Chấn chỉnh nhiều sai phạm của các thủy điện trên toàn quốc

Thứ Ba, 26/08/2014, 11:26
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương mới đây cho biết đang tiếp tục cùng các địa phương rà soát các thủy điện, đồng thời thực hiện kiểm tra và rà soát điều kiện hoạt động của các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, thiết kế và tư vấn giám sát thi công.

Kết thúc giai đoạn 1, một số đơn vị đã bị loại bỏ hoạt động trong lĩnh vực này. Bộ Công thương cũng cho biết sẽ xem xét rút giấy phép của 11 đơn vị khác và tiếp tục rà soát cho đến tháng 11 năm nay.

Theo báo cáo của Bộ Công thương (từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua) tiến hành kiểm tra, rà soát các đơn vị tư vấn tại khu vực phía Bắc, đã có 48/65 đơn vị được thực hiện. Kết quả đã yêu cầu loại bỏ lĩnh vực hoạt động tư vấn quy hoạch thủy điện, tư vấn đầu tư xây dựng và giám sát công trình thủy điện đối với 3 đơn vị không triển khai hoạt động trong lĩnh vực này từ khi được cấp phép và 1 đơn vị xin ngừng hoạt động.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với 11 đơn vị thay đổi trụ sở mà không thông báo với cơ quan cấp phép và tiến hành rà soát các đơn vị tư vấn liên quan đến thủy điện tại khu vực miền Nam (từ tháng 7 đến tháng 11). Hiện Bộ cũng đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục lập kế hoạch, rà soát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, quản lý an toàn, giải quyết sự cố khi thi công và cam kết về môi trường đối với các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước.

Thủy điện Ia Krel 2 bị sự cố 2 lần liên quan đến đập đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng thi công.

Vừa qua, sau sự cố vỡ đập lần hai của thủy điện Ia Krel 2, đích thân Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đi kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện tại Kon Tum. Qua kiểm tra hồ sơ gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, biện pháp thi công, đảm bảo an toàn thi công và điều kiện năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu có liên quan đối với 14 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang xây dựng tại địa bàn, Bộ Công thương cho rằng chất lượng thiết kế, thi công tại một số công trình chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Các đơn vị tư vấn này mới thành lập, thiếu kinh nghiệm; nhà thầu thi công thiếu nhân lực, thiết bị; chủ đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, thiếu đội ngũ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng thủy điện nên hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng chưa chặt chẽ. Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm an toàn hồ đập, Bộ Công thương cho biết dự kiến sẽ hoàn thiện và ban hành quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về xây dựng công trình thủy điện trong tháng 12 năm nay.

Ngoài an toàn hồ đập, liên quan đến thủy điện còn rất nhiều vấn đề đang tồn tại chưa được giải quyết như việc trồng rừng thay thế và thu phí dịch vụ môi trường rừng. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết mới thực hiện trong 1.248ha trên tổng số 19.729ha, tức là mới được hơn 6%, một tỷ lệ cực kỳ thấp. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư “chưa được hướng dẫn việc lập phương án, do quỹ đất của địa phương còn hạn chế hoặc đã có chủ trương nhưng còn lúng túng giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất trồng rừng, về loại cây trồng, chế độ chăm sóc bảo vệ, về đơn giá trồng rừng (với trường hợp chủ đầu tư không trực tiếp trồng rừng thay thế)”.

Bản thân EVN, đơn vị có diện tích rừng phải trồng bù thuộc diện lớn nhất cũng “than” rằng việc trồng bù chưa tiến hành được do chưa xác định được quỹ đất làm cơ sở lập phương án trồng bù rừng, phương án trồng bù chậm được phê duyệt, chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án; cách thức tổ chức thực hiện tại các địa phương chưa thống nhất.

Về phí dịch vụ môi trường rừng, hiện một số nhà máy nhỏ (dưới 30 MW) hiện chưa thực hiện đúng quy định, còn chậm và nợ đọng với lý do tình hình tài chính khó khăn. Không chỉ chậm trễ trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư của các nhà máy này còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước liên quan đến phương án phòng lũ, cắm mốc xác định vùng bảo vệ an toàn đập… với lý do như chưa cập nhật các quy định của Nhà nước (trong khi việc phối hợp, đôn đốc chỉ đạo của các ngành và địa phương chưa thường xuyên và chặt chẽ).

Mặt khác với lý do chi phí thực hiện lớn (suất đầu tư trung bình lên tới 25 – 30 tỷ đồng/MW), diễn biến thời tiết phức tạp, điều kiện địa hình khó khăn, suy giảm rừng đầu nguồn nên sản lượng điện thấp, kéo theo doanh thu phát điện của nhà máy không đảm bảo, không đủ chi trả nợ gốc và lãi vay của vốn đầu tư ban đầu, các chủ đập cho biết thực tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí tài chính để thực hiện đầy đủ các quy định

Nam Phương
.
.
.