Cảnh báo về hành vi thao túng giá chứng khoán

Thứ Ba, 07/12/2010, 08:37
Việc nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, ông Lê Văn Dũng vừa bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán đã khiến những người tham gia thị trường chứng khoán thật sự rúng động. Sự vào cuộc của cơ quan Công an để điều tra làm rõ hành vi thao túng giá đã cảnh báo các cơ quan quản lý phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phải hết sức thận trọng khi tham gia thị trường vốn đã rất nhạy cảm này.

Ngày 26/11, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với ông Lê Văn Dũng để điều tra về hành vi thao túng giá chứng khoán. Lý do là bởi Lê Văn Dũng cùng em trai và hai nhóm người khác sử dụng số tài khoản để đặt mua, đặt bán cổ phiếu của Công ty Dược phẩm Hà Tây, tạo việc mua bán ảo và tung ra nhiều thông tin không đúng sự thật với mục đích thao túng thị trường chứng khoán.

Sau sự việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông thực hiện việc công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM và các đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Kết quả xác minh bước đầu làm rõ, ông Lê Văn Dũng thông qua em trai là Lê Văn Mạnh và một số người khác mở 11 tài khoản. Sau đó, Dũng ủy quyền cho Mạnh 9 tài khoản không thời hạn. Dũng và Mạnh cùng hai nhóm người khác sử dụng số tài khoản này để đặt mua, đặt bán cổ phiếu của Công ty Dược phẩm Hà Tây tạo việc mua bán ảo và tung ra nhiều tin thất thiệt với mục đích thao túng thị trường. Nhiều nhà đầu tư nhìn vào việc khớp lệnh mua và bán trên sàn đã mua theo, gây thiệt hại người ít nhất khoảng 100 triệu đồng, người nhiều nhất là 500 triệu đồng. Ngay cả Công ty Dược phẩm Hà Tây trong 9 tháng đầu năm 2010 cũng bị thiệt hại lớn do hành vi của Lê Văn Dũng và các đối tượng gây ra.

Tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh hậu quả.

Liên quan đến sự vụ này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa yêu cầu Trung tâm Lưu ký chứng khoán và bốn công ty chứng khoán khác phong tỏa tài khoản của ông Lê Văn Dũng, hai công ty khác và 13 cá nhân liên quan. Việc phong tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán của các cá nhân và tổ chức nói trên được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan an ninh để phục vụ công tác điều tra và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thực ra không phải đến khi ông Lê Văn Dũng bị bắt thì các nhà đầu tư chứng khoán mới dè dặt hơn khi tham gia sân chơi nhiều may rủi này. Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chứng khoán và các quy định về giao dịch, nhưng vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán đã phát hiện và xử lý gần 50 trường hợp vi phạm, có hành vi thao túng giá đối với một số loại cổ phiếu.

Nhưng xem ra, nhiều vụ xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua vẫn chưa thật sự nghiêm khắc(?!). Nguyên nhân được các nhà đầu tư nhận định, có thể do mức xử phạt đối với hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ mức răn đe các tổ chức và cá nhân vi phạm. Một nhận định khác cũng được đưa ra, đó là khi thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư dẫu nhiều may rủi, nhưng khá hấp dẫn các nhà đầu tư nên cơ quan quản lý cũng chưa muốn xử lý mạnh, sợ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Và có lẽ, chỉ đến khi ông Lê Văn Dũng bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán mới thực sự khiến những người xem nhẹ hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán phải nghiêm túc nhìn lại mình để tự điều chỉnh cách nghĩ(!).

Một vấn đề khác liên quan đến thị trường chứng khoán cũng được dư luận hết sức quan tâm, thậm chí là bức xúc trước những biểu hiện vi phạm như: sử dụng thông tin nội gián để làm giá chứng khoán của một số nhà đầu tư được coi là "đại gia" của thị trường này. Bằng chứng là từ đầu năm tới nay, Ủy ban Chứng khoán đã phát hiện và xử lý 7 cá nhân có hành vi giao dịch nội gián.

Hy vọng rằng, bài học từ vụ nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán sẽ khiến thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn, qua đó sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo ra sự nghiêm túc của thị trường này. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư chân chính sẽ đặt nhiều niềm tin hơn vào thị trường chứng khoán. Và để làm tốt việc điều tiết thị trường chứng khoán, thiết nghĩ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tội thao túng giá chứng khoán, điều 181c Bộ luật Hình sự:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;

b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nguyễn Hưng
.
.
.