Chiêu thức mới của tội phạm mua bán hóa đơn

Thứ Năm, 21/08/2008, 12:51
Trước đây, việc lập DN ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát thì gần đây đã xuất hiện việc một đường dây tổ chức thành lập DN chuyên mua bán hóa đơn. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập DN ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các DN có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.

Sau thời gian có vẻ "án binh", gần đây, tội phạm buôn bán hoá đơn GTGT (VAT) có dấu hiệu "hồi phục" bằng những chiêu thức mới, chiếm đoạt tài sản trị giá rất lớn. Theo đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (C15), thủ đoạn mới đang được nhiều đối tượng lợi dụng là hợp thức hoá hàng hoá, dịch vụ đầu vào để tham nhũng và trốn thuế, nhiều vụ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục Cảnh sát, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ các địa phương thông qua công tác nghiệp vụ trinh sát, xác minh các dấu hiệu nghi vấn, từ đó điều tra, làm rõ nhiều vụ phạm pháp lớn. Một số vụ đang được C15 làm rõ như vụ cố ý làm trái, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành giấy tờ có giá giả xảy ra tại chi nhánh phía Nam, Công ty Vật tư vận tải và xây dựng (Bộ GTVT), đã khởi tố 4 bị can.

Tại TP Hồ Chí Minh, PC15 khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Thế Tân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II. Ông Tân cùng đồng bọn cố ý làm trái, buôn bán hoá đơn VAT trong thời gian dài, chiếm đoạt tài sản Nhà nước hơn 2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2003, Hoàng Thế Tân cùng Lê Tất Tuận đã ký hợp đồng giả với Công ty Kiến An, xuất khống hóa đơn VAT, trong đó ông Tân đại diện Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II đã ký 4 hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Phạm Quốc Vinh, nhận 14 hóa đơn VAT khống (giá thanh toán gần 300 triệu đồng).

Đáng chú ý, số tiền này được ông Tân và đồng bọn phê duyệt cho cấp dưới sử dụng để mua quà tết và tiếp khách! Hoàng Thế Tân và Lê Tất Tuận cũng cho phép các nhân viên hợp thức hóa các khoản chi sai nguyên tắc, trị giá gần 1,8 tỷ đồng. Một phần trong khoản này được hợp thức hóa thông qua việc mua hóa đơn VAT khống, kê thêm tiền vào hóa đơn VAT vận chuyển của một số công ty.

Những DN ảo buôn hóa đơn đỏ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh minh họa của dautuchungkhoan.com.

Tội phạm mua bán hóa đơn VAT bằng các thủ thuật "biến hoá" tờ hoá đơn thanh toán diễn biến vẫn khó lường, nhưng nguy hiểm và nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ảo, mục đích chỉ để mua, bán hóa đơn. 

Một kết quả thống kê cho thấy, hoạt động tội phạm này chủ yếu tập trung ở các địa phương có điều kiện phát triển như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang... Sau khi lập doanh nghiệp ảo, mua được hóa đơn, chúng lập tức đưa đến các quận, thành phố, tỉnh khác để lừa đảo, bán và thu lợi bất chính.

Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng.

Hiện nay tình hình mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính vẫn đang là vấn đề bức xúc trên phạm vi rộng. Nếu trước đây, việc lập doanh nghiệp ảo nhằm mua bán hóa đơn còn mang tính chất tự phát của một số cá nhân và hoạt động đơn lẻ thì gần đây đã xuất hiện việc thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn, thực hiện có sự câu kết của nhiều đối tượng ở nhiều địa phương. Trong số đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa đầu vào, hợp thức hóa hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.

Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hoá đầu vào cũng được lợi, bên mua bán hoá đơn cũng tiêu thụ được "hàng", giữa chúng câu kết bằng lợi nhuận phi pháp.

Chính thủ đoạn câu kết phức tạp này, việc phát hiện và xử lý các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Sau khi thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, mua được hóa đơn, bán và thực hiện xong hành vi, đối tượng tìm cách tiêu hủy tài liệu, tang vật rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Địa bàn hoạt động của đối tượng cũng biến ảo, nếu trước đây thường công khai thì nay lui vào lén lút, bí mật, trong đường dây lại có các mắt xích trung gian, mua bán theo kiểu trao tay, hẹn giao hóa đơn, tiền ở những địa điểm khác nên rất khó phát hiện. Việc giao dịch cũng đã có những thay đổi, mỗi lần giao dịch mua, bán chúng thường phân tán, chia nhỏ số lượng để tránh bị phát hiện hoặc nếu phát hiện chỉ là hành vi nhỏ lẻ. Đây là những vấn đề cần được cơ quan chức năng phân tích kỹ để có biện pháp đấu tranh hiệu quả

Đăng Trường
.
.
.