Chạy đua giảm cước: Người lớn chạy đua, kẻ nhỏ đứng nhìn

Thứ Năm, 13/11/2008, 14:44
Sắp tới, cước các cuộc gọi nội mạng của VNPT sẽ áp dụng đồng loạt mức 1.000 đồng/phút… Việc giảm cước này đã "gây sốc" cho các nhà khai thác viễn thông nhỏ trong cuộc chạy đua giảm cước với các "đại gia".

50 triệu khách hàng của VNPT được lợi

Ông Lương Tất Thắng, Phó trưởng Ban Giá cước tiếp thị của VNPT cho biết, với việc điều chỉnh giá cước nội mạng lần này, VNPT muốn dành sự ưu đãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT. Ngoài ra, việc thống nhất mức cước "một giá" giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng của VNPT về sau.

Phạm vi điều chỉnh cước nội mạng của VNPT sẽ được áp dụng cho các cuộc liên lạc liên tỉnh toàn quốc giữa thuê bao cố định VNPT, bao gồm cả các thuê bao CityPhone, CDMA nội tỉnh, Gphone đến thuê bao cố định VNPT; cuộc liên lạc giữa thuê bao cố định VNPT đến tất cả các thuê bao di động VinaPhone không phân biệt trả trước hay trả sau; cuộc liên lạc giữa các thuê bao di động trả sau VinaPhone đến các thuê bao cố định VNPT; cuộc liên lạc từ thuê bao di động trả sau VinaPhone đến các thuê bao di động trong nội mạng VinaPhone; cuộc liên lạc từ thuê bao di động trả sau VMS đến các thuê bao di động trong nội mạng VMS. Mức cước gọi trong nội  mạng VNPT trên toàn quốc là 1.000 đồng/phút (đã bao gồm thuế VAT).

Ông Lương Tất Thắng cho biết, nếu so với cách tính cước các cuộc gọi giữa thuê bao cố định của VNPT áp dụng cho các cuộc gọi từ nhà thuê bao là khác vùng (áp dụng giữa các cuộc liên lạc của khu vực Bắc, Nam gọi cho nhau). Cước liên lạc liên tỉnh cố định đến cố định: cước nội vùng giữ nguyên ở mức 909,1 đồng/phút; cước khác vùng là 909,1 đồng (giảm tới 20%). Với những cuộc gọi của thuê bao mang đầu số cố định của VNPT, mức cước mới đồng hạng cũng sẽ giảm ở mức tương tự như với cuộc gọi từ máy cố định. Tương tự như vậy, cước liên lạc điện thoại cố định đến thuê bao VinaPhone giảm từ 1.090,91 đồng xuống còn 909,1 đồng (giảm 20%). Cước liên lạc VinaPhone trả sau tới thuê bao VinaPhone và cố định; và cước liên lạc MobiFone trả sau tới thuê bao MobiFone giảm xuống từ 981,82 đồng xuống còn 909,1 đồng (giảm 8%).

Cho tới thời điểm này, VNPT đang có hơn 11 triệu thuê bao điện thoại cố định và khoảng 40 triệu thuê bao di động của hai mạng VinaPhone, MobiFone trên toàn mạng. Như vậy, sẽ có khoảng 50 triệu khách hàng của VNPT sẽ được hưởng lợi ích khi cách tính cước nội mạng mới được áp dụng.

Sẽ có cuộc chạy đua mới?

Giới phân tích cho rằng, với việc thống nhất cước nội mạng chỉ còn 1.000 đồng/phút là "đòn" khá nặng ký để tác động rất mạnh đến thị trường viễn thông Việt Nam với hai dịch vụ cố định và di động. Các nhà khai thác viễn thông nhỏ phản ứng khá dè dặt trước câu hỏi liệu họ có đủ sức chạy theo các "đại gia" để giảm cước hay không.

Phía EVN Telecom cho biết, tuy đây là việc giảm cước để tăng thêm lợi ích cho khách hàng của VNPT, nhưng nó lại tác động không nhỏ đến các mạng viễn thông khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ không có lợi thế quy mô nên rất khó chạy đua giảm cước.

Giới phân tích cho rằng, S-Fone sẽ không thể nào đủ sức cho cuộc chạy đua giảm cước với các "đại gia" bởi mạng di động này đã có nhiều dấu hiệu xuống sức trong cuộc chạy đua.

Mới đây, S-Fone đã phải đơn phương tăng cước gói Forever Couple dẫu biết rằng sẽ có nhiều thuê bao "thề không bao giờ quay trở lại dịch vụ" để tránh tình trạng duy trì dịch vụ sẽ lỗ.  

Giới phân tích cho rằng, hiện chỉ có Viettel mới đủ sức "theo sát" VNPT trong cuộc chạy đua này để gia tăng lợi thế giành khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng Viettel sẽ chỉ có thể giảm cước di động chứ không thể giảm cước cho các thuê bao cố định như VNPT. Sở dĩ như vậy, bởi việc đầu tư cho thuê bao cố định rất lớn, nhưng thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, VNPT có số lượng lớn thuê bao đã khai thác hết khấu hao đầu tư. Như vậy, sẽ có cuộc chạy đua giảm cước sẽ chỉ là dịch vụ di động và đó cũng chỉ còn là cuộc chơi của VNPT và Viettel mà thôi.

Viễn cảnh xấu cho các doanh nghiệp nhỏ

Trên thực tế, việc chạy đua cung cấp dịch vụ thông tin di động tuy có tới 7 giấy phép, nhưng "miếng bánh" thị phần gần như đã chia xong cho VNPT và Viettel. Đối với dịch vụ cố định, VNPT gần như chiếm thị phần tuyệt đối.

Các động thái giảm cước của VNPT đã khiến cho dịch vụ cố định trở thành miếng bánh "không còn vị ngọt". Động thái này cũng đã "vùi dập" quyết tâm của các doanh nghiệp mới như FPT Telecom muốn mon men bước vào thị trường điện thoại cố định. Trên thực tế, FPT Telecom đã phải lỡ hẹn với dịch vụ này tới gần 2 năm và hiện chưa ấn định được thời điểm sẽ cung cấp dịch vụ.

Giới phân tích cho rằng, các động thái của các nhà khai thác viễn thông lớn như VNPT và Viettel đã đẩy thị trường viễn thông Việt Nam được chia lại sớm hơn. Gần như chắc chắn đến năm 2009, câu chuyện phá sản hay sáp nhập sẽ xảy ra đối với các doanh nghiệp viễn thông. Giới phân tích cho rằng, rất có thể đến năm 2010, thị trường viễn thông Việt Nam cơ bản sẽ được chia xong

Thanh Thảo
.
.
.