Chợ Mơ không còn là giấc mơ của tiểu thương

Thứ Ba, 21/07/2015, 08:50
Cũng giống như hàng loạt khu chợ khác ở Hà Nội, sau khi được cải tạo, nâng cấp và chuyển đổi thành trung tâm thương mại, hoạt động của chợ Mơ cũng èo uột, cầm chừng vì không thu hút được các hộ kinh doanh quay trở lại. Không những thế, các tiểu thương hiện buôn bán trong khu chợ này đang rơi vào cảnh khổ sở, không yên tâm bán hàng vì những điều kiện khắc nghiệt.

Dự án cải tạo chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) là một trong số những dự án xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, cải tạo, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đô thị được UBND TP Hà Nội kêu gọi đầu tư. 

Được đánh giá là có nhiều lợi thế vì chợ Mơ nằm ngay trục giao thông kinh doanh chính truyền thống của Hà Nội là Bạch Mai - Phố Huế - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Ngang - Hàng Đào. Chợ Mơ chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 3km và nằm ở góc phố Bạch Mai tiếp giáp với phố Minh Khai với hai mặt tiền thoáng rộng. 

Chính vì thế, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex đã bỏ ra 1.500 tỷ đồng để xây dựng địa chỉ này thành một phức hợp vừa nhà ở, văn phòng kết hợp chợ truyền thống.

Và có lẽ, với không ít sự kỳ vọng của chính người dân và các hộ kinh doanh, cũng như của chính chủ đầu tư dự án, hầu như dự án thực hiện từ khâu thỏa thuận, xây dựng đều suôn sẻ, không xảy ra phản đối từ phía tiểu thương như ở nhiều chợ khác. 

Khi dự án hoàn thành tháng 10/2004, nhiều hộ kinh doanh cũng đã quay trở lại khu chợ để buôn bán, chợ phiên được tổ chức phía trong khuôn viên tổ hợp cũng đã nhộn nhịp trở lại. Nhưng chỉ sau gần một năm, chợ Mơ đã vơi phần lớn cả người mua lẫn người bán. Vì sao nên nỗi?

Cảnh hiu hắt ở chợ Mơ.

Chúng tôi tìm đến chợ Mơ vào ngày cuối tuần. Thông thường, ngày nghỉ là thời điểm thích hợp nhất để người dân đi mua sắm, nhu cầu giao thương những ngày này phải hơn hẳn ngày thường. Nhưng đã hơn 9h sáng, chợ gần như không có một người khách nào ngoài chúng tôi. Nhiều quầy kinh doanh vẫn đang khóa kín, phủ bạt vì người bán chưa đến mở hàng. Muốn xuống chợ, thật ra là xuống tầng hầm, khách phải đi hàng chục bậc cầu thang hun hút. Cảm giác ngột ngạt, bức bí dần rõ rệt khiến người mua chỉ muốn quay lên, không còn tâm trạng để khám phá, hay xem hàng hóa… 

Bên cạnh những gian hàng còn đóng kín là rất nhiều biển hiệu rao cho thuê quầy hàng. Một không khí buồn tẻ bao trùm cả khu chợ. Phần lớn những hàng trống vắng là hàng bán thực phẩm tươi sống. Cả một dãy chợ dài rộng mà chỉ lèo tèo 2 hàng thịt, 1 hàng cá, 1 hàng rau… trong khi chúng tôi đếm, số ô quầy dành cho các hộ kinh doanh thực phẩm có thể lên tới cả trăm hộ.

Chủ yếu các hộ còn duy trì buôn bán là đồ khô, quần áo, giày dép, bánh kẹo… Trao đổi với chúng tôi, chị Trang, chủ quầy bán nguyên liệu làm bánh cho biết, chợ rất vắng, buổi trưa từ 11h đến 2h chiều, có thể thoải mái kê giường xếp ra ngoài lối đi để ngủ vì chợ hầu như không có một ai lai vãng trừ những người bán hàng với nhau. 

Quạt thông  gió, thứ duy nhất cứu cánh cho không khí của khu chợ thì hầu như không hoạt động hoặc thi thoảng được bật một lúc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bí bức, khó thở khi đặt chân xuống khu chợ này. 

Nhiều tiểu thương đã có ý kiến với Ban Quản lý chợ và câu trả lời họ nhận được là do có quá ít hộ kinh doanh nên tiền dành cho chi phí quạt thông hơi, thông gió không còn đủ, buộc phải cắt phần lớn. Chị Trang cho biết, trước khi cải tạo chợ, các tiểu thương được chủ đầu tư hứa sẽ bố trí chợ tại tầng bán hầm. Nhưng khi hoàn thành, chị và các hộ khác lại bị đẩy lùi tít xuống tầng hầm, dưới độ sâu 28 bậc cầu thang. 

Một chị bán quần áo góp chuyện: “Nhân viên của tôi ngất xỉu mấy lần vì thiếu ôxy. Không hiểu họ nghĩ gì khi bịt các quạt thông gió lại, trong khi các khoản thu phí hàng tháng chúng tôi đều đóng đầy đủ”. 

Không có quạt thông gió, điện các quầy được tính giá điện kinh doanh 3.600 đồng/số điện, nên có những người bán hàng như bác bán bún không dám bật quạt máy, chỉ dám dùng quạt nan phe phẩy: “Chợ cũ bán mỗi ngày vài chục kg bún, chợ mới tưởng thế nào, sáng giờ mới được 2kg, cô bảo dùng quạt điện thì còn gì lờ lãi nữa”, bác bộc bạch.

Khổ nhất là hàng tươi sống, cả khu chợ có một hàng cá, cống lại bị tắc, nước dềnh lên tanh và lép nhép, ngay chính người bán còn không chịu nổi. Nhưng khi phản ánh lên Ban quản lý chợ để yêu cầu sửa thì các hộ lại được yêu cầu muốn sửa tự đóng tiền thuê thợ sửa, Ban quản lý chợ không có tiền để sửa. “Họ còn bảo nếu không chịu được thì có thể ra khỏi chợ, không bán nữa”. Kinh doanh ế ẩm, khó khăn, nhưng một số hộ cũng đã cố gắng tự đóng góp mỗi hộ gần 1 triệu đồng để sửa cống. Nhưng chỉ được vài tháng, cống khu khác lại tắc, tình trạng lại y như cũ.

Khi chúng tôi hỏi tại sao cư dân sinh sống ngay tại các căn hộ chung cư bên trên không vào chợ mua đồ sinh hoạt hàng ngày, nhiều tiểu thương ngán ngẩm, không phải lý do giá cả mà họ ngại. Tâm lý của khách vẫn thích chợ cóc, tiện đâu mua đấy và chả ai thích chui xuống hầm chỉ để mua mớ rau, vài lạng thịt trong khi hàng rong và chợ cóc vẫn mọc lên xung quanh đầy rẫy. 

Hầu như các tiểu thương khi chúng tôi hỏi đều mong muốn chính quyền phường sở tại phải dẹp hết chợ cóc, chợ tạm thì mới có cơ hội vực lại chợ Mơ. Một lý do nữa khiến chợ Mơ vắng là do quá trình triển khai khu trung tâm thương mại này kéo dài đến 7 năm, trong thời gian ấy, cả người bán và người mua đã dần hình thành “nếp” bán – mua nơi chợ cóc, chợ tạm. Và thực tế cho thấy, kinh doanh tại các chợ cóc dù không sạch đẹp nhưng lại hiệu quả gấp nhiều lần chợ Mơ hiện đại, hoành tráng. 

Trở lại câu chuyện gây bức xúc nhất là hành động bịt quạt thông gió, một số tiểu thương không muốn nêu tên đã tỏ ý nghi ngờ: “Phải chăng “họ” định để chúng tôi không chịu nổi và tự ý rời chợ để chuyển đổi mục đích sử dụng. Nói gì thì nói, đây cũng là đất vàng”.

Chi Linh
.
.
.