Chợ tiền tỷ… bỏ hoang

Thứ Sáu, 17/10/2014, 13:41
Một nghịch lý dễ thấy ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện nay là nhiều công trình chợ được đầu tư hàng tỷ đồng không hoạt động. Trong khi đó, tại một số vùng nông thôn, người dân có nhu cầu mua bán nhưng chờ mãi mà chưa xây chợ…

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng hàng chục chợ, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đã có nhiều chợ mới to đẹp nhưng hoạt động không có hiệu quả, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là một trong 22 xã điểm nông thôn mới (NTM) của tỉnh Sóc Trăng. Ông Võ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã chưa có nhà văn hóa, còn chợ nông thôn đã có nhưng bất cập.

Cụ thể, chợ xã được thi công năm 2012 với kinh phí hàng chục tỷ đồng, trong đó riêng tiền bồi thường thu hồi đất trên 10 tỉ đồng. Hiện nay, chợ xã NTM Long Hưng đã hoàn thiện hạ tầng, như đường sá, cống, điện, nước, nhà lồng chợ đã xây dựng xong nhưng chủ yếu bỏ trống, chỉ có một số hộ thuê kinh doanh nhưng rất ít khách. Riêng toàn bộ khu đất dự kiến xây dựng khu nhà ở thương mại thì vẫn đang bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Theo người dân ở địa phương, từ trước đến nay, chợ họp phía bên kia sông đã từ lâu đời, hình thành khu dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất nên khi chính quyền cho xây dựng chợ mới xong, dù chợ to hơn, rộng hơn nhưng ít ai vào buôn bán bởi không thuận lợi.

Chợ xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) lèo tèo vài người buôn bán.

Cũng tại huyện Mỹ Tú có chợ xã Mỹ Thuận được đầu tư kinh phí 495 triệu đồng, xây dựng xong nhiều năm nay bỏ trống, chợ xã Thuận Hưng với kinh phí 350 triệu đồng nhưng nay cũng chỉ có lèo tèo mấy hộ vừa ở vừa mua bán. Ngoài ra, ở huyện Mỹ Xuyên có chợ xã Viên Bình xây dựng với số tiền trên 300 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, nay chỉ có vài ba hộ vào buôn bán; một khu nhà lồng ở chợ Mỹ Xuyên xây dựng hàng trăm triệu đồng từ nhiều năm nay nhưng cũng không có một người nào mua bán, nay thành quán cà phê hoặc nơi để xe, chứa đồ của người dân. Còn huyện Châu Thành có chợ xã An Hiệp, chợ Bưng Tróp A được xây dựng năm 2007, với số tiền trên 1 tỉ đồng, bây giờ là chỗ phơi chứa lúa, củi hay các nông sản khác của người dân. Tại TP Sóc Trăng, chợ phường 8 được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 600 triệu đồng, đưa vào hoạt động từ tháng 2-2014 nhưng cho đến nay vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm. Theo bà con ở địa phương, dân cư ở khu vực này không đông, chợ hình thành nhưng hàng hóa không phong phú, hơn nữa, từ phường 8 ra trung tâm TP Sóc Trăng không xa nên bà con thường ra trung tâm mua sắm hơn là đến chợ phường.

Ngoài chợ phường 8, trên địa bàn TP Sóc Trăng hiện nay còn rất nhiều chợ vắng khách như: chợ Nhâm Lăng phường 5 được đầu tư với số tiền 675 triệu đồng, xây dựng xong nhà lồng chợ bỏ trống từ nhiều năm nay khiến cho chợ xuống cấp trầm trọng, xung quanh cỏ dại mọc đầy. Ở phường 4 có chợ Sung Đinh được đầu tư xây dựng với số tiền trên 2 tỉ đồng, hay chợ Khánh Hùng (phường 2) xây dựng với số tiền trên 1,3 tỉ đồng hiện nay nhiều ki-ốt cửa đóng im ỉm, khu nhà lồng bỏ trống. Cả 2 chợ này gần như không hoạt động và đang xuống cấp trầm trọng…

Theo BQL chợ TP Vị Thanh, chợ phường 7 mở rộng có 48 lô, sạp, kinh phí đầu tư xây dựng trên 2,6 tỉ đồng, đưa vào hoạt động năm 2012 và được tiểu thương đăng ký đóng tiền xong (thời hạn 11 năm). Thế nhưng, sau vài tháng, cảnh đìu hiu, vắng khách luôn tái diễn chưa có hướng khắc phục.

Cũng trên địa bàn TP Vị Thanh (Hậu Giang), cách phường 7 chưa đầy 10km, chợ Tư Sáng (xã Tân Tiến) từ khi xây xong đến nay cũng trong tình trạng vắng như chùa Bà Đanh. Đây là công trình thuộc tiêu chí số 7 giúp Tân Tiến đạt danh hiệu xã NTM vào tháng 4/2014. Tọa lạc bên bờ kênh Nước Trong, có thể nói, chợ được quy hoạch vị trí “đắc địa”, thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán. Thế nhưng, chợ xây xong trở thành nơi phơi lục bình cho người dân. Bà Nguyễn Thị Tuyết, người dân sống gần chợ, cho biết: “Lúc mới mở, các tiểu thương ai cũng vui vẻ, hồ hởi vì được ngồi bán ở một nơi sạch sẽ, cao ráo, rộng rãi. Hy vọng khi vào chợ buôn bán sẽ đắt hàng hơn, nhưng nó tắt lịm ngay sau 1 tháng vào chợ mới”. Hiện, chợ chỉ mới xây phần nhà lồng chính, lối vào chỉ có một đường nhỏ, phía trước cống rãnh còn nhiều đã hình thành một khu chợ biệt lập. Dưới mé sông chưa được đầu tư, người dân vẫn còn mua bán tự phát.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, xây dựng chợ là điều cần thiết, nhưng một số nơi còn mang tính chủ quan, nóng vội. Để hệ thống chợ phát huy hiệu quả và thực sự là nơi giao thương mua bán của người dân, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, chính quyền địa phương cần xây dựng chợ theo quy hoạch, phải thực sự xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với phong tục, tập quán của người dân tại địa phương đó. Nếu bỏ qua 3 nguyên tắc này thì chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn, hoặc sẽ mai một dần…

Văn Đức
.
.
.