Thách thức của Việt Nam trong hội nhập Quốc tế:

“Chiếc bánh không chia đều cho tất cả mọi người”

Thứ Tư, 16/04/2014, 11:36
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được mệnh danh là “Hiệp định của thế kỷ 21” với mức hội nhập sâu rộng chưa từng thấy, ngày 15/4, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phối hợp với USAID tổ chức hội thảo Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Tại đây, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã một lần nữa nhìn lại tác động của việc hội nhập, cả mặt tích cực và tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam cho biết: Hiện hiệp định này vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa thể tiết lộ những điều khoản, nhưng TPP khác với tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã từng ký chính là ở mức độ hội nhập, sẽ là lộ trình ngắn nhất trong việc giảm tất cả các loại thuế nhập khẩu về 0%. Cùng với đó, đồng thời hội nhập sẽ không chỉ dừng lại ở thương mại hàng hóa, đầu tư như truyền thống mà còn ngành dịch vụ, mua sắm công…

Nói về tác động của việc hội nhập đến kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đình Lương – nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ cho rằng sẽ là rất tự nhiên nếu 3 diễn giả trong hội thảo (đều là các chuyên gia hàng đầu về thương mại và đàm phán quốc tế là ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên trưởng đoàn đàm phán WTO và ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn thương mại quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Việt Nam) có 3 ý kiến khác nhau về tác động của FTAs. Những cam kết sẽ tạo sức ép tinh thần và pháp lý để chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh vì đây là sân chơi của những nước có nền kinh tế cạnh tranh rất cao và rất mở như Mỹ, Nhật, Úc. Thứ hai, nó cũng tạo điều kiện và sức ép để Việt Nam xây dựng một đội ngũ DN mạnh. Chúng ta cần không phải Vinashin, Vinalines và các đại gia chênh lệch giá đất, mà cần thêm hàng trăm, hàng ngàn Viettel, FPT, Vinamilk… Đây cũng là sức ép để chúng ta xây dựng một nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật với một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Mỹ đang cố gắng quốc tế hóa hệ thống pháp luật Mỹ thông qua WTO trước đây và TPP hiện nay.

Ông Lương cho rằng, rồi đây Quốc hội Việt Nam sẽ rất đau đầu để luật hóa những khái niệm mới mà Hoa Kỳ đang gò vào TPP. Cạnh tranh quốc tế cũng đòi hỏi cần xây dựng một hệ thống tư pháp mạnh; hệ thống trọng tài mạnh; hệ thống hỗ trợ tư pháp mạnh, bởi từ ngày hội nhập đến nay, tất cả các vụ kiện quốc tế chúng ta đều phải thuê tư vấn nước ngoài, “có lẽ phải nhiều thế hệ nữa người Việt Nam mới có thể tư vấn cho người Việt Nam trong các vụ kiện quốc tế”.

“Chiếc bánh không chia đều cho những ai trên bàn. Anh nào giỏi sẽ được phần hơn. Việt Nam không thể đứng mãi ở vị trí áp chót trong chuỗi giá trị… chủ yếu đạp máy khâu, cầm mỏ hàn”.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại WTO cho rằng, thực hiện xong các cam kết TPP chúng ta sẽ được công nhận là nền kinh tế thị trường, giảm các cáo buộc chống bán phá giá, các tổ chức cho vay vốn cũng sẽ giảm đánh giá rủi ro xuống mức hợp lý, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng; đồng thời cũng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức rất lớn, trong khi không ít DN thường nước đến chân mới nhảy.

Nhìn lại những năm hội nhập, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các lợi thế, trong khi đã xuất hiện những tác động tiêu cực đáng chú ý như năng suất lao động tăng chậm (thậm chí sau 5 năm gia nhập WTO, năng suất lao động tăng 3,4%, thấp hơn nhiều so với 5 năm trước khi gia nhập ở 5%); năng suất và hiệu quả của DN đang giảm dần, DN trong nước đang nhỏ đi… Đã xuất hiện những nhóm bị tổn thương nhiều hơn so với các nhóm khác như nông sản bị cạnh tranh gay gắt trên chính sân nhà… Vậy hội nhập là cơ hội hay thách thức, câu trả lời chỉ có được quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ và quyết tâm vươn lên của DN

Vũ Hân
.
.
.