Chấn chỉnh tình trạng bát nháo trên thị trường gas

Thứ Năm, 13/03/2014, 15:40
Trước tình trạng bát nháo trong hoạt động kinh doanh gas gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng (NTD), Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trong đó hướng dẫn một số chi tiết nhằm chấn chỉnh, kiểm soát thị trường gas để đưa hoạt động kinh doanh này đi vào nền nếp, ổn định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, với quy định mới này liệu giá gas khi đến tay NTD có bị đẩy lên cao?

Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (gas) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương yêu cầu các thương nhân (doanh nghiệp) kinh doanh gas xác định lại hình thức phân phối gas cũng như thiết lập, đăng ký hệ thống  phân phối kinh doanh gas.

Theo đó, mỗi thương nhân đều phải thiết lập các cơ sở kinh doanh và thiết lập hệ thống đại lý trực thuộc thương nhân quản lý và chỉ bán gas dưới hình thức đại lý (không bán trực tiếp đến NTD như trước đây); Đối với hộ kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện là đại lý kinh doanh sẽ không ký trực tiếp với thương nhân đầu mối mà chỉ được ký hợp đồng kinh tế với 1 thương nhân (đại lý, tổng đại lý, đầu mối).

TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh, sắp xếp lại thị trường gas để ổn định giá gas.

Theo các tiểu thương kinh doanh gas thì quy định “hộ kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện là đại lý kinh doanh sẽ không ký trực tiếp với thương nhân đầu mối mà chỉ được ký hợp đồng kinh tế với 1 thương nhân” đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý hộ kinh doanh. Bởi vì, theo quy định trước đây thì, cửa hàng bán gas được quyền lựa chọn, ký hợp đồng bán gas tối đa 3 thương nhân kinh doanh gas. Nếu áp dụng theo quy định mới thì hộ kinh doanh chỉ ký hợp đồng kinh tế với 1 thương nhân kinh doanh gas, khiến sự lựa chọn của NTD bị hạn chế. Điều này không thể loại trừ khả năng các tổng đại lý sẽ tự nâng giá bán.

Ông Trần Văn Nghị - Chủ tịch Hiệp hội Gas miền Nam cho rằng, việc sắp xếp lại hệ thống phân phối gas trên địa bàn TP là cần thiết để quản lý thị trường gas. Tuy nhiên, ông Nghị cũng bày tỏ mong muốn Sở Công thương không nên để hộ bán lẻ chỉ được ký hợp đồng với 1 thương nhân mà tốt nhất là cho ký với 3 đầu mối.

Ngoài việc lo ngại về vấn đề trên, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn là việc phân phối gas qua khâu trung gian trước khi đến tay NTD, liệu giá có bị đẩy lên cao? Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ hộ kinh doanh gas trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) khẳng định: “Khi kinh doanh gas, không nhập hàng trực tiếp từ doanh nghiệp mà phải thông qua tổng đại lý thì chắc chắn giá gas sẽ bị đẩy cao hơn”. Ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH gas Hồng Mộc cũng cho rằng, khi lấy qua khâu trung gian sẽ không tránh khỏi tình trạng giá gas bị đẩy lên cao và đối tượng ảnh hưởng trực tiếp sẽ là NTD.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, khi hệ thống phân phối hoạt động theo guồng quay thì sẽ không xảy ra chuyện giá gas tăng. Sở Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá gas để tránh tình trạng những tổng đại lý, đại lý cung cấp gas tự ý  nâng giá. Đồng thời, Sở sẽ sớm công bố những tổng đại lý gas đủ yêu cầu, điều kiện theo quy định để các cơ sở kinh doanh gas thuận tiện trong việc ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, để tránh gây xáo trộn đến việc kinh doanh cũng như gây rối loạn thị trường, Sở Công thương sẽ cho lùi thời gian áp dụng quy định mới này đến ngày 30/6 (thay vì 31/3) để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hệ thống của mình. Sau ngày 30/6, TP sẽ chính thức áp dụng chế tài đối với các hình thức kinh doanh gas không tuân thủ đúng quy định

K.Ngân
.
.
.