Chính phủ chỉ đạo xử lý phản ánh, kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội

Thứ Ba, 27/03/2018, 18:05
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản xử lý phản ánh, kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).

Theo đó, ngày 13-3-2018, Viettel có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến lô hàng thiết bị viễn thông của tập đoàn bị UBND tỉnh Ninh Bình xử lý vi phạm, tịch thu vì tại thời điểm kiểm tra không có hoá đơn, chứng từ liên quan.

Về việc này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Công an Ninh Bình xác minh, làm rõ nguồn gốc lô hàng thiết bị viễn thông của Viettel.

"Nếu lô hàng có nguồn gốc hợp pháp thì báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý lên Thủ tướng trước 1-5-2018"- Phó thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định 415 về vi phạm hành vi kinh doanh hàng hoá nghi nhập lậu của Viettel Telecom (Công ty thuộc Viettel).

Lô hàng nghi nhập lậu bao gồm 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter, 200 chiếc điện thoại di động Viettel V6216, 120 chiếc USB Wifi 4G và 10 bộ phát Wifi TP-Link W8151N.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 và Điểm k, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, công ty này bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ số hàng hoá nhập lậu.

Tuy nhiên, ngay sau đó phía Viettel đã lên tiếng khẳng định “lô hàng của Viettel Telecom không phải là hàng nhập lậu mà là hàng hoá không xuất trình được hoá đơn, chứng từ nhập khẩu đúng thời hạn theo quy định của Điều 3 Thông tư 64”, cụ thể là do chậm cung cấp phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

Việc các doanh nghiệp bị phạt tiền và tịch thu hàng hoá trong việc không cung cấp kịp thời hoá đơn, chứng từ là khá phổ biến. Không ít các doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ xem xét vì sự quá vô lý và bất cập của Thông tư 64 và đã có trường hợp giống hệt vụ việc của Viettel đã được Văn phòng chính phủ có Văn bản số 49 ngày 1-6-2017 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình theo hướng yêu cầu các cơ quan liên quan trả lại hàng hoá cho doanh nghiệp nếu hàng hoá đủ hoá đơn, chứng từ, nguồn gốc hợp pháp và yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu hướng dẫn việc thực hiện chế độ hoá đơn chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mặc dù chưa tiếp cận dưới góc độ phát hiện nội dung nói trên của Thông tư 64 là không phù hợp Nghị định 185, Văn phòng chính phủ đã có động thái yêu cầu các Bộ chức năng xem xét lại nội dung của Thông tư này nhưng từ 1-6-2017 đến nay các Bộ chức năng vẫn chưa rà soát, nghiên cứu thực hiện.

“Việc chậm chễ này đã làm cho các doanh nghiệp tiếp tục gánh chịu những hệ luỵ vô cùng lớn, đặc biệt là về uy tín thương hiệu khi bị “tai bay vạ gió” với kết luận “kinh doanh hàng nhập lậu” như Viettel trong vụ việc vừa qua” – Theo Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

An An
.
.
.