Cần thận trọng khi cho "tín dụng đen" vay vốn

Thứ Sáu, 17/06/2011, 14:34
Khi hàng loạt vụ "tín dụng đen" trong cả nước bị đổ bể, nhiều người  mới ngỡ ngàng đặt câu hỏi: Vì sao tiền tỷ có thể dễ dàng được huy động đến vậy? Đi tìm nguyên nhân các vụ vỡ nợ tín dụng xảy ra trong cả nước thời gian qua, chúng tôi phần nào lý giải được các câu hỏi trên.

Đối tượng đánh vào lòng tham của người cho vay

Đại đa số các đối tượng huy động được tiền tỷ là do đã đánh trúng lòng tham của người cho vay. Chúng dùng lãi suất cao ngất ngưởng để gây lòng tin với họ, Thượng tá Đinh Văn Phúc, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ (PC 45) khẳng định.

Có nhiều trường hợp, ngay sau khi vay tiền của nạn nhân, đối tượng đã dùng số tiền đó, trả lãi suất cho họ từ tháng đầu tiên, điều này đã tạo tâm lý phấn khởi cho các nạn nhân. Rồi chúng trả các khoản tiền lãi rất sòng phẳng trong vài tháng để tiếp tục lừa gạt, vay của họ những khoản tiền lớn hơn.

Chiêu thứ hai, các đối tượng thường lợi dụng là lấy danh nghĩa đầu tư vào các công trình lớn để huy động vốn…

Chúng đánh bóng bản thân bằng cách chi tiêu hào phóng, sử dụng xe ôtô đắt tiền, xài hàng hiệu trong quá trình giao dịch. Khi đã chiếm đoạt được tiền của các đối tác, chúng không đầu tư vào hoạt động kinh doanh mà tiếp tục dùng số tiền đã chiếm đoạt được, tạo vỏ bọc để gây lòng tin cho các đối tác tiếp theo.

Đây là thủ đoạn mà Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi, trú tại Thạch Quán, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã sử dụng để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại. Trước đó, Kiên thành lập Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Thành Hương, trụ sở tại xã Thạch Quán với mục đích là khai thác mỏ đá.

Đối tượng bắt người trái phép luật bị Công an Hà Nội bắt giữ.

Sau khi thành lập công ty, lấy lý do cần vốn làm ăn, Kiên đã huy động vốn với lãi suất cao. Có rất nhiều bị hại đã "sập bẫy" của Kiên. Một trong số đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Kiều Dung (trú tại phường Gia Cẩm, TP Việt Trì).

Kiên đã đặt vấn đề với chị Dung vay tiền mua ôtô Benze, máy xúc, máy nghiền đá phục vụ việc khai thác và chế biến, mức lãi suất Kiên huy động đưa ra lúc đó là 7,5 %/ tháng, thời hạn thanh toán sau 3 tháng. Trước mức lãi suất mà Kiên đưa ra, chị Dung đã nhẹ dạ, móc hầu bao đưa cho Kiên vay 3 lần, với tổng số tiền là 1,285 tỷ đồng.

Sau nhiều lần đòi tiền không được, chị Dung đã gửi đơn đến cơ quan Công an. Ngày 3/6, phát hiện Kiên có dấu hiệu bỏ trốn, Phòng PC 45 Công an tỉnh Phú Thọ đã thực hiện lệnh bắt giữ hắn. 

Một số đối tượng còn có thủ đoạn tự đánh bóng mình, phô trương thanh thế, sau đó đưa ra các hợp đồng tín dụng để chứng minh khả năng tài chính, khiến những người bị hại lầm tưởng đối tượng là doanh nghiệp làm ăn phát đạt, rủ họ cùng góp vốn kinh doanh cùng chia lãi suất, từ đó dần dần móc hầu bao của những người nhẹ dạ.

Vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 25 tỷ đồng do Hoàng Kim Thịnh và Bế Thị Thủy, trú tại TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) thực hiện là một điển hình. Sở dĩ Thủy và chồng có thể dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt được tiền của người bị hại là vào thời điểm đó, chồng Thủy, đang công tác tại cơ quan thi hành án tỉnh Lạng Sơn.

Nhờ cái mác này, vợ chồng Thủy, Thịnh đã sử dụng hình thức mồi chài góp vốn mua hàng phát mại. Chúng trực tiếp đến nhà các bị hại, giới thiệu có lô hàng phát mại, nhưng không đủ tiền mua; đưa ra một số giấy tờ có liên quan cho các bị hại xem, nhằm tạo lòng tin với họ rồi đề nghị góp vốn, lợi nhuận sẽ chia đôi…

Sau khi ôm trọn được khoản tiền trên, vợ chồng Thủy, Thịnh đã "cao chạy, xa bay", cuối tháng 5/2011, mới bị bắt khi đang lẩn trốn tại một tỉnh ở miền Nam, nhưng dường như chúng không còn tiền trả lại các bị hại.

Khó xử lý các vụ vay nợ khi đổ bể

Việc thu thập chứng cứ để xử lý các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo thường mất nhiều thời gian và công sức xác minh. Khi thụ lý điều tra các vụ việc này, cơ quan điều tra phải làm rõ đối tượng sử dụng số tiền đã chiếm đoạt được như thế nào, từ đó xác định hành vi phạm tội cũng như thu hồi tài sản để trả cho các bị hại.

Bên cạnh đó, cũng phải tiến hành cho các bên đối chiếu công nợ nên mất rất nhiều thời gian. Đó còn chưa kể đến một số đối tượng là giám đốc các doanh nghiệp tư nhân nên thường sử dụng tiền vay vào hoạt động kinh doanh, sản xuất nên phải phối hợp với nhiều cơ quan hữu quan để xác minh mới kết luận được chính xác.

Điển hình như cơ quan thuế kiểm tra cung cấp tài liệu về kinh doanh; Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, cung cấp tài liệu về quyền sử dụng đất; Sở Xây dựng và Trung tâm thẩm định xây dựng đo đếm khối lượng thi công các hạng mục công trình để phục vụ định giá tài sản; Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải tiến hành định giá. Rồi, việc đánh giá chứng cứ chứng minh tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có những khó khăn trước khi xử lý…

Có trường hợp chưa cấu thành tội phạm vì đối tượng vẫn hứa hẹn trả tiền cho người bị hại nên để chứng minh được dấu hiệu của tội lừa đảo, Công an phải xác minh đối tượng đầu tư tiền vào lĩnh vực gì cũng không đơn giản. Trong khi đó, quan điểm của các cơ quan pháp luật hiện nay là không hình sự hóa các vấn đề dân sự.

Vì thế, ngoài việc không thực hiện đúng hợp đồng, các đối tượng còn phải có biểu hiện gian dối, lẩn tránh thì mới có thể khởi tố được vụ án hình sự. Đã có nhiều đối tượng ôm tiền tỷ nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật,  nhưng không thể xử lý được, vì đối tượng vẫn "có ý thức trả nợ", dù là "trả nợ nhỏ giọt… Bên cạnh đó, các hợp đồng tín dụng tính chất tư nhân thường khó xử lý theo pháp luật hiện hành vì dấu hiệu của lạm dụng lừa đảo còn lập lờ giữa dân sự và hình sự.                              

Người cho vay phải hết sức tỉnh táo trong việc thực hiện các hợp đồng cho vay. Trước khi thực hiện hợp đồng, cần xem xét một cách thấu đáo về đối tượng vay, mục đích vay và khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi để tránh rủi ro hoặc bị lừa.

Trong một số trường hợp nhất định, cần phải nhờ đến sự tư vấn của những người hiểu biết về pháp luật. Trong trường hợp nếu phát sinh mâu thuẫn thì cần phải tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật, nộp đơn đến tòa dân sự, tòa án kinh tế, không nên tự xử dẫn đến vi phạm pháp luật.

Xuân Mai
.
.
.