Chậm triển khai các giải pháp giảm gánh nặng trợ giá cho xe buýt

Thứ Ba, 16/06/2015, 09:06
TP Hồ Chí Minh hiện có trên dưới 3.000 đầu xe buýt lớn nhỏ hoạt động trên 37 tuyến xe buýt không có trợ giá và 110 tuyến có trợ giá. Trong khi lượng khách đi xe tăng không tương xứng do chỉ đáp ứng được 6 - 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố thì tổng số tiền trợ giá cho xe buýt của TP Hồ Chí Minh liên tục tăng một cách chóng mặt hằng năm.

Nếu như cách đây 10 năm, số tiền thành phố chi trợ giá cho xe buýt chỉ vào khoảng 500 – 600 tỷ đồng/năm, thì đến nay số tiền này đã tăng gấp gần 3 lần.

Theo một báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố, trong vòng 10 năm gần đây, giá vé xe buýt cũng đã kịp tăng gấp 5 lần. Khoản kinh phí bù lỗ tăng rất lớn này được Sở GTVT thành phố lý giải rằng phần lớn là do tăng tiền lương nhân công, chiếm khoảng 2/3; còn lại là chi phí bù giá nhiên liệu.

Khách đi xe buýt tuyến trung tâm thành phố.

Kinh phí bù lỗ cho hoạt động của xe buýt tại TP Hồ Chí Minh không ngừng tăng nhanh hằng năm, nhưng đến nay việc đấu thầu các tuyến xe buýt và quảng cáo trên xe vẫn diễn ra khá chậm.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở GTVT đưa 18 tuyến xe buýt đang được trợ giá ra đấu thầu nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng ngân sách ngay trong quý II năm nay. Song đến thời điểm này mốc thời hạn trên chỉ còn nửa tháng, hoạt động đấu thầu các tuyến xe buýt vẫn khá im ắng.

Nội dung trong đề án quảng cáo trên xe buýt đã được Sở GTVT thành phố xây dựng, chỉ với việc thực hiện thí điểm quảng cáo trên 156 xe buýt ở 10 tuyến với khoảng 1.500 chuyến/ngày sẽ thu về 9,8 tỷ đồng. Doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm từ hoạt động quảng cáo trên vỏ xe buýt, sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng chi hỗ trợ từ ngân sách. Nhưng việc thực hiện quảng cáo trên xe buýt hiện cũng đang được triển khai khá chậm.

Trước thực trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện việc trợ giá cho hoạt động của xe buýt trên địa bàn ngay trong tháng 6 này. Thanh tra sẽ tập trung xử lý, chấn chỉnh việc quản lý nguồn vốn trợ giá cho xe buýt từ năm 2011 đến 2014; ngăn chặn và truy thu những khoản tiền đã bị thất thoát và đánh giá những mặt hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị liên quan.

Đ.Thắng
.
.
.