Cẩn trọng với chiêu lừa cho vay vốn của các cty nước ngoài

Thứ Năm, 25/10/2007, 09:22
Kiểu lừa đảo thường thấy nhất là một số tổ chức nước ngoài núp dưới danh nghĩa công ty đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện môi giới, mời chào các doanh nghiệp trong nước bằng việc cho vay các khoản vốn lớn với lãi suất rất hấp dẫn hoặc lấy mác là xuất xứ từ các nước giàu có tới Việt Nam kinh doanh để chiếm dụng vốn.

Trong thời gian gần đây, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận được rất nhiều yêu cầu điều tra giúp thông tin, xác định rõ "lý lịch" một số doanh nghiệp nước ngoài, ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế khác có nhiều dấu hiệu khả nghi trong làm ăn.

Mời cho vay khoản lớn, lãi suất ưu đãi

Theo CIC, một số tổ chức nước ngoài núp dưới danh nghĩa công ty đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện môi giới, mời chào các doanh nghiệp Việt Nam bằng việc cho vay các khoản vốn lớn với lãi suất rất hấp dẫn, là kiểu lừa đảo thường thấy nhất.

Trong số các doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo do CIC điều tra thì trường hợp của Công ty KSV Development Co LTD là một điển hình.

Công ty này đăng ký và thành lập tại Sangkat Chomchao 76 National Rd 4, Phum Prey Svey Khan Dankor, Phnom Penh, Campuchia. Đại diện của Công ty KSV đã sang Việt Nam "tiếp thị", mời chào Công ty TNHH Xây dựng - Đầu tư - Xuất nhập khẩu Tân Quốc Tế tham gia thực hiện một dự án xây dựng khu "The Five Star Healthy Island" tại Campuchia với tổng số vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD.

Thủ đoạn của KSV là đưa ra lãi suất cho vay rất hấp dẫn, đồng thời họ cũng đưa bản sao về việc họ đã từng đặt cọc khoản tiền 250 triệu USD tại Ngân hàng Quốc gia Đức (Deutsche Bank), chi nhánh tại Thụy Sỹ và cho bên thụ hưởng là Công ty TNHH Xây dựng - Đầu tư - Xuất nhập khẩu Tân Quốc Tế. Để có thể nhận được khoản tiền này, Công ty Tân Quốc Tế phải đặt cọc trước cho KSV một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu USD.

Thông qua một số hãng thông tin quốc tế, CIC được biết, Công ty KSV đăng ký thành lập vào tháng 5/2007 tại Campuchia do ông Keo Sovann làm Tổng Giám đốc. Mặc dù đã đăng ký thành lập tại Campuchia nhưng công ty này không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào tại nước sở tại.

Một số hãng thông tin quốc tế cũng đã khuyến cáo cần thận trọng với người đại diện của công ty này trong các giao dịch thương mại.

Để làm sáng tỏ số tiền đặt cọc 250 triệu USD của KSV tại Deutsche Bank, chi nhánh Thụy Sĩ, CIC đã có công văn đề nghị Ngân hàng Deutsche Bank chi nhánh tại TP HCM xác minh giúp.

Sau khi xác minh đã có kết quả rằng, giấy chứng nhận tiền đặt cọc của Công ty KSV là hoàn toàn giả mạo. Ngân hàng Deutsche Bank chi nhánh Thụy Sĩ cũng đã khẳng định, không biết gì về Công ty KSV và công ty này cũng không phải là khách hàng của họ.

Trước KSV, tại Việt Nam cũng đã từng xảy ra trường hợp tương tự.

Đó là trường hợp một số người tự xưng là đại diện của tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm của Mỹ, Palro Inc. Họ đến một số địa phương: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu đề nghị các nơi này chuẩn bị một số dự án với cam kết tài trợ hàng chục triệu USD cho các địa phương trên.

CIC đã cho điều tra và phát hiện thấy, không tồn tại Công ty Palro Inc trên thực tế và trong niên giám các công ty Mỹ thì cũng không có tên công ty này.

Không nên dựa vào "diện mạo" bên ngoài

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từng cảnh báo rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thường lấy mác là xuất xứ từ các nước giàu có tới Việt Nam kinh doanh, nếu họ có những lời "bóng bẩy" thì doanh nghiệp trong nước cũng chớ tin vội, cần chờ sự thẩm định của các cơ quan: VCCI, các tham tán thương mại ở nước ngoài, cơ quan chức năng thì mới nên ký kết hợp đồng. 

Việc nhờ các tham tán thương mại xác nhận hộ "lý lịch" đối tác không hề phức tạp, doanh nghiệp chỉ cần ghi rõ số điện thoại, thư điện tử và nêu tên đối tác cần làm ăn là các tham tán thương mại sẽ có thông tin phản hồi. Nhưng thực tế, trong thời gian qua, số doanh nghiệp Việt Nam tìm tới các tham tán thương mại không nhiều.

Một số tham tán thương mại Việt Nam tại EU đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam cố vươn ra thị trường ngoài bằng mọi cách mà không xem xét kỹ lưỡng thì sẽ bị đối tác nước ngoài lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng vốn (tại Đức, có doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác nước ngoài chiếm dụng vốn lên tới 1 triệu USD, đặc biệt là trong ngành thủy sản, thủ công, mỹ nghệ)

Văn Nguyễn
.
.
.