Cây xăng ngưng bán: Vẫn chưa thể xác định ai "găm" hàng

Thứ Ba, 28/08/2012, 09:40
Qua trao đổi với PV, rất nhiều cây xăng than "khổ" vì bị đầu mối với "quyền lực" trong tay o ép. Việc cây xăng ngưng bán hàng chỉ là "hiện tượng", kiểm tra xử lý họ chỉ là hớt phần ngọn, còn bản chất vấn đề phải giải quyết là ở chỗ đầu mối - vừa có ưu thế về thông tin, kho bãi, quyền lực giá...
>> Người dân bức xúc vì cây xăng ngưng bán

Dù đã nhiều lần báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng hiện tượng cây xăng ngưng bán hàng chưa có dấu hiệu gì chấm dứt. Đến ngày 27/8, hiện tượng này vẫn diễn ra cả ở 2 miền Nam, Bắc. Điều nực cười là hiện nay người dân không phải chờ đọc báo hay TV đưa tin mới biết xăng dầu tăng giá. Họ chỉ cần ra đường thấy cây xăng đóng cửa là biết chuyện gì sắp xảy ra. Người dân đã quá "thuộc bài". Việc vi phạm hết lần này đến lần khác diễn ra mặc các lời tuyên bố đang là một lời nhạo báng uy quyền của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Vi phạm có thực sự chỉ là thiểu số?

Ngày 25/8, PV Báo CAND đã tiến hành một cuộc khảo sát trên dọc tuyến đường từ Hà Nội về TP Hưng Yên xem thực trạng bán hàng của các cây xăng ra sao và đã bắt gặp không ít hiện tượng một vài cột bơm ngưng hoạt động hoặc cả cây xăng đóng cửa.

20h ngày 25/8, Cửa hàng xăng dầu Phố Nối (QL5 phải tuyến, Km 22 + 600 Mỹ Hào, Hưng Yên) thuộc Công ty cổ phần Vật tư Tổng hợp Hưng Yên, trên biển hiệu đề là đại lý của Petec, trong tình trạng cửa đóng, đèn tắt, không một bóng nhân viên. Nhìn kỹ vào mới thấy một tờ giấy đề "Ngưng bán hàng" được dán vội lên một cột bơm xăng. Vào thời điểm đó khu vực này không hề mất điện. Không ai biết lý do vì sao cây xăng này ngưng bán hàng.

Ngày 26/8, nhiều người dân khu vực xã Nhật Tân (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) và Trung Nghĩa (thuộc TP Hưng Yên) xôn xao vì Đại lý Công ty Xăng dầu Quân đội nằm giữa địa bàn 2 xã đóng cửa hoàn toàn. Thậm chí, các cột bơm còn được phủ bạt xanh kín mít. Biển hiệu cho biết đây là cây xăng thuộc K82, CK 92, Quân khu 3 nằm trên địa bàn xã Trung Nghĩa.

Theo quan sát của chúng tôi vào lúc 16h cùng ngày, chỉ có một bóng người mặc quân phục ngồi tại cây xăng, ngoài ra không có hoạt động nào khác. Tấm biển "hết xăng" được đặt cạnh cột bơm. Người dân địa phương cho biết cây xăng này đã đóng cửa được 2 hôm, khiến họ phải đi lên cách đó vài km mới mua được xăng tại một đại lý của Petrolimex.

Đại lý Công ty Xăng dầu Quân đội phủ bạt kín mít các cột bơm vào ngày 26/8.

Đáng nói hơn, đây không phải lần đầu tiên cây xăng này đóng cửa mà người dân địa phương cho biết cứ mỗi lần sắp tăng giá, tình trạng này đều diễn ra. Cùng ngày, trên QL5, cây xăng Lạc Hồng thuộc khu vực Đường Cái (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) lúc 20h cũng trong tình trạng cả 4 cột bơm ngưng hoạt động.

Riêng tình trạng cây xăng tắt một vài cột bơm xuất hiện khá nhiều như Cửa hàng Xăng dầu số 2 khu vực Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Cửa hàng Xăng dầu Minh Hải (huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Trên toàn địa bàn TP Hà Nội, lực lượng QLTT cho biết, có xuất hiện hiện tượng ngưng bán hàng, nhưng sau khi "anh em nhắc nhở" thì họ đã bán trở lại.

Một số độc giả tại khu vực huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng phản ánh cây xăng nằm trên đường 282 Hà Nội đi Bắc Ninh (gần Trường Trung cấp May) đã đóng cửa 2 ngày nay. Đây cũng là cây xăng nhiều lần đóng cửa trước mỗi lần tăng giá xăng.

"Tắc" ở khâu trung gian

Thực tế hiện nay chứng minh nếu lực lượng Quản lý thị trường chịu khó xuống đường hơn, chắc họ sẽ không nói rằng cây xăng vi phạm chỉ là thiểu số và sẽ thấy con số hơn 30/13.000 cây xăng vi phạm là thiếu thực tế đến mức nào. Vi phạm của các cây xăng đã biến tướng theo nhiều cách khác nhau: giảm số cột bơm hoạt động, giảm nhân viên bán hàng... để hạn chế bán ra, chứ không chỉ lộ liễu đóng cửa như trước.

Có rất nhiều nguyên nhân được các đại lý đưa ra, trong đó phổ biến nhất là việc khan hàng từ Tổng đại lý, tuy nhiên cả lực lượng Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương, ngoài câu nói "sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm", chưa thấy có hành động gì.

Hiện tượng ngưng bán thì đã rõ, có nguyên nhân do găm hàng, nhưng ai găm, găm từ đâu là câu hỏi mãi chưa có ai trả lời. Qua trao đổi với chúng tôi, rất nhiều cây xăng than "khổ" vì bị đầu mối với "quyền lực" trong tay o ép. Việc cây xăng ngưng bán hàng chỉ là "hiện tượng", kiểm tra xử lý họ chỉ là hớt phần ngọn, còn bản chất vấn đề phải giải quyết là ở chỗ đầu mối - vừa có ưu thế về thông tin, kho bãi, quyền lực giá...

Nếu "găm hàng", đầu mối với kho chứa hàng nghìn m3 có động cơ hơn nhiều, bởi lợi nhuận kiếm được là hàng tỷ đồng, trong khi các cây xăng với mức tiêu thụ nhiều cũng chỉ là 7 - 8 m3/ngày. Thêm vào đó, đầu mối muốn giảm lượng bán ra chỉ cần ép hoa hồng xuống dưới mức chịu đựng của đại lý (hiện một số đại lý cho biết hoa hồng chỉ còn 50 đồng/lít thay vì 200 đồng/lít như tuần trước) là họ tự động lấy ít hàng, vì càng bán càng lỗ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Theo số liệu sổ sách, hiện các đầu mối vẫn cấp hàng bình thường đúng theo hợp đồng, lúc khó khăn lượng cấp sẽ bằng 80% sản lượng trung bình 3 tháng trước đó.

Ông Quyền cũng cho biết theo thông tin từ các đầu mối thì có thể "tắc" ở các tổng đại lý hoặc đại lý. Nguyên nhân một lần nữa là bởi chuyện thực hiện không nghiêm quy định, lợi dụng lúc hàng hóa dễ lấy ở các nguồn khác nhau để ăn hoa hồng cao, lúc khó khăn quay lại nhập hàng từ đầu mối chính thì không được cấp hàng nữa

Vũ Hân
.
.
.