Chuẩn bị cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh:

Canh cánh nỗi lo nhân lực

Thứ Năm, 26/03/2015, 06:59
Để tiếp tục lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ, sáng 24/3, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh với sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực điện lực, các đơn vị tư vấn và chuyên gia trong và ngoài nước.

Mặc dù thiết kế chi tiết thị trường này sẽ phải hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 tới, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề gây băn khoăn. Khó khăn chính được chỉ ra vẫn là vấn đề hạ tầng kỹ thuật và nhân lực để vận hành thị trường bởi tính chất phức tạp của nó. 

Theo đại diện Bộ Công thương, sau gần 3 năm vận hành chính thức cấp độ đầu tiên (phát điện cạnh tranh, từ 1/7/2012) thị trường phát điện cạnh tranh được đánh giá đã giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả hơn. Giá điện tại khâu phát được thiết lập từ quy luật cung cầu khách quan, tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế và đầu tư từ nước ngoài…

Qua việc xây dựng và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh cũng đã tạo được cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, nguồn nhân lực có chất lượng để chuẩn bị cho cấp độ thứ 2 của thị trường là thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo kế hoạch sẽ được thí điểm vận hành từ đầu năm 2016.

Đến thời điểm này, Bộ Công thương khẳng định đã xây dựng dự thảo thiết kế thị trường từ tháng 9/2014, với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đã lấy ý kiến qua nhiều lần hội thảo và sẽ kịp hoàn chỉnh để báo cáo Thủ tướng vào tháng 6 đúng theo yêu cầu. Đánh giá tích cực về bước đầu tiên thực hiện thị trường điện cạnh tranh, ông Nguyễn Quốc Khánh - TGĐ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, đối với tập đoàn, đến nay việc tham gia thị trường phát điện cạnh tranh cũng như chuẩn bị cho thị trường bán buôn cạnh tranh đều đáp ứng yêu cầu về tiến độ và hiệu quả. 

Tập đoàn này cũng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đào tạo con người để sẵn sàng cho việc bước sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo lộ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho biết thêm đây là lĩnh vực khó, phức tạp và đòi hỏi có sự chuẩn bị chu đáo, nên từng bước tham gia cụ thể phải theo sát sự chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều chi tiết gây băn khoăn trong việc xây dựng thị trường thế nào cho phù hợp.

Theo GS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, bản thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh lần này đã mở rộng hơn các đối tượng tham gia thị trường. 

Cụ thể, nếu trong thị trường phát điện cạnh tranh mới có khoảng 50% số lượng các nhà máy điện tham gia (phải có công suất từ 30MW trở lên) thì sang cấp độ thị trường bán buôn, tất cả các đơn vị phát điện nếu đảm bảo đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đều được tham gia chào giá trên thị trường, kể cả các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và BOT, thậm chí các nhà máy thủy điện nhỏ. Điều này sẽ giúp đa dạng nguồn cung và giá cả cũng sẽ cạnh tranh hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng cho biết: Nếu như ở thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có 1 đơn vị mua buôn duy nhất là EVN, thì để bảo đảm tính cạnh tranh cao hơn, tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ mở rộng hơn các đối tượng này. 

Theo đó, trước mắt sẽ có 5 tổng công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho các khách hàng. Ngoài ra, các khách hàng lớn đấu trực tiếp vào lưới điện truyền tải cũng sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay. Dù vậy, lo ngại lớn nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực để vận hành thị trường này. Trên thực tế, càng nhiều đối tượng tham gia thị trường cùng lúc thì câu chuyện quản lý sẽ càng phức tạp hơn.

Nam Phương
.
.
.