Chỉ một phần ba các dòng sông dài nhất trên thế giới còn được chảy tự do

Thứ Năm, 09/05/2019, 11:18
Chỉ khoảng một phần ba (37%), trong số 246 con sông dài nhất trên thế giới còn được chảy tự do - trong đó có các con sông tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. 

Lần đầu tiên một đánh giá về vị trí, phạm vi của các dòng sông chảy tự do trên thế giới được thực hiện. Kết quả đánh giá cho thấy, nhiều dòng sông đang bị suy thoái nghiêm trọng. Dòng Mekong (hạ nguồn là sông Cửu Long) cũng nằm trong số những dòng sông được nghiên cứu.

Chỉ khoảng một phần ba (37%), trong số 246 con sông dài nhất trên thế giới còn được chảy tự do - trong đó có các con sông tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Đây là thông tin mới nhất được chia sẻ trên Tạp chí khoa học Nature (Thiên nhiên), phát hành ngày 9-5. Đập, các hồ chứa nước đã làm suy giảm đáng kể những lợi ích do các dòng sông khoẻ mạnh mang tới cho con người và tự nhiên trên toàn cầu. 

Hạ nguồn sông Cửu Long đang bị đe dọa bởi các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong. 

Một đội nghiên cứu gồm 34 nhà khoa học đến từ Trường Đại học McGill (Canada), Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và các tổ chức nghiên cứu khác, đã đánh giá tình trạng kết nối của các con sông trên thế giới với tổng chiều dài là 12 triệu km. Đây là đánh giá đầu tiên trên thế giới về vị trí, phạm vi của các con sông còn được chảy tự do trên trái đất. 

Cũng theo nghiên cứu “Bản đồ những dòng sông chảy tự do trên thế giới” chỉ còn 21 trong số 91 dòng sông trên thế giới với chiều dài hơn 1.000km và chảy ra biển, vẫn giữ được kết nối trực tiếp từ đầu nguồn ra đại dương. Những dòng sông chảy tự do còn lại trên trái đất tập trung chủ yếu tại khu vực xa xôi của Bắc Cực, lưu vực sông Amazon và lưu vực sông Congo. 

Các dòng chảy tự do này cũng bao gồm dòng Irrawaddy và Salween tại Myanmar (hai trong số những dòng sông chảy tự do còn lại của Đông Nam Á) và phần hạ lưu của sông Mekong gồm Nam Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng Mekong, Irrawaddy và Salween đang bị đe doạ bởi các phát triển cơ sở hạ tầng; trong khi đó hạ nguồn sông Mekong bị đe doạ bởi dự án đập Sambor khổng lồ và dự án đập Stung Treng nhỏ hơn nhưng không kém phần lo ngại.

Sông Hậu (thuộc dòng Cửu Long), đoạn chảy qua TP Cần Thơ. 

Ông Marc Goichot, đồng tác giả nghiên cứu và là cán bộ Quản lý chương trình nước của WWF- Greater Mekong, cho biết: “Các dòng chảy tự do đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế, an ninh lương thực và đa dạng sinh học của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Nhưng chúng liên tục bị đe doạ bởi các dự án phát triển không bền vững, đặc biệt là các con đập. Chúng ta phải tự hỏi bản thân liệu chúng ta sẽ xây dựng các con đập, rút sạch cát từ các con sông và làm chúng suy thoái tới mức không thể cứu vãn nổi, hay chúng ta sẽ trân trọng chúng, đầu tư vào những nguồn năng lượng tái tạo khác như mặt trời, gió và giữ cho các con sông của chúng ta chảy tự do nhất có thể”. 

Người đứng đầu nghiên cứu, ông Günther Grill (Khoa Địa lý Trường Đại học McGill), cho biết: “Các dòng sông trên thế giới tạo nên một mạng lưới phức tạp với những liên kết quan trọng với đất, nguồn nước ngầm và bầu khí quyển. Các dòng chảy tự do quan trọng đối với con người, môi trường… nhưng phát triển kinh tế trên thế giới đang khiến chúng trở nên ngày càng hiếm. Sử dụng các hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu khác, nghiên cứu của chúng tôi kiểm tra phạm vi của các dòng sông này chi tiết nhất từ trước tới nay”.

Đập và các hồ chứa nước là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự ngắt kết nối của các dòng sông trên thế giới. Nghiên cứu ước tính hiện có khoảng hơn 60.000 con đập lớn trên thế giới với hơn 3.700 đập thuỷ điện đang được quy hoạch hoặc xây dựng. Chúng thường được quy hoạch, xây dựng ở cấp độ dự án riêng lẻ khiến cho việc đánh giá tác động thực tế trên toàn lưu vực hoặc khu vực trở nên khó khăn. 

Sông Mekong, đoạn chảy qua Vương quốc Campuchia

Ông Michele Thieme, nhà khoa học nước ngọt của WWF và đồng tác giả nghiên cứu, nói: “Đây là bản đồ đầu tiên cho phép chúng ta ưu tiên, bảo vệ những dòng sông còn chảy tự do trên thế giới bởi chúng là nguồn sống cho các loài động vật hoang dã và con người. Các dòng sông cung cấp nhiều nguồn lợi đa dạng nhưng chúng thường bị định giá thấp và không được coi trọng. Những người ra quyết định cần phải xem xét đến toàn bộ giá trị của các con sông khi quy hoạch cơ sở hạ tầng”. 

Các dòng sông khoẻ mạnh làm dồi dào nguồn thủy sản; giúp cải thiện an ninh lương thực cho hàng triệu người; bồi đắp phù sa giúp các đồng bằng không bị chìm dưới mực nước biển; giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán; ngăn mất mát cơ sở hạ tầng và xói mòn; hỗ trợ sự giàu có của đa dạng sinh học. Sự kết nối của các con sông khi bị ngắt mạch sẽ dẫn tới làm suy giảm hoặc thậm chí làm mất đi những giá trị hệ sinh thái thiết yếu này…

Đức Văn
.
.
.