Siết chặt quản lý thị trường vàng thời gian tới: Nhiều hệ lụy được báo trước

Chính sách hạn chế "vàng hóa" nền kinh tế

Thứ Ba, 01/01/2013, 11:03
Chỉ còn hơn chục ngày nữa (10/1/2013), kinh doanh vàng miếng sẽ chính thức đi vào khuôn khổ. Có 2 thay đổi lớn: một là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu (từ ngày 25/5/2012); hai là người dân và doanh nghiệp (DN) muốn giao dịch, mua bán vàng miếng cũng chỉ thực hiện tại những điểm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép với những điều kiện khá ngặt nghèo.

Nhìn lại một năm thị trường vàng đầy biến động, Báo CAND sẽ khái quát và đưa ra cái nhìn hệ thống về thị trường vàng và dự báo về những hệ lụy có thể xảy ra để các cơ quan chức năng cân nhắc trước khi thực hiện chủ trương mới.

Ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định 24 được ban hành nhằm khắc phục bất cập của các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Nghị định 24 khẳng định rõ nguyên tắc "Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật", đồng thời chuyển hoạt động sản xuất vàng miếng thành hoạt động độc quyền Nhà nước và giao cho NHNN tổ chức thực hiện. Các giấy phép sản xuất vàng miếng NHNN đã cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD), DN kinh doanh vàng trước đây hết hiệu lực.

Nhiều "kỷ lục lạ" trên thị trường vàng 

Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 25/5/2012. NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn cho phép các đơn vị kinh doanh vàng đăng ký chuyển đổi trong vòng 6 tháng, tính từ ngày 10/7/2012. Như vậy, bắt đầu từ ngày 10/1/2013, việc mua, bán vàng miếng sẽ chính thức bị thu hẹp.

Có thể nói, trong năm 2012, thị trường vàng đã liên tục xáo trộn bởi những kỷ lục chỉ riêng có ở Việt Nam. Đầu tiên là thị trường vàng tự chia làm 2 loại: vàng SJC và vàng "phi SJC". Tiếp theo, giá vàng phụ thuộc vào thương hiệu, không phụ thuộc tuổi vàng; giá vàng phụ thuộc vào loại sản phẩm, vàng trang sức hay vàng miếng, dù cùng bốn số 9. Thương hiệu vàng độc quyền SJC liên tục lập kỷ lục cao hơn giá thế giới, mức cao nhất tới 5 triệu đồng/lượng (và con số này chưa hẳn đã dừng lại).

Rồi lần đầu tiên, tại thị trường Việt Nam, vàng trở thành hàng hóa kém thanh khoản, khi người dân bị các cửa hàng từ chối mua vào, hoặc bị ép giá vì những lý do rất vô lý, không liên quan đến chất lượng sản phẩm. Đấy là chưa kể, vàng nhái, vàng giả xuất hiện khiến không chỉ người dân, DN, mà ngay cả các TCTD cũng bị ảnh hưởng về cả kinh tế cũng như uy tín. Trong khi đó, SJC độc quyền kiểm định và độc quyền "phán" tuổi vàng, cũng như chất lượng vàng của toàn thị trường.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố rằng mục tiêu của NHNN là đưa mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về mức 400.000 đồng/lượng, và với mốc chênh lệch 400.000 đồng/lượng làm chuẩn, thì cứ cao hơn mốc này là có sự làm giá của giới đầu cơ. Thế nhưng mức chênh lệch này không những không giảm mà liên tục tăng cao, thời gian sau cao vọt hơn thời gian trước.

Từ ngày 10/1/2013, người dân chỉ được mua vàng miếng tại những điểm mà NHNN cấp phép. Ảnh: Lệ Thúy.

Một vấn đề nữa là trong khi thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt với giá thế giới như vậy, nhưng hiếm thấy động thái gì từ việc giảm hay tăng vàng từ kho dự trữ ngoại hối Nhà nước để can thiệp, mà chỉ thấy động thái tăng cường chương trình "SJC hóa" - tăng cường dập lại và dập mới các loại vàng "phi SJC"  thành vàng miếng SJC.

Vàng không còn là phương tiện thanh toán

Với đặc tính riêng biệt của mình, từ bao đời nay, vàng vẫn luôn giữ vai trò là vật lưu giữ giá trị. Không chỉ cá nhân, các DN mà ngay cả Ngân hàng Trung ương các nước cũng coi vàng là một phần quan trọng trong tài sản của họ. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động cả về kinh tế, chính trị và xã hội, không chỉ người dân Việt Nam, mà cả các quốc gia khác trên thế giới đều đang coi vàng là một công cụ bảo đảm tài sản của họ.

Đặc biệt, tại Việt Nam và các nước phương Đông khác, xuất phát từ truyền thống văn hóa, nhu cầu kinh doanh vàng còn trở thành tâm lý và thói quen của người dân. Chính vì vậy, ngay cả khi lãi suất huy động vàng ở mức rất thấp, hoặc ngừng huy động, người dân vẫn sẵn sàng xếp hàng mua vàng.

Chuyên gia kinh tế, Vũ Đình Ánh cũng khẳng định tại Việt Nam, vàng và thị trường vàng đã, đang và sẽ tồn tại như một tất yếu khách quan bất chấp được công nhận hay không được công nhận, được quản lý hay không được quản lý. Do tác động của các điều kiện kinh tế xã hội nên việc tích trữ, trao đổi, mua bán vàng luôn tồn tại phổ biến trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam và kết quả là nước ta đến nay ước tính có khoảng một nghìn tấn vàng, chỉ tính riêng số vàng miếng mà SJC cung cấp ra thị trường đã lên đến trên 20 triệu lượng.

"Trước hết, vàng đóng vai trò phương tiện cất trữ nhằm mục đích bảo toàn giá trị tài sản trước những biến động kinh tế, tài chính - tiền tệ. Thứ 2, vàng trở thành phương tiện thanh toán, đặc biệt là đối với những giao dịch tài sản có giá trị lớn, khi các phương tiện thanh toán khác tỏ ra không đáng tin cậy. Cuối cùng, trong trường hợp các thước đo giá trị khác biến động quá lớn thì vàng đóng nốt vai trò là thước đo giá trị.

Như vậy, vàng có đầy đủ chức năng cơ bản của tiền tệ, thậm chí là một loại tiền tệ đặc biệt. Với các ưu điểm không thể phủ nhận, vàng tiền tệ được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới", ông Ánh khẳng định.

Với vai trò như thế, rõ ràng, tích trữ vàng là một nhu cầu chính đáng của người dân, cấm người dân mua bán vàng là điều không thể, và hạn chế họ mua bán lại càng không thể. Đấy là chưa kể, mục đích huy động nguồn lực vàng trong dân để bổ sung vốn vào nền kinh tế là rất khó. Phía NHNN cho rằng các chính sách đưa ra là nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về vàng, mà đại diện là chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng khái niệm "vàng hóa" thường được sử dụng nhưng lại không đúng bản chất.

Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là "vàng hóa". Khái niệm này chỉ xuất hiện khi nào vàng trở thành một phương tiện thanh toán, định giá mua bán, trao đổi với các hàng hóa khác. Nhưng thực tế, từ 10 năm nay, vàng đã không còn vai trò này nữa, người dân chỉ mua bán vàng như là công cụ tiết kiệm. Nếu gọi việc tích trữ vàng là "vàng hóa" thì những nước nhập vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ đều rơi vào tính trạng "vàng hóa" cao độ.

"Chừng nào đồng Việt Nam vẫn chưa ổn định, người dân vẫn còn lo ngại về lạm phát thì không thể cấm được họ mua vàng. Đây cũng là quy luật chung của cả thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Bởi vậy, không thể lạm dụng khái niệm "vàng hóa" để bao biện cho việc sử dụng biện pháp hành chính trong quản lý bằng việc cấm", ông Long nhận định

Nguyễn Tuấn - Lệ Thúy
.
.
.