Cảnh báo rủi ro lao động Việt Nam đi làm việc chui ở Philippines

Thứ Năm, 12/12/2013, 13:51
Những tháng cuối năm, thông tin về tình trạng nhiều lao động ở một số tỉnh, trong đó nổi lên là Quy Nhơn (Bình Định) đi sang Philippines bằng visa du lịch rồi ở lại làm lao động tự do, đang phải chịu cảnh bị cơ quan chức năng nước sở tại truy quét, sống chui sống lủi mà không thể về nước, lại lấy đi nước mắt của nhiều gia đình. Sau những bài học đau xót về tình trạng lao động chui ở Angola, Thái Lan, lại thêm những nạn nhân khi đi làm việc không chính thức ở nước ngoài. 

Ngày 11/12, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong những ngày qua, Cục liên tục nhận được thông tin của người dân ở Bình Định bỏ tiền làm visa du lịch sang Philippines rồi ở lại. Chủ yếu những người này sang Philippines làm nghề bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, làm công việc lao động phổ thông. Người dân ở một số xã của TP Quy Nhơn, nhiều nhất là xã Nhơn Lý, do kinh tế khó khăn, thất bại mùa biển, đã dắt díu cả nhà sang Philippines. Phong trào này đã phát triển tự phát từ lâu, do có người đi vài năm về tích cóp xây được nhà tầng nên đã tạo ra phong trào đi của người dân trong xã.

Ông Trần Văn Vương, Trưởng Công an xã Nhơn Lý, cho hay, đến nay toàn xã có khoảng 460 người sang Philippines làm lao động tự do, chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, lao động phổ thông. Từ đầu năm 2013 đến nay, có hơn 40 lao động sang nước này. Hầu hết lao động của xã đều đi theo kiểu tự phát, có gia đình cả 3 - 4 người cùng đi.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài cần có hợp đồng hợp pháp với chủ sử dụng lao động ở nước ngoài.

Tuy nhiên gần đây, nhiều gia đình ở Nhơn Lý vật vã lo lắng vì nhận được điện thoại của người thân ở Philippines về tình cảnh khổ sở, sống chui lủi vì bị cảnh sát truy quét, đồng thời không có tiền về nước do không có tiền đóng thuế. Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương cũng cho hay, theo quy định của Philippines, những lao động tự do (không ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp), 2 tháng phải gia hạn visa và đóng khoản thuế 150-200 USD/lần, như vậy mỗi năm phải đóng 900-1.200 USD.

Sau trận bão Haiyan, một số người lao động Việt Nam đã tìm đến ĐSQ Việt Nam tại Philippines nhờ giúp đỡ về nước vì không đủ tiền nộp thuế. ĐSQ Việt Nam đã phải việc với Cục Quản lý nhập cảnh của bạn để xin miễn giảm, đưa công dân về nước.

Qua sự việc này, Đại sứ Trương Triều Dương cũng khuyến cáo người Việt đi lao động nước ngoài nói chung, Philippines nói riêng cần tuân thủ các quy định của nước bạn, trong đó có cả nghĩa vụ thuế. Nếu không tuân thủ, trong những tình huống khó khăn như hiện nay, mọi việc rất khó giải quyết.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, việc công dân Việt Nam ra nước ngoài và ở lại cư trú, làm việc không đúng quy định của nước sở tại có rất nhiều nguy cơ rủi ro. Do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập không đảm bảo, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và không được pháp luật tại nước sở tại bảo hộ. Trường hợp bị các cơ quan chức năng phát hiện, các công dân đó có thể bị bắt giam, bị phạt tiền và bị trục xuất về nước. Mặt khác, do các cơ quan chức năng của Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại không nắm được nên cũng không thể có biện phát hỗ trợ kịp thời khi công dân gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, Cục vừa có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu kiểm tra tình hình công dân đi du lịch ở nước ngoài rồi ở lại làm việc không hợp pháp, thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để có hướng hỗ trợ công dân. Cùng với đó, các sở tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật

Thu Uyên
.
.
.