Cấp đất ồ ạt trước khi sáp nhập dẫn đến lãng phí

Thứ Năm, 12/03/2009, 00:10
Hà Nội sau hợp nhất có tới 905 dự án cần GPMB. Nhiều dự án đô thị có diện tích trên 400-500ha. Có dự án toàn bộ các thủ tục từ cho phép đầu tư, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đến thẩm định quy hoạch, cấp chứng nhận đầu tư... được thực hiện chỉ trong 1 ngày.
>> Điểm mặt những dự án lãng phí đất đai tại Hà Nội

Dù từ nhiều năm nay, lãng phí đất luôn là vấn đề bức xúc của Hà Nội nhưng sự khủng hoảng thừa các dự án đô thị chỉ thực sự bùng nổ sau khi Hà Nội được mở rộng. Đánh giá mới nhất của Tổ công tác rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình làm Tổ trưởng cho thấy, có quá nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là sau khi hợp nhất, Thủ đô có tới 905 dự án cần GPMB, tập trung chủ yếu ở phía Tây thành phố.

Khủng hoảng thừa các dự án bất động sản

Chỉ trong năm 2008, đặc biệt là các tháng 6 - 7, hàng trăm dự án bất động sản thuộc tỉnh Hà Tây cũ đã được phê duyệt, giao đất cấp tập. Toàn TP Hà Nội trước khi mở rộng chỉ có 38 khu đô thị hiện hữu, thì ở khu vực phía Tây, chỉ riêng một huyện như Đan Phượng đã có tới 15 dự án. Huyện Hoài Đức cũng có tới 55 dự án đầu tư xây dựng, chưa kể hàng chục dự án đất dịch vụ khác.

Công trình bỏ hoang trên đường Hồng Hà (Hà Nội). Ảnh: PV.

Nếu các dự án khu đô thị tầm trung của Hà Nội trước hợp nhất chỉ rộng vào khoảng 80-100ha, lớn nhất cũng chưa đến 300ha, thì những khu đô thị ở phía Tây "vừa vừa" cũng xấp xỉ 1.000ha, còn quy mô nhất lên tới 2.800ha! Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2008, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt 24 đồ án, trong đó có 19 đồ án được phê duyệt vào cuối tháng 2/2008 và 5 đồ án được phê duyệt cuối tháng 6 và 7/2008.

Cá biệt, có dự án được xem là phê duyệt nhanh nhất Việt Nam, bởi toàn bộ các thủ tục từ cho phép đầu tư, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đến thẩm định quy hoạch, cấp chứng nhận đầu tư... được thực hiện chỉ trong 1 ngày.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Trần Ngọc Chính đã nhận định, đây là khối lượng dự án rất lớn, bất hợp lý trên địa bàn không rộng và có điều kiện địa hình, hiện trạng hạ tầng cơ sở còn khó khăn, như 4 xã phía Bắc huyện Lương Sơn. Nguyên nhân của sự bùng nổ các dự án trên là do các chủ đầu tư đã tranh thủ lập quy hoạch tràn lan, và các cấp chính quyền cũng ủng hộ "nhiệt tình" khi ký đồng ý phê duyệt các dự án này.

Theo báo cáo của Tổ công tác, đối với 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và 1/500 của TP sau mở rộng, có quá nhiều các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản, so với các lĩnh vực khác (chiếm 51% về số lượng các đồ án, dự án và 51,7% về tổng diện tích mặt bằng).

Theo đánh giá của Tổ công tác, nguyên nhân là do hầu hết các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư đều bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vào năm 2007 - thời kỳ tình hình kinh tế - xã hội, thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới còn khá sáng sủa và thuận lợi. Tại thời điểm hiện nay, khi các điều kiện thuận lợi nêu trên không còn nữa thì đã phát sinh sự mất hài hòa, không hợp lý. Các nhà đầu tư rất khó có thể huy động đủ lượng vốn để giải ngân thực hiện một số lượng các dự án đầu tư lớn theo đúng tiến độ đã cam kết.

Thống kê chưa đầy đủ, quy mô diện tích, cũng như quy mô dân số theo quy hoạch của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu đa năng có nhà ở với tiến độ đầu tư trong khoảng từ năm 2008-2020 là khá lớn, khoảng 41.319ha và hơn 2 triệu người. Trong khi đó, theo phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thì dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Hà Nội chỉ ở mức khoảng 10 triệu dân. Tức là mức tăng đến năm 2030 chỉ là 3,7 triệu người so với dân số hiện nay là 6,3 triệu người.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội thẳng thắn, Hà Nội sau hợp nhất có tới 905 dự án cần GPMB. Nhiều dự án đô thị có diện tích trên 400-500ha. "Không có ai triển khai cùng một lúc vài khu đô thị rộng hàng trăm hécta, trong khi thị trường trầm lắng như hiện nay. Như thế có nghĩa là "ôm" đất. Thế là đất có khi bị bỏ hoang, trong khi đó, GPMB các dự án lại rất căng thẳng, người dân bức xúc vì bị mất đất sản xuất nông nghiệp", ông Biền nhận xét.

"Khai tử" nhiều dự án không hiệu quả

Không chỉ khủng hoảng thừa dự án bất động sản, việc các dự án đô thị mọc lên ùn ùn còn cho thấy nguy cơ tiềm ẩn sự phát triển thiếu bền vững. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, phần lớn các đồ án, dự án tập trung vào các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng, hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường GPMB, giá đất thấp và một số thuận lợi mang tính đặc thù khác (ví dụ như tại 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi sáp nhập).

Trước khi Hà Nội tiến hành rà soát các dự án bất động sản, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước và sau khi hợp nhất Hà Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) vào Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tiến hành cuộc tổng rà soát lại các đồ án quy hoạch, dự án đô thị ở các "vùng đất mới".

Việc rà soát này đã mạnh tay dừng một số dự án không hiệu quả và không cần thiết, như tại huyện Đan Phượng, trong số 15 dự án đô thị, chỉ có 8 dự án được tiếp tục triển khai, 6 dự án phải tạm dừng và 1 dự án bị ngừng hẳn.

Cuối tháng 2, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu thành phố phải tiếp tục khẩn trương rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và hiệu quả của dự án để cùng chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thành phố trực thuộc tiếp tục thống kê, rà soát đầy đủ, chính xác số liệu; đánh giá phân nhóm các đồ án, dự án đầu tư trên địa bàn, đề xuất giải pháp phù hợp với quy hoạch phát triển của Thủ đô. Trên cơ sở tập hợp đầy đủ thông tin, cần phân tích cụ thể, đánh giá sâu hơn về cơ cấu, mục đích, tính chất, quy mô... của dự án.

Hà Nội đã có thái độ kiên quyết khi yêu cầu dừng những dự án không phù hợp với quy hoạch, không đáp ứng các điều kiện và thủ tục; kịp thời điều chỉnh, bổ sung đối với những dự án thuộc diện phải điều chỉnh, hạn chế thấp nhất khó khăn, thiệt hại cho xã hội và doanh nghiệp.

Hà Nội trước đây cả năm chỉ thẩm định và phê duyệt được vài chục quy hoạch đô thị thì chỉ trong 2 năm, riêng TP Hà Đông đã phê duyệt quy hoạch cho 122 dự án với tổng diện tích 2.080ha. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2008, TP Hà Đông cũng đã thực hiện phê duyệt được 72 quy hoạch với diện tích khoảng 692ha.

Không chỉ trên địa bàn Hà Tây trước đây, mà ngay cả 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân (trước thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng có tình trạng phát triển đô thị ồ ạt trước khi hợp nhất. Theo kiểm tra của Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trước thời điểm sáp nhập 31-7-2008, tại địa bàn 4 xã nói trên, có 54 đồ án quy hoạch chi tiết.

Nhóm PVKTXH
.
.
.