Cảnh báo về một kiểu lừa đảo mới ở Đồng Tháp

Thứ Năm, 13/04/2006, 13:30

Bán đất cho nhiều chủ bằng giấy viết tay sau đó thế chấp để vay tiền ngân hàng và bỏ trốn, kiểu lừa đảo mới này ở Đồng Tháp đang đẩy nhiều người nông dân khốn khổ vào cảnh khốn cùng.

Ông Huỳnh Minh Kỳ (51 tuổi) có hơn 32.000m2 đất nông nghiệp tại ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp. Do có mưu đồ từ trước nên từ năm 1996, ông Kỳ đem phần đất trên chuyển nhượng lại cho nhiều người bằng giấy viết tay. Sau đó, ông Kỳ đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thế chấp Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long để vay 50 triệu đồng và bỏ trốn khỏi địa phương vào năm 2001. Ngân hàng tiến hành phát mãi khu đất để thu hồi vốn. Vậy là những người "mua" đất của ông Kỳ mất "cả chì lẫn chài"...

Anh Trần Văn Việt là người con duy nhất của liệt sĩ Cao Văn Hai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1990, anh lấy vợ là chị Đoàn Thị Đượm và họ cùng nhau sinh sống tại ấp 6, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, do gia đình không có "cục đất chọi chim" nên vợ chồng anh chị phải đi tha phương làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Cuộc sống càng cơ cực hơn khi 4 đứa con lần lượt ra đời.

Để tự cứu gia đình mình, năm 1996, vợ chồng anh Việt vay mượn của người thân được gần 8 lượng vàng rồi lặn lội đến miệt "khỉ ho cò gáy" để chuyển nhượng của ông Huỳnh Minh Kỳ 11.183m2 đất trồng tràm với giá 7,8 lượng vàng. Chị Đượm cho biết, cứ mỗi lần vợ chồng chị yêu cầu ông Kỳ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất thì ông lại vịn vào cớ này cớ kia để trì hoãn. Trong khoảng thời gian này, ông Kỳ tiếp tục đem phần đất còn lại bán cho hộ ông Phạm Văn Tuấn, Ngô Văn Hậu cũng bằng hình thức giấy viết tay.

Đến năm 2000, ông Kỳ đem GCNQSDĐ thế chấp ngân hàng vay 50 triệu đồng. Qua năm 2001, vợ chồng ông Kỳ bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi vụ việc đổ bể, ngân hàng tiến hành phát mãi khu đất có thông báo cho những nạn nhân của ông Kỳ được "mua" lại diện tích đất mà mình đã "mua" nhưng vợ chồng anh Việt nợ cũ còn chưa trả xong thì lấy đâu ra tiền để mua tiếp. Không còn đất canh tác, vợ chồng anh Việt cùng đám con nheo nhóc sẽ xoay xở ra sao trong những tháng ngày sắp tới?

Trong vụ việc này, vợ chồng anh Việt cũng như ông Tuấn, ông Hậu là nạn nhân của ông Huỳnh Minh Kỳ đã rõ. Còn đối với Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long họ không phải là nạn nhân bởi việc vay tiền của ông Kỳ đã có thế chấp GCNQSDĐ nên khi xảy ra sự cố, ngân hàng có quyền phát mãi tài sản này bằng hình thức bán đấu giá quyền sử dụng.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng nói ở đây là khi tiến hành cho vay, ngân hàng không xác minh cặn kẽ hiện trạng khu đất. Khi sự cố xảy ra, mặc dù tòa án có thể hủy hợp đồng chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay giữa ông Kỳ và vợ chồng anh Việt vì đây là hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ về mặt hình thức. Tuy nhiên, vì nó chưa được quyết định bằng một bản án có hiệu lực pháp luật nên hợp đồng tay này vẫn còn giá trị trong giao dịch dân sự giữa ông Kỳ và vợ chồng anh Việt. Vì vậy, việc ngân hàng bỏ qua mọi quyền lợi của các nạn nhân, chỉ biết thu đủ vốn lãi về cho mình là chưa hợp lý.

Mặt khác, ngoài diện tích đất mà ông Kỳ chuyển nhượng cho 3 nạn nhân thì hiện tại ông vẫn là người đứng tên sử dụng khu vườn rộng hơn 6.000m2 và một ngôi nhà cũng nằm trong GCNQSDĐ đã thế chấp cho ngân hàng. Vậy tại sao ngân hàng không bán đấu giá trước phần tài sản không có tranh chấp này để thu hồi vốn, nếu chưa đủ thì mới bán tiếp phần đang tranh chấp? Thời điểm vợ chồng ông Kỳ bỏ trốn là vào năm 2001, vợ chồng anh Việt đã làm đơn gửi các cơ quan pháp luật của huyện Tháp Mười. Vậy mà đến nay, kẻ lừa đảo vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giúp các nạn nhân trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng trước hết, người dân cần lấy câu chuyện của vợ chồng anh Việt làm bài học cảnh giác cho mình

M.T.Phong
.
.
.