạp, chủ yếu ở khu vực 2 bên cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài. Một trong những nguyên nhân của tình trạng phức tạp này được cho rằng: “Do chúng ta thấy mà không chịu quản lý, mình làm mình khổ”.

Thời điểm trước ngày 15/1 năm nay, các DN kinh doanh trong khu thương mại công nghiệp Mộc Bài được bán mặt hàng bia, rượu ngoại miễn thuế theo định suất. Điều này đã làm nảy sinh tình trạng mua gom, vờ xuất sang Campuchia để hưởng thuế suất bằng 0, nhưng sau đó lại lập tức quay ngược trở lại về Việt Nam, chủ yếu là vào TP Hồ Chí Minh chỉ cách đó chừng 3h đi ôtô. Cách thứ nhất là đầu nậu mua gom của người Việt Nam rồi tập trung vận chuyển vào nội địa. Cách thứ 2 là tổ chức cho người dân Campuchia mua rượu bia đưa qua biên giới, rồi tổ chức nhập lậu ngược lại vào Việt Nam.

Sở Công thương Tây Ninh cho biết: Hai bên cánh gà cửa khẩu Mộc Bài bên kia biên giới Campuchia có rất nhiều kho chứa hàng, chủ yếu là bia rượu ngoại, do các DN tại TP Hồ Chí Minh và DN trong khu thương mại cửa khẩu Mộc Bài lập ra chứa hàng làm thủ tục hải quan để xuất, nhưng thực ra không xuất.

“Lực lượng chức năng địa phương rất đau đầu với phương thức này. Biết là họ làm bậy đấy mà đối phó rất khó khăn. Sau khi làm thủ tục, lực lượng Hải quan chỉ có trách nhiệm áp tải hàng ra kho ngoại quan, nhưng từ đó hàng có đi Campuchia không thì mình không kiểm soát được. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, chúng ta phải yêu cầu DN xuất trình giấy tờ chứng minh đã mở tờ khai xuất hàng sang Campuchia thì mới tiếp tục được làm thủ tục xuất khẩu những đợt sau, nhưng chưa thực hiện được” – ông Đỗ Thanh Hòa bày tỏ.

Xe xếp hàng qua cửa khẩu. Ảnh minh họa.

Thực chất, đa số hàng này lại trốn thuế, quay trở lại phá hoại thị trường nội địa. Đặc biệt, mối lo càng trở nên lớn hơn, khi chúng ta đang rục rịch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu và thuốc lá. Điều này đã biến những mặt hàng trên trở thành “miếng mồi” ngon hơn cho các đầu nậu.

Được biết, sau khi Thủ tướng có Quyết định 72 về việc thu thuế đối với mặt hàng bia rượu kể từ ngày 15/1, hoạt động buôn bán mặt hàng này ở Mộc Bài đã hoàn toàn chấm dứt (theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh, nếu doanh thu bia rượu tháng 12/2013 vẫn là hơn 23,5 tỷ đồng, tháng 1/2014 là gần 22 tỷ đồng thì sang đến tháng 2 đã không còn đồng nào). Tuy nhiên, buôn lậu không vì thế mà đã chấm dứt, mà chỉ thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, địa điểm này sang địa điểm khác.

Khác với biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình hiểm trở, hàng lậu chỉ có thể đi ở những đường mòn, lối mở nhất định, biên giới Tây Nam địa hình bằng phẳng, chỗ nào cũng có thể băng qua dễ dàng, có nơi bơi từ bên này sang bên kia sông đã là sang bên kia biên giới, nên hoạt động chống buôn lậu trở nên rất nan giải. “Đặc biệt khi chúng ta chưa giải quyết được bài toán đời sống của người dân. Để mưu sinh, hàng ngàn người dân địa phương sẵn sàng trở thành đội quân vận chuyển cho đầu nậu, giăng sức ra bao nhiêu cũng không xuể”.

Trao đổi với PV, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho rằng: Buôn lậu xuất hiện khi có chênh lệch lớn về thuế, chừng nào còn có lợi nhuận, chừng đó vẫn còn buôn lậu. Hiện nay, khi hàng rào thuế quan còn cao, buôn lậu vô cùng nhức nhối, nhưng vài năm tới, khi hàng rào thuế quan hạ xuống, quốc nạn sẽ là hàng giả. Các loại  hàng kém chất lượng sẽ đổ vào thị trường Việt Nam vì chúng ta là “vùng trũng” cả về hệ thống pháp luật, dân trí.

GS Phan Đăng Tuất, người đã có nhiều năm giảng dạy về kinh tế và đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng đã đến lúc phải tiếp cận với việc chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại bằng cách mới, thay vì “hàng rào người” như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm. “Hàng rào công cụ chống buôn lậu tốt nhất là hàng rào thuế, phải bằng các chủ trương và các giải pháp kinh tế, không tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng chứ không phải là tăng hàng rào người căng ra. Anh có thể bố trí mỗi mét biên giới một người chốt chặn 24/24h không? Chống buôn lậu bằng phương pháp hành chính là cách chống kém hiệu quả nhất và tốn kém nhất”.

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Tây Ninh cho biết: Về kết quả chống buôn lậu bia, rượu, nước giải khát, 5 tháng đầu năm nay đã kiểm tra xử lý 26 vụ, tịch thu 1.558 chai rượu ngoại, 7.260 lon bia các loại. Năm 2013 đã kiểm tra xử lý 64 vụ, tịch thu 1.434 chai rượu và 17.589 lon (chai) bia các loại. Năm 2012, đã kiểm tra xử lý 155 vụ, tịch thu 1.710 chai rượu và 58.503 lon (chai) bia. Báo cáo của lực lượng Biên phòng tỉnh cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã xác lập một chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, bắt giữ 3 đối tượng, thu giữ gần 10kg ma túy và 12kg chất bột và hóa chất để pha chế, sản xuất heroin. BĐBP Tây Ninh cũng phát hiện, xử lý 65 vụ/11 đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thu giữ 63.455 gói thuốc lá ngoại; 4.400kg mủ cao su, 272 chai rượu ngoại...

V.Hân
.
.
.