Chìa khóa thành công trong lĩnh vực bán lẻ

Thứ Tư, 12/03/2008, 12:55
Theo ông Tan Hai Hsin, xu hướng hiện tại trong phát triển khu thương mại tại châu Á là khu thương mại lớn tọa lạc tại vùng ngoại vi, có ít nhất 2 người thuê chủ chốt, hơn 200 cửa hàng với sản phẩm đặc trưng, nhiều cửa hàng bán đồ ăn uống và các tiện ích giải trí như rạp chiếu phim, khu chơi bowling, khu vui chơi, khu vực trượt băng…

Theo đánh giá của các chuyên gia thì Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất về lĩnh vực bán lẻ. Từ tháng 1/2007, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty liên doanh phân phối hàng hóa, trong đó phía nước ngoài được phép chiếm giữ 49% số vốn. Đến tháng 1/2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài.

Ngoài ra, việc giảm thuế hàng loạt mặt hàng trong năm 2008 là cơ hội vô cùng thuận lợi để hàng ngoại nhập dễ dàng chạy đua trong cuộc cạnh tranh giành thị phần với hàng sản xuất trong nước. Với những cơ hội đó, hiện các tập đoàn kinh doanh bán lẻ quốc tế đã sẵn sàng tham gia vào thị trường, khiến doanh nghiệp  Việt Nam hết sức lo lắng…

Hiện, Việt Nam có hơn 9.000 chợ và hơn 18.000 cửa hàng mặt tiền nhỏ, hình thức mua sắm truyền thống này chiếm phần lớn trong tổng doanh thu bán lẻ. Nhưng hiện nay, hệ thống chợ và các cửa hàng này đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại.

Nếu như năm 1995, Việt Nam chỉ có 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại (TTTM) thì đến năm 2007 có ít nhất 140 siêu thị, đại siêu thị; 20 TTTM, gần 1 triệu m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ đang được đầu tư phát triển và các cửa hàng mặt tiền dần được nâng cấp để trở thành TTTM.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ  năm 2007 tại Việt Nam tăng 23,3% so năm 2006 (ước đạt 726.000 tỷ đồng). Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Các ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm 80,7% và tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của hệ thống siêu thị đạt trên 40%. Từ thực tế đó cho thấy, xu hướng phát triển mạnh mẽ của kênh phân phối hiện đại này so với chợ truyền thống.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững với mức tăng trưởng hơn 8%/năm đã làm tăng nhu cầu về hàng hóa tiêu dùng, các hình thức bán lẻ kinh doanh hiện đại, đặc biệt do tác động WTO, Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài là những điều kiện để thu hút các nhà bán lẻ quốc tế thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Ông Marc Townd - Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam CBRE cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà bán lẻ nổi tiếng thế giới như: Central (Thái Lan), Carrefour (Pháp), Takashimaya (Nhật), Wal-Mart (Mỹ) cũng đang lên kế hoạch đổ bộ vào thị trường Việt Nam…

Nói về lĩnh vực bán lẻ, ông Tan Hai Hsin, Giám đốc điều hành của Henry Butcher Retail & Retail Group Malaysia đã thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam về "chìa khóa" để quy hoạch và phát triển khu bán lẻ một cách tối ưu thông qua một số kinh nghiệm, cũng như xu hướng phát triển trong lĩnh vực này.

Theo ông Tan Hai Hsin, xu hướng hiện tại trong phát triển khu thương mại tại châu Á là khu thương mại lớn tọa lạc tại vùng ngoại vi, có ít nhất 2 người thuê chủ chốt, hơn 200 cửa hàng với sản phẩm đặc trưng, nhiều cửa hàng bán đồ ăn uống và các tiện ích giải trí như rạp chiếu phim, khu chơi bowling, khu vui chơi, khu vực trượt băng…

Khu mua sắm phải cực lớn, thiết kế kiến trúc phải hấp dẫn (không còn đơn thuần là một thiết kế hình hộp mà sử dụng màu sắc, lớp, hình dáng và vật liệu nhằm tạo các thiết kế hấp dẫn). Thiết kế khu bán lẻ phải có phong cách, chú ý đến việc tân trang các khu mua sắm là những yếu tố đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày nay. Các đơn vị bán lẻ và chủ các khu mua sắm của châu Á cũng có xu hướng mở rộng hoạt động ra thị trường khu vực.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều TTTM tại các nước đang phát triển ở châu Á đã rất thành công do dân số tăng nhanh và thu nhập bình quân gia tăng. Chưa xét đến vị trí, thiết kế và kỹ năng quản lý TTTM, các nhà bán lẻ trong những TTTM này đã và đang kinh doanh rất tốt. Khi thị trường trở nên cạnh tranh hơn và phong cách sống của người tiêu dùng trở nên sành điệu hơn thì những TTTM này sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Do đó các chủ đầu tư TTTM tại châu Á phải quan tâm nhiều đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Để quy hoạch hoàn chỉnh cho một trung tâm bán lẻ thì phải tính đến: kích cỡ, những quy định về bảo trì, nâng cấp; thiết kế khu vực mặt tiền, sơ đồ TTTM, đầy đủ tiện ích hỗ trợ hoạt động bán lẻ. Việc quản lý TTTM thì người quản lý cần chú ý đến nhu cầu của nhà bán lẻ và khách hàng. Hệ thống và đội ngũ quản lý mạnh là những yếu tố quan trọng đối với một TTTM bền vững.

Ông Tan Hai Hsin cũng đánh giá cao về tiềm năng bán lẻ tại Việt Nam với dân số đông, lượng khách hàng trẻ đang tăng và sức mua cũng đang tăng. Ông cũng nêu lên bài học cần thiết để thành công trong lĩnh vực bán lẻ là phải nghiên cứu thị trường cẩn thận. Nhờ các chuyên gia bán lẻ và kiến trúc tư vấn lập dự án khu bán lẻ. Thuê người quản lý có kinh nghiệm.

Cuối cùng là học cách hình thành TTTM vì khách hàng chứ không phải để bán và không vì bản thân TTTM đó. Như thế TTTM sẽ bền vững hơn và dễ thích nghi hơn với các thay đổi  của thị trường bán lẻ hơn

Thuý Hà
.
.
.