Cần xử lý nghiêm hàng loạt sai phạm ở Công ty Cao su Kon Tum

Thứ Ba, 14/06/2011, 12:55
Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có trụ sở chính ở 258 Phan Đình Phùng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Đơn vị có công ty con là Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Khách sạn Hưng Yên (gọi tắt Công ty cổ phần Hưng Yên) và đầu tư tài chính vào 3 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu và Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II. Trong thời gian làm Giám đốc, ông Nguyễn Anh Tuấn đã để xảy ra nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum và kết luận nhiều sai phạm.

Đưa người nhà vào "thống lĩnh" công ty

Theo kết luận của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, qua kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum cho thấy công tác bố trí cán bộ từ công ty đến các nông trường, xí nghiệp, đội sản xuất đều được ông Nguyễn Anh Tuấn bố trí nhiều người nhà, dòng họ để quản lý. Những người này gồm cả em, cháu ruột, cháu rể, cháu dâu, bà con bên vợ…

Đáng chú ý nữa là công tác bổ nhiệm cán bộ được làm tùy tiện, một số người chưa có bằng cấp theo quy định nhưng ông Tuấn vẫn bổ nhiệm chức vụ như ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng HCQT (anh của ông Tuấn); ông Nguyễn Đức Công, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy công ty, trước đây là Giám đốc Nông trường Dục Nông (em ruột ông Tuấn).

Ông Tuấn cũng đã bổ nhiệm cán bộ Nguyễn Thái Hùng giữ chức Phó phòng Kinh doanh của công ty khi mới qua thời gian thử việc 3 tháng. Việc bổ nhiệm cán bộ không căn cứ vào các quy chế của Tập đoàn và Thông tư của Nhà nước nên dẫn đến việc làm bừa, làm ẩu và gây bức xúc cho cán bộ, nhân viên công ty.

Cũng trong quá trình kiểm tra phát hiện ông Tuấn mở công ty riêng ở Campuchia nhưng lại đưa cán bộ sang làm việc và trả lương của Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum như ông Nguyễn Văn Dũng, Lê Thế Lực, Nguyễn Văn Lý, Đinh Sơn Hà, Ngô Sỹ Tường… Những cán bộ trên đi làm việc ở Campuchia cho công ty riêng của ông Tuấn từ tháng 7/2010 nhưng đến tháng 9/2010 công ty mới chấm dứt hợp đồng lao động.

Giá mua mủ cao su của công ty đối với các cán bộ nhận khoán thấp hơn giá sàn của tập đoàn.

Sai phạm chồng lên sai phạm

Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum đã đầu tư góp vốn vào 5 dự án, trong đó 3 dự án góp vốn thành lập công ty cổ phần trồng cao su, một dự án thành lập công ty cổ phần ngoài lĩnh vực sản xuất chính là Công ty cổ phần Hưng Yên và dự án đầu tư Nhà máy Chế biến Ngọc Hồi.

Theo đó, Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn được cử đại diện góp vốn của Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum. Đến thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum đã góp vốn cho Công ty cổ phần Cao su Lai Châu hơn 10,3 tỷ đồng; góp vốn cho Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II số tiền 6 tỷ đồng và Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy 9,6 tỷ đồng, nhưng tất cả đều không có ý kiến của người đại diện vốn khi công ty chuyển tiền góp vốn đến.

Riêng Công ty cổ phần Hưng Yên, đã góp vốn tổng cộng trên 70 tỷ đồng (chiếm 92,10% vốn điều lệ). Đáng chú ý, tất cả các lần góp vốn cho Công ty cổ phần Hưng Yên đều được thực hiện theo quyết định của Giám đốc công ty về việc trích quỹ phúc lợi Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum để mua cổ phiếu sai quy định.

Hoạt động của công ty cổ phần này không có biên bản họp cổ đông sáng lập, số lượng cổ phần đăng ký tham gia của từng cổ đông, số lượng thành viên HĐQT, chỉ định Chủ tịch, Tổng Giám đốc, kế toán trưởng, quyết định góp vốn lần đầu và phê chuẩn thông qua điều lệ Công ty cổ phần Hưng Yên. Các lần thay đổi vốn điều lệ đều thiếu các thủ tục quy định.

Các dự án đầu tư của Công ty cổ phần Hưng Yên đều có tổng mức đầu tư lớn hơn 50% giá trị tài sản của công ty nhưng đều thiếu thủ tục xin thỏa thuận chủ trương đầu tư của tập đoàn. Trong quá trình triển khai xây dựng các dự án, Công ty cổ phần Hưng Yên đã chia nhỏ các gói thầu và thực hiện chỉ định thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.

Toàn bộ dự án phát sinh Công ty cổ phần Hưng Yên đều sử dụng 100% vốn điều lệ, không phù hợp với quy định hiện hành. Kết quả hoạt động kinh doanh theo báo cáo tài chính đến 6-2010 có số lỗ lũy kế trên 300 triệu đồng. Đáng chú ý là hàng loạt dự án, công trình đầu tư do Công ty cổ phần Hưng Yên làm chủ đầu tư triển khai thực hiện đều không đúng quy định pháp luật.  

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Hưng Yên phải thu hồi 1.126.631.561 đồng tiền chênh lệch giữa quyết toán của đơn vị và số liệu được kiểm toán xác định từ các tổ chức và cá nhân có liên quan, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH một thành viên cao su Kon Tum thu hồi số tiền 70 tỷ đồng của quỹ phúc lợi mà Công ty đã sử dụng sai mục đích

Ngọc Như
.
.
.