Chỉ xử lý hành chính 3 cơ sở sản xuất "kẹo bột đá"

Thứ Hai, 30/03/2009, 11:02
Chiều 27/3, theo tin từ cơ quan chức năng, trước đó 2 ngày, cơ quan CSĐT - Bộ Công an, Viện KSND Tối cao đã thống nhất kết quả điều tra vụ vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại 3 cơ sở sản xuất kẹo ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Diễn biến sự việc: Ngày 5/9/2008, Cục Cảnh sát môi trường (C36) - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia cùng Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3 cơ sở sản xuất kẹo tại xã Minh Khai, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Phúc Thành Khang; Cơ sở Thanh Xuân và Cơ sở Phong Lan, đã phát hiện 3 cơ sở này vi phạm qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm như: điều kiện sản xuất, vệ sinh khu vực sản xuất không đảm bảo, sử dụng nguyên liệu ngoài đăng ký (bột màu trắng không rõ nguồn gốc và thành phần hóa học).

Sau khi kiểm tra sản phẩm kẹo của 3 cơ sở này, Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế đã kiểm nghiệm và xác định chất bột màu trắng là canxi cacbonat (CaCO3) có độ tinh khiết từ 95,5% đến 96,7%, chất bột này chiếm tỉ lệ từ 11,95% đến 38,75% trong các sản phẩm kẹo do 3 cơ sở này sản xuất.

Theo đó, C36 - Bộ Công an, Thanh tra Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ vụ việc này đến Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (C15) - Bộ Công an để điều tra xem xét hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Theo kết quả kiểm nghiệm, chất bột màu trắng mà 3 cơ sở sản xuất kẹo nêu trên đã sử dụng không phải là bột đá mà là chất canxi cacbonat (CaCO3). Tại Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001, Bộ Y tế cho phép sử dụng CaCO3 là chất phụ gia thực phẩm, được phép sử dụng trong một số sản phẩm thực phẩm, trong đó bao gồm cả thức ăn bổ sung cho trẻ em.

Như vậy, 3 cơ sở sản xuất nói trên không có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, chỉ vi phạm qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, hai cơ quan thống nhất chuyển hồ sơ vụ việc này cho C36 - Bộ Công an và Thanh tra Bộ Y tế xử lý hành chính theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, cả 3 cơ sở này đều có đăng ký kinh doanh sản xuất, có công bố chất lượng sản phẩm, công bố nhãn mác hàng hóa đã được Sở Y tế Hà Tây (nay là Hà Nội) chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.

Đáng lưu ý, trong bản công bố chất lượng sản phẩm kẹo mềm của 3 cơ sở thành phần có đường kính, mạch nha, hương liệu tổng hợp, không có CaCO3. Các chủ cơ sở sản xuất này khai nhận tại cơ quan điều tra trong quá trình sản xuất kẹo đã tự ý mua CaCO3 đưa về và chỉ đạo người làm thuê pha trộn để sản xuất kẹo mềm nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Theo qui định tại danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo Quyết định 3742 ngày 31/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì CaCO3 là chất phụ gia được phép sử dụng đối với 11 nhóm hàng thực phẩm nhưng kẹo không nằm trong số 11 nhóm này

Đào Minh Khoa
.
.
.