Cần sớm kết luận về vụ cá bè chết hàng loạt trên sông La Ngà

Thứ Bảy, 26/05/2018, 10:48
Liên quan đến vụ việc 1.500 tấn cá chết trên sông La Ngà, tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 21-5, đến thời điểm này kết luận cuối cùng về cá chết vẫn còn bỏ ngỏ. 

Trong khi người dân nuôi cá “trắng tay” như ngồi trên đống lửa bởi nợ ngân hàng và nợ đại lý cung cấp thức ăn cho cá chồng chất. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, Sở cũng đang tích cực tìm phương án trước mắt và lâu dài cho các hộ nuôi cá trên sông La Ngà. 

Theo quy định hiện hành, nếu nguyên nhân cá chết là do thiên tai, cứ mỗi 100m³ lồng nuôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ 7 - 10 triệu đồng. 

Trường hợp nguyên nhân được xác định do tác động từ việc xả thải của các nhà máy hoạt động xung quanh, tỉnh sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc xử lý theo đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xác minh nguyên nhân cá chết một cách khách quan chính xác đang được nhiều người dân mong đợi.

Nhằm hỗ trợ việc điều tra nguyên nhân khiến cá bè chết hàng loạt, chiều 24-5, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam - Tổng cục Môi trường cũng đã cử đoàn do ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Nam và các cán bộ chuyên môn phối hợp với Sở TN-MT Đồng Nai đã khảo sát trên sông La Ngà, khu vực xảy ra cá chết hàng loạt để làm rõ nguyên nhân. 

Theo ông Trần Phong, khoảng năm ngày nữa sẽ có kết quả phân tích các mẫu nước mặt, thủy sinh mà Sở TN-MT Đồng Nai lấy sau khi xảy ra cá chết, khi đó sẽ cung cấp chính thức nguyên nhân. 

Trước đó, Chi cục Thủy sản Đồng Nai đã đưa ra kết quả kiểm tra một số mẫu nước lấy tại sông La Ngà, khu vực cá chết hàng loạt cho thấy, hàm lượng ôxy hoà tan (DO) đều thấp, dao động trong khoảng 2,6 – 3,2mg/L, trong khi hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4mg/l trở lên. 

Ngoài ra, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi khoảng 5,6 -11 lần và NO2 vượt mức giới hạn cho phép từ 10 – 20 lần theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. 

Cũng theo lý giải từ Chi cục này thì trước đó trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài có thể mang lượng nước chảy về cuốn theo các chất ô nhiễm khác làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2... dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.

Bảo Sơn
.
.
.