Căng sức chống buôn lậu mùa Tết

Thứ Ba, 13/01/2015, 08:37
Hiện đang là “mùa” cao điểm của tình trạng buôn lậu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết như pháo, hàng tiêu dùng, bánh kẹo...

Vẫn các thủ đoạn cũ lợi dụng sơ hở của chính sách, thuê cư dân biên giới vác hàng, lựa thời điểm lực lượng chức năng lơ là để tuồn hàng vào nội địa. Phức tạp hơn, hiện các chủ hàng thường “chơi chắc” bằng cách bắt cư dân biên giới vác hàng thuê phải đặt cọc, nếu mất hàng là mất tiền, khiến nhiều người dân rất dễ bị kích động chống lại lực lượng chức năng, có những cuộc tập trung hàng 500 – 700 người.

Từ tháng 10, 11 năm ngoái, hiện tượng buôn lậu hàng Tết đã bắt đầu. Ngày 29/11/2014, tại khu vực mốc 940 – 941 thuộc xã Đại Sơn, Phục Hòa (Cao Bằng), lực lượng Đặc nhiệm Cục Phòng chống tội phạm ma túy phối hợp với Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng Lương Văn Cương (25 tuổi) và Lương Văn Quyền (29 tuổi) đang vận chuyển 1,067 tấn pháo các loại qua biên giới.

Trước đó, ngày 27/11/2014, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng) phối hợp với tổ công tác liên ngành (Hải quan, Công an, Quản lý thị trường) phát hiện trong hang đá tại chân núi Lũng Mười có 19 thùng các tông chứa gần 202kg pháo hoa. Mở rộng kiểm tra phát hiện trên xe ôtô BKS 34K-5731 đang vận chuyển 413kg pháo, 1 súng bắn điện, 2 ĐTDĐ và 900.000 đồng.

Lực lượng chức năng tiêu hủy số gà lậu bị thu giữ. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.

Ngày 29/12/2014, tại vùng biển Thái Bình, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 tàu vỏ gỗ đang vận chuyển 1.847kg pháo các loại. Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cuối tháng 12 vừa qua, báo cáo cũng cho thấy trong 11 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 17.500 vụ, Hải quan biên giới xử lý 40 vụ việc lớn. Các đơn vị bộ đội biên phòng trong cả nước tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.099 vụ, 1.591 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 4 tỷ đồng; xử lý 484 vụ tài sản vô chủ, chủ yếu các vụ vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại qua biên giới, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 503 vụ, 463 đối tượng...

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, những việc làm quyết liệt trên đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện ở việc cước vận chuyển hàng qua biên giới đã tăng gấp mấy lần trước, đội giá hàng đưa vào nội địa. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa bớt phức tạp.

Báo cáo mới đây nhất của Bộ Tư lệnh Biên phòng nhận định: Tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc nổi lên nhập lậu hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ôtô, xe máy, xe đạp điện, vải, quần áo may sẵn và các mặt hàng cấm nhập như pháo nổ, đồ chơi bạo lực nguy hiểm, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng kinh doanh tạm nhập tái xuất để buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng như rượu, bia, bánh kẹo, thuốc lá, thịt động vật lạnh. Địa bàn trọng điểm nằm ở khu vực cửa khẩu, điểm thông quan, các đường mòn lối mở qua biên giới tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.

Rượu lậu, thuốc lá lậu tràn vào nội địa bị Đội Quản lý thị trường số 1 (Hà Nội) bắt giữ.

Theo khảo sát của Bộ Tư lệnh Biên phòng, tại các địa bàn này có 173 kho, 30 bãi, 10 điểm tập kết hàng hóa, trong đó có 30 kho, bãi nghi vấn chứa hàng nhập lậu, 5 kho, bãi nghi vấn chứa hàng xuất lậu...

Các thủ đoạn vẫn hết sức quen thuộc: các đầu nậu tập kết hàng hóa sát khu vực biên giới đối diện; lợi dụng cư dân biên giới thiếu việc làm, kinh tế khó khăn để thuê họ vận chuyển trái phép qua biên giới; đối tượng tổ chức thành từng nhóm đông người để mang, vác hàng lậu qua đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu vận chuyển về khu vực biên giới Việt Nam cất giấu trong các kho, bãi, nhà dân; sau đó sử dụng xe môtô, ôtô tải loại nhỏ chở hàng vòng tránh các chốt, trạm kiểm soát của lực lượng chức năng, vận chuyển sâu vào các chợ đầu mối tiêu thụ.

Để gắn chặt trách nhiệm của người được thuê vận chuyển với lô hàng lậu, đối tượng yêu cầu họ phải viết giấy nợ hoặc đặt cọc một khoản tiền tương ứng với số hàng vận chuyển. Do không có tiền đặt cọc, một số người dân phải bán tài sản của gia đình để lấy tiền, nên khi bị bắt giữ, bị các đối tượng kích động thì ngay lập tức họ có phản ứng lấy lại hàng hoặc chống đối  lực lượng chức năng.

Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết: Từ tháng 8/2014 đến nay, tại biên giới Lạng Sơn đã xảy ra 3 vụ đối tượng kích động người dân bao vây, ném đá, đe dọa nhằm gây áp lực đối với lực lượng Biên phòng để cướp lại hàng lậu – mỗi vụ có khoảng từ 500 đến 700 người dân tham gia, cho thấy mức độ phức tạp của vấn đề.

Cùng với đó, một tồn tại tiếp tục được nhắc đến là việc lợi dụng chính sách cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu ở mức 2 triệu đồng/người/ngày và quy định về bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc kinh tế cửa khẩu 1 triệu đồng/ngày để thuê vận chuyển hàng lậu.

Rất nhiều DN “ma” cũng được thành lập, thuê những người thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm về kinh doanh hoặc đối tượng nghiện hút, đối tượng có tiền án, tiền sự làm giám đốc để ký, hoặc sử dụng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ giả, tem nhập khẩu giả, hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức lô hàng nhập lậu.

Vũ Hân
.
.
.