Cao Văn Sơn và trò phù phép biến đất công thành của riêng

Thứ Năm, 28/07/2005, 07:06

Không chỉ có những khuất tất trong việc nhập 2 dây chuyền sản xuất gạch "quá đát" từ CHLB Đức, trước khi nghỉ hưu, Giám đốc Công ty Cơ điện Công trình (MESC) Cao Văn Sơn, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Hồng (một công ty cổ phần hóa từ chính MESC) đã phù phép biến hơn 4.000m2 đất trụ sở MESC tại số 4 Trần Hưng Đạo để chuyển san

Khu đất tại số 4 Trần Hưng Đạo có nguồn gốc từ Nhà máy Nước Đồn Thủy với tổng diện tích hơn 8.000m2. Năm 1985, Sở Giao thông Công chính Hà Nội có quyết định chuyển giao cho MESC 4.382,84m2 làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh. Diện tích này sau đó đã được cấp "sổ đỏ" cho MESC. Năm 1998, ông Cao Văn Sơn, khi đó là Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy công ty có công văn đề nghị UBND Tp. Hà Nội chuyển đổi MESC thành công ty cổ phần. Đề nghị được UBND TP chấp thuận. Thời kỳ này MESC có 3 địa điểm: số 4 Trần Hưng Đạo có 2 tòa nhà vừa làm văn phòng công ty vừa cho thuê; có 2 sân tennis, bể bơi kinh doanh... tổng diện tích là 4.365m2. Ngoài ra còn khu đất 10.000m2 tại Sài Đồng và 3.700m2 đất ở phố Phan Chu Trinh đều được sử dụng kinh doanh. Khi đó, giám đốc công ty đề nghị chỉ chuyển đổi diện tích đất ở số 4 Trần Hưng Đạo sang công ty cổ phần.

Ngày 30/9/1999, UBND Tp. Hà Nội có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa bộ phận số 4 Trần Hưng Đạo thành Công ty Cổ phần Sông Hồng với vốn điều lệ là 6,744 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ cổ phần của MESC là 35%, tương đương 2,36 tỉ đồng. Ông Cao Văn Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Trong 4 thành viên HĐQT thì có 1 người là con gái ông Sơn.

Sáu tháng sau khi Công ty Cổ phần Sông Hồng đi vào hoạt động, những cán bộ chủ chốt của MESC mới chợt nhận ra với việc cổ phần hóa này, thực chất MESC đã mất trụ sở số 4 Trần Hưng Đạo nên đề nghị ông Sơn cho giữ lại tòa nhà 4 tầng để làm trụ sở. Đề nghị này được ông Sơn chấp nhận. Ngày 21/8/2000, UBND Tp. Hà Nội ra quyết định Công ty Cổ phần Sông Hồng chuyển lại cho MESC tòa nhà 4 tầng trị giá 1,5 tỉ đồng cùng một xe ôtô 9 chỗ và 75 triệu đồng tiền mặt. Tổng giá trị chuyển giao là 1,6 tỉ đồng. Sau khi chuyển giao, tỉ lệ cổ phần của MESC (tức là của Nhà nước) ở Công ty Cổ phần Sông Hồng chỉ còn 758,6 triệu đồng, tương đương 14,75%.

Tháng 4/2004, ông Sơn nghỉ hưu ở MESC nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Hồng. Về thực chất, Công ty Cổ phần Sông Hồng đã trở thành công ty của gia đình ông Sơn bởi hiện gia đình ông Sơn nắm tới 80% cổ phần, bởi những năm đầu cổ phần hóa, cổ tức thấp hơn lãi suất ngân hàng nên nhiều công nhân viên được mua cổ phiếu ưu đãi đã bán lại cổ phiếu cho người của ông Sơn với giá bằng 70% mệnh giá. Chính vì vậy mà tại đại hội cổ đông cuối năm 2004, HĐQT có 5 thành viên, ngoài ông Sơn là chủ tịch, 4 thành viên còn lại thì 2 người là con và 2 người là... người thân của gia đình ông Sơn. Chỉ tới khi các cổ đông của MESC bất bình và đề nghị ông Sơn suy nghĩ lại, ông ta mới chấp nhận cho con trai rút lui để ông Nguyễn Quốc Đảm, Giám đốc đương nhiệm MESC vào HĐQT.  

Ngày 14/3/2005, UBNDTP có quyết định cho phép MESC chuyển đổi sang công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên. Khi Ban giám đốc và các cán bộ chủ chốt kiểm tra toàn bộ hồ sơ tài liệu để làm thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thì phát hiện ra một sự thật “chết người”, đó là tài sản của MESC tại số 4 Trần Hưng Đạo chỉ vẻn vẹn có tòa nhà 4 tầng với diện tích 281m2 đất và không có lối đi, không có nơi để xe. Và phải tới lúc đó, những khuất tất trong việc chuyển đổi khu đất này mới được những người kế nhiệm ông Sơn phát hiện. Hóa ra việc “thôn tính” mảnh đất có trị giá hàng chục tỉ đồng này đã được thực hiện rất bài bản.

Ngày 27/8/2003, với tư cách là Giám đốc, ông Sơn đã ký bản thanh lý hợp đồng thuê 4.382m2 đất giữa MESC với Sở Địa chính Nhà đất. Cũng ngay trong ngày hôm đó, ông Sơn ký hợp đồng thuê đất mới, theo đó MESC chỉ còn 281m2. Số diện tích còn lại 4.086m2 được chuyển cho Công ty Cổ phần Sông Hồng. Điều đáng nói là khi tiến hành những việc này ông Sơn không hề thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty. Thậm chí cả cơ quan chủ quản của MESC là Sở Giao thông - Công chính Hà Nội không hề được báo cáo. Vì vậy, chỉ tới khi vụ việc vỡ lở, hơn 200 cán bộ, nhân viên công ty và lãnh đạo Sở Giao thông - Công chính mới biết. Vậy là với chiêu bài cổ phần hóa, tài sản Nhà nước trị giá hàng chục tỉ đồng đã chuyển vào túi tư nhân.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Sau khi chuyển được hơn 4.086m2 thành tài sản của Công ty Cổ phần Sông Hồng, ông Sơn mới quyết định thực hiện kế hoạch mà ông ta đã chuẩn bị từ trước đó vài năm. Ngay từ năm 2002, ông Sơn đã có ý định xây tòa nhà đa chức năng trên toàn bộ diện tích đất ở số 4 Trần Hưng Đạo. Trong suốt thời gian làm thủ tục đầu tư, ông Sơn cũng không có sự bàn bạc, thảo luận chính thức với Ban giám đốc mà đều tự quyết định. Để làm thủ tục thỏa thuận kiến trúc, quy hoạch cho dự án, tháng 9/ 2002 với danh nghĩa là Giám đốc MESC, ông Sơn đã ký biên bản thỏa thuận với Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Hồng, theo đó MESC đồng ý phá bỏ tòa nhà 4 tầng để cùng xây dựng mới lại toàn bộ khu vực. Với văn bản do chính mình ký này, cuối tháng 5/2005, ông Sơn gửi tới Ban lãnh đạo MESC công văn đề nghị MESC phải nhận tiền và di chuyển khỏi Trần Hưng Đạo, buộc phải thỏa thuận với Sông Hồng về việc góp 281m2 trụ sở còn lại để xây dựng cao ốc 21 tầng. Không những thế, trong công văn này, ông Sơn còn ra điều kiện trong trường hợp MESC không muốn hợp tác thì MESC hãy xây dựng văn phòng điều hành của mình ở... Công viên Yên Sở, Công ty Cổ phần Sông Hồng sẽ đền bù tương ứng với nhà và tiền thuê đất 281m2 đất tại 4 Trần Hưng Đạo trong 30 năm. Có thể nói đây là một sự thôn tính của công ty con với công ty mẹ, của tư nhân đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Không thể chấp nhận việc làm o ép, biểu hiện sự tham lam quá đáng của cá nhân nguyên Giám đốc Cao Văn Sơn, Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn MESC đã làm công văn gửi UBND Tp. Hà Nội và các cơ quan chức năng của TP đề nghị kiểm tra toàn bộ quá trình thôn tính tài sản Nhà nước của ông Sơn trong thời gian ông Sơn làm giám đốc MESC.

Cho tới lúc này, theo thông tin mà chúng tôi nhận được, Cơ quan An ninh kinh tế Công an Tp. Hà Nội đã chính thức đề nghị MESC cung cấp tài liệu và tiến hành xác minh vụ việc nhập thiết bị “quá đát” của ông Cao Văn Sơn. Trước những bức xúc của cán bộ công nhân viên MESC trong việc hợp thức hóa hơn 4.000m2 đất cho Công ty Cổ phần Sông Hồng, mới đây, Phó chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Quang đã có ý kiến giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất chủ trì phối hợp với Sở Giao thông - Công chính kiểm tra lại các thủ tục về đất đai tại số 4 Trần Hưng Đạo

Nguyễn Thiêm
.
.
.